Số liệu thống kê mới đây cảnh báo tình trạng lãng phí thực phẩm có thể gia tăng tới 33% vào năm 2030, tương đương 66 tấn thực phẩm bị thất thoát và lãng phí mỗi giây trên toàn thế giới.
Guardian dẫn báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) cho hay, lượng thực phẩm bị lãng phí mỗi năm sẽ tăng 33% vào năm 2030.
Ước tính khoảng 2,1 tỷ tấn thực phẩm sẽ bị thất thoát hoặc lãng phí trong năm 2030, tương đương 66 tấn bị lãng phí mỗi giây. Theo BCG, chính phủ các nước vẫn chưa có hành động tích cực để giải quyết vấn đề đáng báo động này.
Báo cáo ctrên cũng kiến nghị giải pháp áp dụng nhãn sinh thái nhằm khuyến khích khách hàng mua thực phẩm từ những công ty cam kết giảm lãng phí thực phẩm.
Mỗi năm, 1,6 tỷ tấn thực phẩm - trị giá khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, tương đương 1/3 tổng sản lượng lương thực sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí.
Trong khi đó, khoảng 815 triệu người (10,7% dân số thế giới) bị suy dinh dưỡng mãn tính năm 2016, theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO).
BCG cảnh báo nếu các quốc gia, công ty và người tiêu dùng không hành động ngay lập tức, mục tiêu giảm lượng lương thực bị lãng phí vào năm 2030 của LHQ sẽ không thể thực hiện được.
Từ nay tới mốc 2030, lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí được dự báo gia tăng tại hầu hết các khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á. Khu vực này là nơi có dân số và tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng cao.
“Khi tình hình kinh tế phát triển, con người cũng đòi hỏi nhiều thực phẩm hơn, đặc biệt là nhu cầu về những loại thực phẩm đa dạng, nhập khẩu cũng tăng lên. Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm”, Giám đốc điều hành BCG Shalini Unnikrishnan cho hay.
Ở những nước phát triển, thực phẩm bị lãng phí chủ yếu do các nhà bán lẻ và khách hàng, những người vứt thực phẩm đi do mua quá nhiều hoặc chúng không đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ.
Việc thiếu thông tin chính xác cũng là nguyên nhân gây ra sự lãng phí này. Nhiều khách hàng thường hiểu lầm rằng, thịt và rau quả tươi tốt cho sức khỏe hơn so với khi chúng được giữ đông lạnh.
Báo cáo của BCG kêu gọi các công ty "cập nhật" để đảm bảo nguồn cung thực phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng. Các quốc gia cần nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao tầm hiểu biết của nông dân và người mua hàng về vấn đề này.
Bà Unnikrishnan nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề đơn giản. Không một quốc gia, một thực thể đơn lẻ nào có thể giải quyết tận gốc vấn đề này một mình”.
Thu Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét