Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… https://ift.tt/2OMoHxD

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

(Trích “Để gió cuốn đi” – Trịnh Công Sơn)

Những ca từ đó đã vẳng bên tai tôi từ rất lâu rồi và tôi cũng luôn tâm niệm trong cuộc sống cần đối đãi với mọi người xung quanh mình bằng một tấm lòng chân thành. Nhưng chỉ gần đây thôi, tôi mới chợt hiểu việc con người ta dành cho nhau một tấm lòng có ý nghĩa đến nhường nào giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, đầy những bon chen, đầy những góc khuất, đầy những hoài nghi này.

[caption id="attachment_893605" align="alignnone" width="720"] Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. (Ảnh: YouTube)[/caption]

Hồi sinh viên, khi bắt đầu học chữ Hán, tôi đã thích nhất chữ Tâm (có nghĩa là tấm lòng). Trong một buổi ngoại khóa về chữ Hán, tôi đã xin thầy giáo viết cho tôi một bức thư pháp chữ Tâm trên giấy dó để tôi treo trong nhà. Từ đó, tôi cũng luôn dặn mình làm gì, nói gì với người khác cần xuất phát từ tấm lòng chân thành của mình.

Nhưng tôi là người khá rụt rè, ít nói. Không phải tôi không biết nói gì trong tình huống này, trong tình huống khác. Ngược lại, tôi biết rất rõ tôi nên nói như thế nào thì người đối diện tôi sẽ cảm thấy vui vẻ, hài lòng. Nhưng nhiều khi tôi chọn cách im lặng hơn là phải thốt lên những câu từ hoa mĩ, những lời chào đón đon đả… Bởi những câu từ, những lời chào đón ấy không xuất phát từ thực tâm, không xuất phát từ tấm lòng chân thành của tôi. Vậy nên cũng có đôi lần, tôi bị phê bình là chậm mồm chậm miệng, là ít lời. Những lúc ấy, tôi đã nghĩ: cuộc sống còn lâu dài, rồi mọi người sẽ hiểu con người của mình, sẽ hiểu tấm lòng của mình.

Nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Chao ôi! Đối với những người sống xung quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…, toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Mỗi người quanh ta, ai cũng có những phần tốt đẹp đáng được trân trọng, được yêu thương. Bản thân tôi luôn tin tưởng sau những chặng hành trình dài của cuộc sống, tôi cũng sẽ được mọi người hiểu, được mọi người dành cho những tấm lòng.

Gần đây tôi phải đi bệnh viện, nơi có lẽ chẳng ai muốn đến. Bệnh tật, đông đúc, chờ đợi, bác sĩ thì… người ta vẫn cứ rỉ tai nhau phải nhờ vả người quen thế này thế kia, trình độ tuyến dưới thấp hơn tuyến trên, thu nhập theo đồng lương không tương xứng, cần phải có những cách tăng thu nhập cho cả bệnh viện, cho mỗi cá nhân…

Kết quả xét nghiệm do máy móc phân tích cho biết sức khỏe của tôi có vấn đề đáng lo ngại. Nhưng khi ngồi nghe bác sĩ tư vấn, trong đầu tôi vẫn đầy hoài nghi. Liệu bác sĩ có đang nghiêm trọng hóa vấn đề sức khỏe của tôi hay không? Liệu bác sĩ có kê cho tôi những loại thuốc không thật cần thiết hay không? Liệu bác sĩ có trình độ chuyên môn đáng tin cậy hay không?

Ngay cả khi bác sĩ vẫn bình tĩnh giải thích tình trạng sức khỏe cho tôi, ngay cả khi bác sĩ nhắc đến việc người thầy thuốc cần có cái tâm, thuốc nào cũng có hai mặt, người làm nghề y cần phải cân nhắc kê đơn sao cho mặt hại có thể chấp nhận được, nhưng mặt lợi nhất định phải nhiều hơn, thì những câu hỏi trên vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Tôi đã mua thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ nhưng vẫn ra về trong cảm giác chưa thực sự yên tâm.

[caption id="attachment_893664" align="alignnone" width="1600"] (Ảnh: impe-qn.org)[/caption]

Khi tôi đi lướt qua hàng dài bệnh nhân vẫn ngồi chờ đợi để được khám, được tư vấn, câu nói của bác sĩ “người thầy thuốc cần có cái tâm” lại vẳng đến bên tai tôi. Chợt một dòng suy nghĩ hiện lên trong đầu khiến tôi phải thầm thốt lên: “Trời ơi! Trong cuộc sống bận rộn, ở nơi bệnh viện đông đúc này, một ngày bác sĩ phải tiếp hàng trăm bệnh nhân, ai là người bác sĩ quen biết, ai là người bác sĩ gặp lại lần thứ hai?

Phần lớn sẽ chỉ là những người bác sĩ gặp lần đầu, là những người không quen biết.

Cần biết bao tấm lòng của bác sĩ dành cho những bệnh nhân của mình. Chỉ một lần gặp, hỏi han vấn đề của người bệnh dăm ba câu, một vài phút, đọc kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, kê đơn, dặn dò, cũng chừng ấy thời gian, không thể lâu hơn. Hôm nay hàng trăm bệnh nhân này, ngày mai lại hàng trăm bệnh nhân khác.

Không thể nào có điều kiện dài lâu để con người ta tìm hiểu nhiều về nhau, để hiểu nhau cặn kẽ, để hiểu nhau đủ rồi mới bao dung cho nhau, mới dành cho nhau một tấm lòng. Ngành y, và bao nhiêu ngành khác nữa… Cần biết bao một tấm lòng sẵn sàng dành trao cho một người xa lạ.”

Tôi chợt nhớ về một buổi trưa u ám, lác đác mưa, tôi thẫn thờ đi trên con đường từ thư viện về nhà. Tôi chưa muốn về nhà ngay, những bước chân cứ nặng trĩu, tôi cũng không quan tâm đến mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Đó là lần đầu tiên tôi làm Báo cáo khoa học. Mọi thứ vô cùng khó khăn, áp lực. Tôi chưa nắm rõ đề tài, tôi chưa biết cách phải triển khai vấn đề thế nào cho hiệu quả. Những gì tôi làm được lúc ấy vẫn chỉ là một đống ý tưởng lộn xộn. Tôi không hiểu những lời hướng dẫn của giảng viên. Hạn nộp Báo cáo khoa học đã đến rất gần.

Tôi đang buông thả mình trong nỗi chán ngán, nỗi bất lực. Mắt tôi rơm rớm nước. Bất chợt sau lưng tôi vang lên giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm: “Cậu ơi, về nhà tớ ăn cơm đi”. Tôi quay lại. Đó là một bạn nữ lớp B. Tôi học lớp A. Hai lớp A, B thường học chung trong một giảng đường. Tôi chỉ biết bạn đó học lớp B chứ không rõ tên bạn là gì. Và có lẽ bạn ấy cũng vậy.

Dù không thật quen biết, bạn lớp B đã mời đi mời lại tôi rất nhiệt thành về nhà bạn ấy ăn cơm. Có lẽ bạn ấy đã đi sau tôi khá lâu. Có lẽ bộ dạng của tôi lúc ấy thiểu não quá khiến bạn ấy thương hại. Tôi cảm ơn tấm lòng của người bạn lớp B ấy biết bao. Trưa hôm ấy, tôi đã không về nhà bạn lớp B ăn cơm, nhưng tôi đã lấy lại được động lực, ngồi trong trường sắp xếp lại ý tưởng cho Báo cáo khoa học của mình được mạch lạc hơn.

Tôi cũng nhớ đến một buổi trưa khác, trên con đường quê nghèo đi khảo sát thực tế lấy tư liệu cho luận văn của mình, tôi được một phụ nữ mời về nhà ăn cơm. Cô dáng người gầy gò, đi chiếc xe đạp đã cũ, cũng chỉ vừa mới nói chuyện với tôi một đôi câu, biết được việc tôi đang làm, cô liền mời tôi về nhà ăn cơm cho vui.

[caption id="attachment_893666" align="alignnone" width="1000"] (Ảnh: YouTube)[/caption]

Ánh mắt cô, nụ cười của cô, giọng nói của cô cho tôi biết cô mời tôi một cách chân thành. Tấm lòng của cô khiến trái tim tôi cảm thấy ấm áp hơn. Tấm lòng của cô cũng giúp tôi có thêm sự mạnh mẽ, sự quyết tâm vượt lên trên bản tính rụt rè, trầm lặng, ngại chốn đông người, để có thể thực hiện khảo sát nơi những vùng quê xa lạ một cách hiệu quả nhất, để có thể hoàn thành đề tài luận văn mà tôi rất tâm huyết.

Tôi cảm ơn những tấm lòng dành cho tôi đến từ những người xa lạ.

Dành cho những người thân quen của ta một tấm lòng không hẳn là điều dễ dàng. Dành cho những người xa lạ với ta một tấm lòng chắc chắc còn khó khăn hơn. Nhưng cuộc sống bộn bề này sẽ đi về đâu nếu trong mỗi người chúng ta không có một tấm lòng để sẵn sàng dành trao cho người khác, nhất là những người xa lạ?

Sao Băng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét