Trung Quốc ngỏ lời muốn hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ Sáu (17/8) trong bối cảnh Ankara có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ và đang phải chịu sự trừng phạt của Mỹ, theo Reuters.
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 30% giá trị so với đồng đô la trong năm nay khi quan hệ giữa Ankara và Washington xấu đi. Ngoài ra những chính sách của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này, Reuters nhận định.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (CFM) hôm thứ Sáu nói rằng đã nhìn thấy "hướng đi mới" của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và chính sách đối ngoại của Ankara.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường mới nổi quan trọng, quốc gia này vẫn duy trì được sự ổn định, phát triển và đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực", CFM khẳng định.
"Trung Quốc tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng vượt qua những khó khăn kinh tế tạm thời, và hi vọng các bên liên quan có thể tìm ra biện pháp giảm bớt sự khác biệt thông qua đối thoại", CFM ám chỉ mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
CFM cũng đề cập tới thông tin từ phương tiện truyền thông cho biết Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tài trợ trị giá 3,8 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.
CFM cho biết Trung Quốc luôn ủng hộ việc hợp tác kinh doanh và tài chính giữa hai nước (Trung-Thổ) và sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác phù hợp với các quy tắc của thị trường.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển mối quan hệ ngày càng chặt chẽ kể từ sau khi hai nước có mâu thuẫn về việc Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, một sắc người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và sống chủ yếu ở khu vực Tân Cương, Reuters cho hay.
Theo SCMP, Trung Quốc cũng từng "dang tay" với Pakistan khi nước này bị nhóm các nước hồi giáo đứng đầu A Rập Xê Út tẩy chay và Mỹ quay lưng vì cho rằng Islamabad ủng hộ đánh bom khủng bố ở Ấn Độ. Sau đó Pakistan đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng hiện đang là con nợ tỷ đô của Bắc Kinh.
Theo The Diplomat và BBC, Úc và Ấn Độ từng bày tỏ nghi ngờ về hành động "phóng khoáng" của Trung Quốc khi cho các nước nghèo hoặc bị sa cơ như Pakistan vay hàng tỷ đô la một cách quá dễ dàng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là hai đồng minh NATO, tuy nhiên, trong cuộc chiến Syria, khi Mỹ nỗ lực ngăn chặn hành động tấn công bằng vũ khí hóa học vào dân thường của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad, thì chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan lại đứng về phía Nga ủng hộ ông Assad.
Trí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét