Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

CAFÉ CUỐI TUẦN: Viết cho những trăn trở ngành giáo dục, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất

CAFÉ CUỐI TUẦN: Viết cho những trăn trở ngành giáo dục, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất https://ift.tt/2NPlrph

Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Những ngày gần đây, truyền thông và xã hội trở nên xôn xao trước thông tin kỳ thi THPT Quốc gia 2019 không còn 2 trong 1 nữa. Báo chí bàn luận rất nhiều về những mặt lợi hại, được mất, tranh luận xem nên hay không nên. Ngoài xã hội, những học sinh và phụ huynh có con em chuẩn bị dự thi thì lại càng lo lắng, hoang mang không biết sẽ học như thế nào, luyện thi ra sao...

Còn nhớ năm 2015 khi kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 bắt đầu được thực hiện, cả nước cũng lao xao về vấn đề này. Có người ủng hộ, có người phản đối, nhưng vất vả nhất vẫn là các thí sinh đi thi. Trong khi mà từ trước đến nay cả xã hội đều quen thuộc với hình thức cũ, các giáo viên cũng "trung thành" luyện thi theo những phương pháp đã gắn bó hàng thập kỷ thì sự thay đổi trên giống như một bước ngoặt lớn buộc tất cả phải rẽ hướng gấp, dù không ít người "tay lái" hẵng còn rất yếu. 

[caption id="attachment_969051" align="alignnone" width="660"] Cả xã hội đang xôn xao trước thông tin kỳ thi THPT Quốc gia 2019 không còn 2 trong 1 nữa. (Ảnh: Kenhtuyensinh)[/caption]

Thế rồi tập làm quen chưa được bao lâu đã lại có thay đổi mới, và tất cả lại chuẩn bị tinh thần để rẽ cú ngoặt nữa. Thực chẳng thể đoán trước được lần này sẽ có những biến cố gì xảy đến, là chuyện vui hay buồn, chỉ thấy trước mắt là hầu hết mọi người đều "bội thực" bởi những cải cách, thay đổi triền miên, liên tục của ngành giáo dục. Vấn đề sách giáo khoa công nghệ giáo dục còn chưa hết nóng, người ta đã lại phải lên dây cót tinh thần đón nhận những tin "bỏng" hơn. Có vẻ như giáo dục nước nhà chưa lúc nào bớt "ồn ào" thì phải?

Đi tìm triết lý và đích đến của giáo dục

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ vào ngày 6/6/2018, trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nêu ví dụ Nhật Bản coi giáo dục đạo đức là cốt lõi, cốt lõi giáo dục của Đức là nhân bản thực tiễn, giáo dục Pháp là sau phổ thông đủ đi làm..."Vậy, nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục làm nền tảng cho công tác điều hành ngành của mình thì đó là gì thưa Bộ trưởng", đại biểu Hải chất vấn.

Từ vị trí điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Câu hỏi này chắc phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng sẽ trao đổi thêm với đại biểu Nguyễn Thanh Hải và cần tổ chức một hội thảo khoa học về triết lý giáo dục Việt Nam. Phần trả lời sau đó Bộ trưởng Nhạ không hồi âm đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Câu hỏi này cũng đã được nêu ra tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu: "Triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam chúng ta là nghị quyết 29 của Trung ương". Tuy nhiên, nghị quyết 29 dài 12 trang, có lẽ là quá dài để ghi nhớ và không đủ cô đọng súc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện!

[caption id="attachment_969743" align="alignnone" width="710"] Có lẽ chúng ta vẫn chưa rõ ràng về chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này là như thế nào. (Ảnh: Vneconomy)[/caption]

Khi người ta đặt câu hỏi "Mục đích của giáo dục là gì?", không ít người đã nhanh chóng trả lời là "Để dạy làm người". Nhưng đến khi hỏi lại "Làm người là làm gì?" thì hầu như ai ai cũng lúng túng không trả lời được. Điều đó đã phần nào phản ánh một thực tế, dù chúng ta có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người, "triết lý giáo dục" và “đích đến của giáo dục” vẫn còn là cái gì đó khá mơ hồ. Điều này, theo quan điểm cá nhân của riêng tôi, có lẽ là bởi chúng ta vẫn chưa rõ ràng về chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này là như thế nào. 

Thiết nghĩ, triết lý giáo dục với một nền giáo dục quan trọng như Hiến pháp đối với một quốc gia, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học. Cũng như vậy, người ta phải rõ ràng "đích đến của giáo dục" thì mới có thể biết đi đường nào để đến đích!

Chúng ta có đang bị chạy theo thành tích?

Không biết các bạn có cùng quan điểm hay không nhưng cá nhân tôi thì thấy giáo dục Việt Nam bị chi phối bởi rất nhiều các công văn, chỉ thị, chỉ tiêu, kế hoạch, thông tư, báo cáo… để rồi cuối cùng cho ra một kết quả “trên trời” mà người ta thường hay công bố sau mỗi kỳ thi mang tính toàn quốc là: “Nghiêm túc, an toàn” và đương nhiên không thể thiếu nội dung: “Chất lượng ABC tốt nghiệp năm nay; điểm thi XYZ năm nay… là cao hơn năm trước”.

Ở Việt Nam, học sinh cần làm mọi thứ để có thành tích tốt, mà thành tích tốt ấy dựa trên thước đo là điểm số và quan điểm được nhào nặn sẵn trong sách. Các em cần học để trở thành nhân tài, mà nhân tài ấy thể hiện ở kết quả học tập và điểm thi. Từ đó, thành tích học tập trở thành thứ quan trọng hơn cả.

[caption id="attachment_969744" align="alignnone" width="640"] Học sinh tại một trường cấp 2 Trung Quốc (quốc gia có nền giáo dục khá tương đồng với Việt Nam) đội giấy lên đầu để chống gian lận. (Ảnh: d1g.com)[/caption]

Nếu so sánh giáo dục Việt Nam và các quốc gia phát triển có thể thấy rõ sự khác biệt chính là ở điểm này. Ở nước ta, từ nhỏ khi đi học đã xem học đọc, viết, làm toán là mục đích, để tương lai học lên trung học; mục đích học giỏi thời trung học là để lên đại học; mục đích của học giỏi đại học là để tìm được công việc tốt; tìm công việc tốt đồng nghĩa với kiếm được thật nhiều tiền. 

Ở các nước có nền giáo dục phát triển, học sinh tiểu học không xem việc học đọc, học viết, học tính toán làm mục đích. Chúng chủ yếu học về cách đối nhân xử thế, lễ độ với người trên, tôn trọng trật tự công cộng, mong muốn khám phá tri thức... Nói chung là học để biết nên trở thành người như thế nào. Khi đến khi học trung học mới chú trọng dần đọc, viết, tính toán. Đến đại học thì chú trọng tư duy độc lập, sáng tạo, và hiểu về tầm quan trọng của việc không ngừng tu dưỡng bản thân.

[caption id="attachment_969046" align="alignnone" width="660"] Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày ý nghĩa (Ảnh: pixabay.com)[/caption]

Điều đáng nói ở đây là, trong khi chúng ta cố gắng giáo dục con trẻ có kiến thức để tìm một công việc tốt, cuối cùng kiếm được nhiều tiền thì kết quả là tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng và nền kinh tế suốt nhiều năm đều ở mức "đang phát triển". Còn ở những đất nước "học rất nhẹ nhàng" thì dường như cuộc sống của họ khá dễ chịu và chất lượng nền giáo dục cũng luôn nằm ở top trên.

Có lẽ giáo dục Việt Nam nên bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất

Giữa những thông tin giật gân, miêu tả về một xã hội đầy hoang mang và bất ổn, giữa những thay đổi đến chóng mặt mà điều hôm nay tất cả đều theo đuổi thì ngày mai đã lại chẳng còn ý nghĩa, có lẽ tử tế chính là cái neo vững vàng nhất để giữ con thuyền xã hội không trôi dạt, là ánh sáng rõ ràng nhất để những giá trị tốt đẹp được rọi soi. 

Tử tế, hai chữ đó là từ gốc Hán. Chữ ‘tử’ có nghĩa việc nhỏ nhất, mà ‘tế’ là điều nhỏ nhất. Hai chữ “tử tế” cộng chung lại nó có nghĩa rằng là cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất.

Phim "Chuyện Tử tế" - Đạo diễn Trần Văn Thủy

Sau biết bao những định nghĩa về sự tử tế, cuối cùng, hóa ra chữ “tử tế” thật sự lại có mối liên hệ với những điều nhỏ nhất. Đó là cái cúi đầu chào cảm ơn người tài xế đã dừng xe nhường đường cho mình đi qua của các em học sinh của trường THPT Đinh Thiện Lý, là cái cúi đầu chào bác bảo vệ của học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, là chị bán vé số gửi trao chiếc phong bì đựng 30 nghìn đồng góp cho những bệnh nhân nghèo một dĩa cơm dù có thể chị có thể cũng chẳng giàu hơn họ, là nắm tay dắt một cụ già qua đường... 

[caption id="attachment_969048" align="alignnone" width="660"] Học sinh của trường Đinh Thiện Lý đã hiện thực hóa sự tử tế từ những điều nhỏ bé nhất. (Ảnh: Youtube.com)[/caption]

Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện giáo dục đầy cảm hứng của người Nhật, hay những bài học giáo dục ý nghĩa của người Đức, hoặc sự giáo dục hiệu quả ở đất nước Hoa Kỳ. Chúng ta khao khát một ngày con em mình cũng được hưởng một nền giáo dục như vậy. Nhưng nếu như chỉ dừng ở mức ngưỡng mộ mà không bắt đầu thực hiện thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ cái ngày tươi đẹp ấy thành hiện thực. Và, nỗ lực thay đổi để trở nên vĩ đại, phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.

[caption id="attachment_969040" align="alignnone" width="660"] Chúng ta hãy để lại sau lưng những câu chuyện "hơi buồn" về giáo dục, tạm lắng lòng sau những xôn xao, ồn ã và thư giãn tâm hồn một chút. (Ảnh: Pixabay.com)[/caption]

Đào tạo kiến thức, bồi dưỡng nhân tài đúng là rất quan trọng, nhưng những nhân tài ấy trước hết phải là một người tử tế. Mong rằng ngành giáo dục sẽ sớm tìm lại được cho mình sự Chân chính, Chân thực và tôn nghiêm. Bởi chỉ khi có được những giá trị này, giáo dục nước nhà mới không còn xuất hiện những biểu hiện giả dối, tiêu cực và đặc biệt không cần phải liên tục thay đổi, cải cách.

Còn bây giờ, chúng ta hãy để lại sau lưng những câu chuyện "hơi buồn" về giáo dục, tạm lắng lòng sau những xôn xao, ồn ã và thư giãn tâm hồn một chút. Mọi thứ đều bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất nhỏ thôi, không cần mất sức nhiều đâu mà...

Thiện Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét