Các thầy thuốc Đông y cổ đại quan niệm, dùng thuốc hơn nhau ở chỗ bào chế sao tẩm. Mục đích của công việc này để giảm tính độc (nếu có), tính hàn, nhiệt, làm tăng tác dụng trị liệu của dược phẩm. Đạt được hiệu quả cuối cùng là đưa thuốc vào đúng vị trí bệnh.
Phương pháp bào chế dược liệu được ghi chép rất sớm trong các tài liệu cổ thư như “Hoàng đế Nội kinh” và “Thần nông bản thảo kinh”. Đặc biệt trong “Thương hàn luận” ngoài nhấn mạnh tác dụng của các phương pháp bào chế, còn phân biệt cụ thể mức độ (lượng) bào chế, như dùng lửa để bào chế phân thành các loại thiêu, luyện, sấy.
[caption id="attachment_961721" align="aligncenter" width="630"] Bào chế để giảm tính độc, tính hàn, tính nhiệt, làm tăng tác dụng của thuốc. (Ảnh: blog.sina.com.cn)[/caption]
Ví dụ: Bạch thược dùng sống để bổ âm, sao với giấm để thuốc vào Can, chữa bệnh ở Can; sao với rượu để đưa thuốc vào huyết, chữa bệnh ở huyết và bổ âm huyết. Vậy để một vị dược thảo có thể khởi tác dụng trị liệu hiệu quả người xưa đã dùng kỹ thuật và quy trình bào chế như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Bào chế là gì?
Bào chế là quy trình có vai trò quan trọng khẳng định hiệu quả trị liệu của các loại thuốc Đông y. Bào có nghĩa dùng sức nóng để thay đổi lý tính và dược tính của thảo dược, tiện cho việc chế biến và điều trị. Chế tức dùng công phu thay đổi hình dạng, tính chất của nó.
Mục đích của việc bào chế thuốc
- Loại bỏ các tạp chất trong dược liệu như mốc, sâu mọt
- Dễ thái miếng, bảo quản, tán ra bột hoặc nấu cao
- Bỏ bớt bộ phận không cần thiết và làm cho vị đó tinh khiết hơn
- Giảm bớt độc tính
- Thay đổi tính năng của vị thuốc bằng cách tẩm sao cho dễ tan vào nước, dễ thấm hút
[caption id="attachment_961682" align="aligncenter" width="766"] Bào chế để có thể thay đổi tính năng của vị thuốc bằng cách tẩm sao cho dễ tan vào nước, dễ thấm hút (Ảnh: shutterstock.com)[/caption]
Yêu cầu của việc bào chế thuốc
Trần Gia Mô (1562) đời Minh từng nói, bào chế cốt ở chỗ vừa chừng, non quá thì khó kiến hiệu, già quá thì mất khí vị. Đây là yêu cầu then chốt cần đạt được cho những người làm công tác bào chế đông dược. Nhưng thực hiện tới mức độ nào thì được gọi là vừa chừng? Để đạt được yêu cầu này thật là khó: Cắt, thái nên dày hay mỏng, sao nên già hay non...
Kỹ thuật bào chế của người xưa trông qua thật là đơn sơ, nhưng đòi hỏi người bào chế phải có nhiều kinh nghiệm, lâu năm trong nghề. Khi thực hiện cần bảo đảm chất thuốc (phẩm chất), kỹ thuật đúng. Một người bào chế giỏi, ngoài sự hiểu biết về dược tính, còn phải tùy theo trạng thái phẩm chất của vị thuốc, từng yêu cầu của bài thuốc mà định việc bào chế cho được vừa chừng.
Các dạng thuốc bào chế
Thuốc thang: Thuốc thang là hỗn hợp các vị thuốc, cho vào siêu, đổ nước, sắc, lược bỏ xác, lấy nước
Thuốc cao: Là loại thuốc chiết xuất hoạt chất qua dung môi rồi cô đặc lại. Có nhiều loại: Cao lỏng, cao mềm, cao dẻo, cao khô dùng để uống trong và có loại dùng ngoài như cao dán, cao xoa .
Thuốc tễ: Là dạng thuốc mềm dẻo, hình cầu, lớn bằng hạt nhãn gồm thuốc và mật (mật ong, mật mía hoặc mạch nha).
Thuốc tán (bột): Là loại thuốc thể rắn, rời. Điều chế bằng cách tán dược liệu từ động vật, khoáng vật, thực vật thành bột vừa hay bột mịn để uống trong hoặc để xoa ngoài
[caption id="attachment_961850" align="aligncenter" width="743"] Một người bào chế giỏi cần tùy yêu cầu của bài thuốc mà định việc bào chế cho vừa chừng (Ảnh: merkledubois.ch)[/caption]
Thuốc rượu: Là dùng rượu để rút hoạt chất của thuốc, như đem các vị thuốc ngâm vào rượu hoặc đun cách thủy, sau đó bỏ bã lấy rượu uống hay để xoa bóp bên ngoài.
Các phương pháp bào chế dược thảo
Thuỷ chế
Là phương pháp dùng nước rửa hoặc rượu để tẩy, mục đích làm sạch, mềm dược liệu, tiện cho việc thái mỏng, giảm độc tính hoặc thay đổi tính năng. Ngoài ra, còn dùng rượu, giấm, muối, gừng.. tẩm vào để thay đổi tính chất của dược liệu.
+ Tẩm gừng sao: Gừng có tác dụng ôn, lan tỏa làm tính cay ấm của thuốc thâm nhập khắp cơ thể từ đó đạt được hiệu quả trị liệu
+ Tẩm rượu sao: Mục đích để giảm bớt tính hàn và tăng thêm tính ấm của vị thuốc. Ngoài ra, rượu có tính bốc lên, do đó dẫn đến nơi mong muốn. Ví dụ, nếu muốn thuốc đi tới những bộ phận ở phía trên như đầu, cánh tay, có thể dùng thuốc tẩm rượu.
+ Tẩm muối sao: Để vị mặn dẫn thuốc vào thận
+ Tẩm giấm sao: Giấm có nhiều loại, thứ tốt nhất là loại nuôi bằng chuối, bún, mùi chua, thơm và hơi ngọt. Tẩm giấm để thuốc có thể dẫn vào can, tính chua của nó có thể đi vào can và có tác dụng thu liễm
+ Tẩm đồng tiện sao: Dùng nước tiểu trẻ em dưới 5 tuổi khoẻ mạnh không bệnh tật tẩm dược liệu để dẫn thuốc vào huyết và giáng hoả
+ Tẩm nước gạo sao: Dùng nước gạo mới vo, chắt gạn phần đặc, để làm bớt tính ráo của dược liệu
+ Tẩm sữa: Tác dụng để dưỡng huyết. Người xưa thường dùng sữa mẹ, sữa bò để loại bỏ tính khô khan của dược liệu và sinh huyết
+ Tẩm mật sao: Mật có vị ngọt để dẫn thuốc vào kinh Tỳ và làm giảm bớt vị đắng chát của thuốc
+ Tẩm hoàng thổ sao: Dùng đất vách lâu ngày (trần bích thổ), đất lòng bếp (phục long can) hoặc hoàng thổ (đất sét) để dẫn thuốc vào tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa.
+ Tẩm nước đậu đen, Cam thảo: Mục đích để giải độc, làm tính thuốc êm dịu, đỡ chát.
[caption id="attachment_961874" align="aligncenter" width="715"] Ảnh minh họa (Ảnh: blog.sina.com.cn)[/caption]
Thuỷ phi: Là phương pháp tán nghiền dược liệu trong nước với mục đích lấy bột mịn tinh khiết và làm cho bột mịn không bay lên được khi tán nhỏ, để tránh sức nóng làm biến hoá thành phần của thuốc.
Hoà chế
Là cách để dược liệu tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lửa, làm cho thuốc khô ráo, xám vàng, hoặc thành than với mục đích bảo quản hoặc để thay đổi tính chất và tăng hiệu lực của thuốc. Trước khi sao, dược liệu cần được phân loại to, nhỏ để khi sao vàng già và đều. Có 2 cách sao: Sao không thêm chất khác và sao có thêm chất khác.
a. Sao không thêm chất khác
1. Sao vàng: Sao cho ngoài có màu vàng, trong ruột vẫn như màu cũ, cốt có mùi thơm, hoặc để vị thuốc bớt tính lạnh
2. Sao vàng hạ thổ: Cho vị thuốc khô dễ bảo quản, lên mùi thơm để nhập tỳ, không buồn nôn; Để giảm bớt tính lạnh của thuốc
3. Sao già xém cạnh: Áp dụng cho các vị thuốc chua chát, hoặc tanh lợm quá để thay đổi mùi vị, nhưng vẫn đảm bảo chất thuốc
4. Sao tồn tính (hắc sao): Để thêm tác dụng tiêu thực, tả lỵ huyết, khái huyết hoặc làm thay đổi tính chất của thuốc
5. Sao cháy (thán sao): Để thuốc có tác dụng chỉ huyết. Lửa để già, chảo thật nóng, dược liệu để cháy đen, đảo đều. Phương pháp này không có nghĩa là sao cháy thành tro, mà chỉ cháy đến 7/10
[caption id="attachment_961894" align="aligncenter" width="730"] Ảnh minh họa (Ảnh: zi.media)[/caption]
b. Sao có thêm chất khác
Sao thuốc bằng cát, bằng bột văn cáp (vỏ hàu hến) hoặc hoạt thạch là mượn các thứ này làm trung gian truyền nhiệt. Khi sao, các thứ đó bao quanh miếng thuốc làm cho miếng thuốc không chạm đáy chảo và thấm nhiệt đều và sâu vào miếng thuốc.
1. Sao với cát: Mục đích để thuốc không chạm vào đáy nồi, thuốc thấm nhiệt đều hơn nhờ có lớp cát bao quanh.
2. Sao với cám: Mục đích rút bớt tinh dầu của vị thuốc ra như Thương truật, Trần bì...
3. Sao với vỏ sò, bột hoạt thạch để các vị thuốc có độ dẻo, có chất keo, chất nhựa không dính vào nhau
4. Chích: Tức là nướng dược liệu đã được tẩm mật đến khi thơm, khô
5. Đốt rượu: Áp dụng cho những dược liệu không chịu được sức nóng cao
6. Nung (Hà): Những loại kim thạch nung trong vò đất, hay chảo gang đậy kín hay không đậy kín, xung quanh bên ngoài đốt lửa đến khi được lấy ra để nguội, hoặc nhúng vào một chất khác (giấm, nước Hoàng liên) cho nguội (cách này còn gọi là Tôi). Nung xong rồi, dược liệu được đem tán bột dùng hoặc thuỷ phi rồi dùng
[caption id="attachment_961915" align="aligncenter" width="800"] Ảnh minh họa (Ảnh: new-chinese1.com)[/caption]
7. Lùi: Đưa thuốc vào tro nóng, không bén tới lửa, đến khi nóng chín thì lấy ra. Phương pháp này có tác dụng là thu hút bớt 1 phần dầu trong dược liệu để giảm bớt tính kích thích
8. Sấy: Dùng lửa nhỏ để sấy dược liệu cho khô ráo, hơi vàng giòn
Dùng cả lửa và nước (Thuỷ hoả hợp chế): Tức kết hợp lửa và nước để thay đổi tính chất của dược liệu
1. Chưng: Chế biến dược liệu bằng đun cách thuỷ với các mục đích làm chín vị thuốc, tiện việc bào mỏng, chế thuốc tễ. Thuốc chưng với rượu thường đổi chất thấy ngọt và thơm hơn, thêm sức ôn bổ, giảm vị đắng chát và mùi tanh, khí lạnh. Thuốc vào tỳ vị dễ được đồng hóa, dễ hấp thụ, từ đó khởi tác dụng bồi bổ.
2. Đồ: Dược liệu có thể ngâm cho mềm để bào chế, dễ thái, nhưng ngâm lâu có thể mất chất, cho nên phải đồ, tức là dùng hơi nước làm mềm dược liệu. Thời gian tùy thuộc vào số lượng, và tính chất của thuốc, loại mềm xốp, có hương vị thì thời gian đồ ít hơn. Đồ xong thường đem bào mỏng.
[caption id="attachment_961928" align="aligncenter" width="748"] Ảnh minh họa (Ảnh: kknews.cc)[/caption]
3. Nấu: Dùng nước, dầu để nấu dược liệu để làm mềm cho dễ bào chế và giảm tính kích thích của vị thuốc, hoặc để làm tăng một số hiệu năng khác như nấu với dầu Mã tiền, nước đậu đen hoặc Hà thủ ô, nước thường (Hoàng tinh).
Qua quy trình trên có thể thấy người xưa rất xem trọng việc bào chế thuốc, cũng từ đó cảm nhận được mức độ phát triển và trí tuệ cao siêu của nền y học cổ đại.
Theo secretchina
Kiên Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét