Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Vấn đề của giáo dục có phải chỉ ở giáo trình và cải cách?

Vấn đề của giáo dục có phải chỉ ở giáo trình và cải cách? https://ift.tt/2Qg9sxA

Sau những bê bối của ngành giáo dục, một câu chuyện chẳng hề mới như giáo trình đã được dạy bao nhiêu năm của Công nghệ giáo dục lại thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Tranh luận diễn ra vượt quá mức độ tôn trọng mọi ý kiến và trở thành những cuộc cãi vã với lý lẽ và lời lẽ không thể thiếu văn hoá hơn. Đó chính là kết quả trực diện nhất, minh chứng hùng hồn nhất về chất lượng của giáo dục.

Một thế hệ người Việt không biết cách tranh luận, không biết cách bày tỏ, bảo vệ quan điểm và càng không biết cách lắng nghe, phân tích, tổng hợp. Đó là kết quả của giáo dục và khả năng kế thừa những di sản văn hoá truyền thống. Vậy thì vấn đề cần tranh luận có phải chỉ ở những cải cách, thử nghiệm, giáo trình? 

Trong điều di huấn thứ 20 của samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân – Saigo Takamori có viết:

Cho dù có lý luận, phương pháp hoàn hảo đến đâu mà chính người nói không phải là người tốt thì khó mà thực hiện. Trước tiên, phải có người tốt rồi mới có phương pháp. Con người là tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất. Chính chúng ta phải cố gắng trở thành con người như vậy.

Như vậy, tài sản quý giá nhất chính là con người, có con người tốt thì sẽ có phương pháp tốt, có phương pháp tốt mà bản thân người làm không tốt thì cũng khó có ai nghe theo, khó có được hiệu quả như mong đợi. Vậy chẳng phải cần có người thầy tốt, người lãnh đạo tốt, người vạch ra những phương hướng, thực hiện phương pháp tốt trước tiên hay sao? Sau khi có được nhân cách tốt, người ta sẽ vạch ra được đường lối và phương pháp tốt, rồi lại phải thực hành làm người tốt để có thể triển khai phương pháp tốt đó cho hiệu quả và nhận được sự đồng tình nhiều nhất.

Nhìn lại giáo dục hiện nay, mục tiêu được ghi trong Nghị quyết Đại hội 7 là “nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu của giáo dục lại không có chỗ nào ghi để làm người tốt, để có đủ năng lực quan sát, đánh giá các sự vật hiện tượng xung quanh mình.

[caption id="attachment_968003" align="alignnone" width="808"] Mục tiêu của giáo dục thời nay đã khác xa với mục đích giáo dục chân chính. (Ảnh: linkedin.com)[/caption]

Nhìn lại người thầy, còn có nhiều những người thầy coi nghề giáo là một nghề kiếm cơm như bao nghề khác, chứ không phải là một sứ mệnh, một trách nhiệm đòi hỏi sự cống hiến cho xã hội và các thế hệ tương lai. Nhìn lại những người có chức trách trong ngành giáo dục các cấp, vẫn có ngày càng nhiều những bê bối của họ bị phanh phui, để lại bức xúc và lo ngại trong lòng người dân cả nước.

Thế là bản thân con người và định hướng phát triển con người còn chưa tốt, thì dù có nghĩ ra phương pháp gì cũng chỉ đều là để cắt tỉa, sửa sang cái phần ngọn mà thôi.

Người làm thầy, người định hướng và chịu trách nhiệm trong ngành giáo dục trước tiên phải đứng hạng cao nhất về đạo đức và tri thức. Những người làm giáo dục phải có hành động, phát ngôn và cách sống tốt để cả xã hội noi theo. Trò xem thầy như kiểu mẫu để sống. Thầy không làm gương được, làm sao trò đặt niềm tin vào thầy mà nghe thầy giảng đạo? Người làm giáo dục mà chỉ nghĩ đến thu vén lợi ích cá nhân, nhóm lợi ích này kia, thì có nghĩ ra phương pháp, giáo trình, cải cách hay đến mấy cũng chẳng ai muốn theo.

Bởi danh không chính, ngôn không thuận, thì nói ai nghe? Không chỉ có thầy làm gương cho trò, mà người trên phải làm gương cho người dưới trong ý thức chung về trật tự xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong thuyết chính danh.

Vạn Thế Sư Biểu (Người Thầy của muôn đời) - Khổng Tử đã thể hiện quan điểm về thuyết chính danh này qua lời nói với Tử Lộ rằng: “Danh không hợp thì lời nói sẽ không thuận, nói không thuận thì việc không thành. Việc không thành thì lễ nhạc mất trật tự. Lễ nhạc mất trật tự thì hình phạt không đúng đắn, hình phạt không đúng thì dân không biết làm thế nào cho đúng. Vậy người quân tử khi có danh phù hợp với thực thì có thể nói ra được, nói được thì thực hành thông suốt. Quân tử không bao giờ sơ suất với lời nói của mình”. Và lẽ đương nhiên, thượng bất chính, hạ tất loạn”, muốn dạy dỗ người khác, phải sống sao cho có được cái danh cho chính trước đã.

[caption id="attachment_969828" align="alignnone" width="898"] Giáo dục thời nay cần lắm những người thầy có đạo đức, có tâm với nghề... (Ảnh: ĐKN)[/caption]

Tôn Tử cũng nói: “Đạo đức đứng hàng đầu. Đạo nghĩa là sự hiểu biết chung giữa quân tử và dân chúng. Cho nên, dân chúng cam lòng cùng sinh tử với quân chủ mà không ai sợ nguy hiểm”.

Lại cũng có câu tục ngữ cổ: “Không ngừng tích ân đức, có thể sai khiến được cả thiên hạ”.

Thế nên muốn có sự đồng thuận của nhiều người, cho ra được phương cách hay, lý luận giỏi thì chủ thể là con người cần trước tiên phải có phẩm hạnh, biết nghĩ đến người khác. Lúc đó, mọi việc họ làm đều là để tốt cho người khác, cho cộng đồng chứ không phải chỉ bo bo giữ lợi ích bản thân. Hơn nữa, khí chất ngay chính của họ cũng sẽ thu phục được lòng người mà không cần phải tranh luận quá nhiều. Ví như vị giáo sư tâm huyết nọ với đề án giáo dục cải cách của mình, nếu như trong lúc phản biện không có những phát ngôn nói người khác là ngu dốt thì có lẽ dân tình sẽ không có cái lý gì mà mạt sát ông, bất kể công trình của ông có thể là có chỗ hợp lý.

Để cho ra được những lớp người tử tế, thì người làm giáo dục trước tiên phải tử tế.

Thuần Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét