Trung Quốc từ lâu vốn nổi danh với nhiều công trình đồ sộ, phần nhiều trong số đó đều có liên quan đến tín ngưỡng và tâm linh. Dưới đây là 13 bức tượng phật khổng lồ ở Trung Quốc – những công trình uy nghi với bề dày lịch sử mà bạn nên ghé thăm khi có dịp.
1. Linh Sơn Đại Phật
Linh Sơn Đại Phật được xây xong năm 1997, hình ảnh tượng Phật uy nghiêm tọa lạc ở mặt nam đỉnh Tần Lữ Mã Sơn – Vô Tích (Mashan – Wuxi). Linh Sơn Đại Phật là một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển văn hóa xã hội và kinh tế của vùng Vô Tích.
2. Phía Tây: Lạc Sơn Đại Phật
Lạc Sơn Đại Phật còn gọi là Lăng Vân đại Phật, nằm ở gần chùa Lăng Vân, bờ đông sông Dân, phía nam đô thị Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Đại Phật còn gọi là Phật Di Lặc ngồi, có chiều cao 71 mét, thuộc loại tượng đá khắc vách núi cao nhất Trung Quốc.
Lạc Sơn Đại Phật được khởi công năm đầu Khai Nguyên nhà Đường (năm 713), hoàn thành năm thứ 19 Trinh Nguyên (năm 803), thời gian thực hiện khoảng 90 năm.
3. Phương Nam: Thiên Đàn Đại Phật
Thiên Đàn Đại Phật là tượng Phật đồng thau ngồi thuộc loại cao nhất thế giới, nằm ở đỉnh Đại Dữ Sơn (Hồng Kông) với độ cao 482 mét so với mặt nước biển. Tượng Phật khổng lồ do Thiền viện Bảo Liên (宝莲) xây dựng, mất 12 năm mới hoàn thành. Ý nghĩa của tượng Phật để cầu cho Hồng Kông được phồn vinh và ổn định, quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Do khi xây dựng có tham khảo kiến trúc của Thiên Đàn ở Bắc Kinh nên được gọi là Thiên Đàn Đại Phật.
4. Phía Bắc: Vân Cương Đại Phật
Hang đá Vân Cương nằm ở chân phía nam núi Võ Sơn cách thành phố Đại Đồng tỉnh Sơn Tây 16 km, Vân Cương là đỉnh cao nhất của núi Võ Châu, ban đầu nó là cái hang đá Vân Cương. Nó được đào sâu vào trong núi chạy theo hướng đông – tây dài 1 km, có khoảng hơn 2000 am thờ Phật lớn nhỏ khác nhau.
Hang đá bắt đầu được thiết lập vào thời Bắc Ngụy Văn Thành (năm 455), hàng chục ngàn thợ thủ công làm nghề khắc đá và qua hơn 40 năm mới hoàn thành bộ phận chính, những tạo hình lặt vặt lại mất thêm 30 năm nữa, cho đến năm 524 mới hoàn thành, tổng thời gian là 70 năm.
Tượng Phật khổng lồ hiện rõ vẻ uy dũng của người dân du mục phương Bắc, là tượng trưng cho nghệ thuật điêu khắc hang đá ở Vân Cương.
5. Trung Nguyên: Long Môn Đại Phật
Hang đá Long Môn nằm cách phía nam thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam khoảng 30 km, nó cùng với hang đá Đội Hoàng ở Cam Túc và hang đá Vân Cương ở Sơn Tây được mệnh danh là ba kho báu của nghệ thuật hang đá Phật giáo thời phong kiến Trung Quốc.
Hang đá Long Môn khai thác khi Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế dời đô đến Lạc Dương (khoảng năm 493), nó liên tục được kiến tạo trong hơn 400 năm, trải qua các triều đại Đông và Tây Ngụy, Bắc Tề, đến Tùy, Đường, Tống. Tại đây có hơn 70 bảo tháp, hơn 100 ngàn tượng Phật điêu khắc. Hình ảnh tượng Phật khổng lồ với chiều cao là 17,14 mét, nhỏ nhất là 2cm, hang đá này cho thấy trình độ nghệ thuật điêu khắc đá điêu luyện của người Trung Quốc cổ đại.
6. Yên Đài: Nam Sơn Đại Phật
Nam Sơn Đại Phật nằm ở đô thị Long Khẩu, Yên Đài, Sơn Đông. Nam Sơn Đại Phật cao 38,66 mét, nặng 380 tấn, được đúc bằng đồng thau, có 108 cánh hoa sen, 302 búi tóc, tổng cộng cần đến 642 linh kiện đúc đồng đen hợp thành.
Đây là hình ảnh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng đang ngồi tọa thuộc loại hiếm có trên thế giới, thể hiện trình độ tinh hoa về nghệ thuật đúc tượng Phật hiếm thấy.
7. Tam Á Quan Âm ở Hải Nam
Tam Á Quan Âm bắt đầu giai đoạn chuẩn bị khởi công vào năm 1995, bắt đầu khởi công năm 1999. Tam Á Quan Âm cao 108 mét, lật đổ kỷ lục 88 mét của Linh Sơn Đại Phật. Ngoài ra cũng là tạo hình lập thể Quan Âm ba mặt quần áo trắng lớn nhất thế giới.
Bảo tọa hoa sen ở phía dưới cao 10 mét, có 4 tầng, mỗi tầng có 27 cánh hoa (tổng là 108 cánh hoa), so với bảo tọa hoa sen của Linh Sơn Đại Phật thì nhiều hơn 20 cánh hoa. Toàn bộ làm bằng hợp kim ti-tan.
8. Tượng Phật khổng lồ: Mông Sơn Đại Phật ở Thái Nguyên
Mông Sơn Đại Phật là tượng Phật nằm trên vách núi phía tây bắc thôn Tự Đế, quận Tấn Nguyên, đô thị Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Hiện người ta chưa xác định được niên đại của tượng Phật.
Thời mạt nhà Nguyên, Mông Sơn Đại Phật bị phá hủy. Năm 1980 khi đô thị Thái Nguyên làm tổng điều tra địa danh thì mới phát hiện lại, khi đó phần đầu Phật đã không còn, thân bị phong hóa nghiêm trọng và bị vùi lấp trong đất đá.
Ghi chép trong thư tịch cổ thì Mông Sơn đại Phật cao 59 mét, nhưng thực tế đo đạc từ đáy chân đến phần gáy của Mông Sơn đại Phật chỉ được 30 mét, phần đầu Phật cao 10 mét cộng thêm phần đế 6 mét, tổng cộng được 46 mét. Vào năm 2007 người ta lại trùng tu, gia cố thêm phần thân Phật cùng tôn tạo lại thành ra cao thêm 12 mét.
9. Lỗ Sơn (Trung Nguyên) Đại Phật ở Hà Nam
Trung Nguyên Đại Phật nằm ở núi Nghiêu, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, tượng Phật này được xem là tượng Phật cao nhất thế giới hiện nay.
Tượng Phật khổng lồ này bắt đầu xây dựng từ năm 1997, quá trình xây dựng kéo dài 12 năm. Toàn bộ dùng hết 3.300 tấn đồng, 108 cân vàng, hơn 15.000 tấn thép đặc biệt, diện tích mặt ngoài là 11.300 m2 và được hàn nối 13.300 sênh đồng. Tổng chiều cao là 208 mét, thân cao 108 mét, tọa hoa sen cao 20 mét, kim cang tọa cao 25 mét, tu di tọa cao 55 mét.
Đại sư Tinh Vân (星云), Hội trưởng Tổng hội Phật quang Thế giới đã viết hàng chữ to cho tượng Phật là “Thế giới Đệ nhất Trung Nguyên Đại Phật.”
10. Tượng Phổ Hiền Thập Phương ở núi Nga Mi
Tượng Phổ Hiền Thập Phương nằm trên núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên, nặng hơn 600 tấn, là Tượng Phổ Hiền Thập Phương cao và lớn nhất thế giới hiện nay.
Ý nghĩa: Một là nói đến mười đại nguyện của đức Phổ Hiền, hai là tượng trưng cho mười phương vị trong Phật giáo, gồm đông, nam, tây, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên, và dưới, ngụ ý tâm nguyện vô biên của đức Phổ Hiền bao trùm thập phương tam thế chư Phật và muôn nghìn chúng sinh. Mười khuôn mặt của Phổ Hiền chia làm ba tầng, thần thái khác nhau, thể hiện mười trạng thái tâm lý của chúng sinh. Nội hàm của tượng Phật khổng lồ này vô cùng phong phú, đó là sự kết hợp hoàn hảo của giáo lý và tạo hình trong Phật giáo.
11. Địa Tạng Bồ Tát ở Cửu Hoa Sơn
Địa Tạng Bồ Tát bắt đầu xây dựng vào năm 1995. Cửu Hoa Sơn là đạo tràng (nơi hành lễ) của Bồ Tát Địa Tạng, là một trong 4 ngọn núi Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc.
Cửu Hoa Sơn có thể trở thành đạo tràng của Bồ Tát Địa Tạng là vì Bồ Tát Địa Tạng là hóa thân của Thánh tăng Kim Kiều Giác tại thế gian và đã chọn nơi này tu khổ hạnh cho đến cuối đời.
12. Di Lặc Đại Phật ở Tuyết Đậu sơn
Di Lặc Đại Phật ở Tuyết Đậu sơn thuộc trấn Khê Khẩu, Phụng Hóa, được xây xong vào tháng 11/2008. Tượng Phật cao 56,74 mét, khắc họa hình ảnh hiền từ và tự tại của Bố Đại hòa thượng, là tượng Phật Di Lặc bị Trung Quốc hóa điển hình. Theo truyền thuyết thì Bố Đại hòa thượng là hóa thân của Phật Di Lặc, là người trưởng thành, xuất gia và viên tịch ở Phụng Hóa.
13. Y Sơn Đại Phật ở Liên Vân Cảng
Y Sơn Đại Phật là hình Phật Tổ Như Lai ngồi thuyết Pháp, được xây dựng năm 2007, nằm ở trấn Y Sơn, huyện Quán Vân, đô thị Liên Vân Cảng. Tượng Phật khổng lồ Y Sơn Đại Phật được đúc bằng hơn 70 tấn đồng, chiều cao 33 mét (ngụ ý 33 tầng trời), ở độ cao 66 mét so với mặt nước biển, là tượng Phật đồng tọa cao nhất ở Á châu hiện nay.
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Tinh Vệ biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét