Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Bê bối thi cử ở Hà Giang: Có nên nhìn lại mục tiêu của ngành giáo dục sau những chuyện buồn?

Bê bối thi cử ở Hà Giang: Có nên nhìn lại mục tiêu của ngành giáo dục sau những chuyện buồn? https://ift.tt/2v09Mrq

Khi một nền giáo dục liên tiếp có những chuyện “hơi buồn” như cách một quan chức bày tỏ khi con mình cũng bị nâng điểm trong vụ bê bối chấn động của ngành gần đây, thì việc cần làm không chỉ là rà soát, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Nên chăng là phải nhìn lại cả những định hướng vĩ mô hơn, có thể đang góp phần khiến nền giáo dục nước nhà dần mất đi sự tin tưởng từ người dân.

Chỉ tập trung vào việc đào tạo nhân tài là sự thụt lùi của giáo dục khi lấy phương tiện làm mục đích

Nghị quyết Đại hội 7 có nêu: “Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”. 

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đề ra, Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra phương hướng, trong đó có điểm: Phát triển Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển Giáo dục và Đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học, công nghệ... 

Nó khá tương đồng với một mục tiêu giáo dục đã gây tranh cãi và không nhận được nhiều sự đồng tình của người dân một quốc gia phát triển nằm phía bên kia địa cầu.

Mục đích giáo dục là gì? Đó là câu hỏi được đặt ra khi ông Scott Walker, Thống đốc bang Wisconsin (Mỹ), cố gắng thay đổi một cách lặng lẽ sứ mệnh đã tồn tại hàng thế kỷ của hệ thống các trường Đại học Wisconsin, bằng cách đề nghị loại bỏ kim chỉ nam trong mục tiêu giáo dục như “tìm kiếm chân lý” hay “cải thiện địa vị của con người”, và thay thế chúng bằng “đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động của bang”.

Ông Walker đã bị phản đối kịch liệt khi vấn đề này trở nên công khai, và thậm chí đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía các nhà khoa học. So sánh với Việt Nam, chúng ta cũng có mục tiêu giáo dục tương tự như luận điểm bị phản đối của Walker.

[caption id="attachment_846431" align="alignnone" width="815"] Scott Walker thay đổi một loạt các tiêu chí đào tạo, sao cho hướng đển vị trí là các lao động mang tính thực tế chứ không phải là sự hàn lâm trong công tác đào tạo. (Ảnh: AP Photo/Jim Cole)[/caption]

Theo ông Arthur H. Camins, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Kỹ thuật và Khoa học Giáo dục tại Viện Công nghệ Stevens, trong 50 năm qua, những cạnh tranh đáng lo ngại với Liên Xô, Nhật Bản và Trung Quốc về sự thống trị kinh tế, quân sự và chính trị toàn cầu đã khiến Mỹ phải tập trung hơn vào việc phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả. Nhưng những nỗ lực của Thống đốc Scott Walker nhằm thay đổi tuyên bố sứ mệnh của các trường đại học ở Wisconsin để tập trung duy nhất vào phát triển nguồn nhân lực là sự tụt lùi của nền giáo dục.

Ông Arthur cho rằng, giáo dục cần chuẩn bị cho những người trẻ tuổi về cuộc sống, công việc và làm sao để trở thành công dân tốt. Đồng thời kiến thức về môi trường tự nhiên và cách mọi người sống trong thế giới là điều quan trọng không kém. Ông Arthur chia sẻ, tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và ý thức trách nhiệm xã hội đều ảnh hưởng đến thành công trong cuộc sống, công việc của mỗi người. Ví dụ, những mối quan hệ cá nhân không hạnh phúc thường lan truyền sang môi trường làm việc, trong khi nơi làm việc căng thẳng hoặc thất nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Con người nếu không biết cách xử lý trước những lựa chọn căng thẳng thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của cả những người khác, đến hiệu quả, năng suất của một cộng đồng. Quan điểm đa mục đích này có ý nghĩa rất thiết thực cho chính sách giáo dục.

Để có thể tìm ra cách thức giáo dục tốt nhất thì trước hết phải làm rõ được mục đích của giáo dục là gì? Khi một trang web chuyên dành cho các bậc phụ huynh ở Mỹ khảo sát người đọc xem họ hiểu thế nào về mục đích của giáo dục, đã có nhiều ý kiến được trao đổi, và sau đây là một số quan điểm tiêu biểu.

“Giáo dục thực sự nhằm giúp người học có thể tự học…”, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, triết gia, nhà sử học và nhà khoa học, Noam Chomsky cho biết.

Ilina Das Ewen tại North Carolina cũng cho rằng: “Dạy trẻ những suy nghĩ sáng tạo và phân tích, để khơi gợi trí tò mò, óc tưởng tượng, và từ đó hình thành tình yêu đối với việc học suốt đời. Tôi thấy giáo dục là một cuộc hành trình suốt đời”.

Kathie Green tại Indiana cho biết: “Mục đích của việc giáo dục là dạy những điều cơ bản để mọi người đều có cơ hội sống một cuộc đời, nhưng hơn thế nữa để tạo ra ‘những ngọn lửa’ – sự tò mò, sự sáng tạo, sự tự tin, và sự hiểu biết giúp con người phát triển vượt ra ngoài những gì họ tin tưởng là họ có thể làm được”.

Myrdin Thompson ở Kentucky cho rằng: “Mỗi người trong chúng ta đều có vai trò giúp đỡ lớp trẻ phát triển và hiện thực hóa được tiềm năng của họ với lòng trắc ẩn và biết quan tâm người khác. Giáo dục là nền tảng của việc tạo ra một cộng đồng sống động, bền vững. Bằng cách cung cấp một nền tảng vững chắc, chúng ta có thể giúp con em mình đạt được ước mơ của mình”.

Dalinda Alcantar ở Texas chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ điều đó rất đơn giản, mục đích của giáo dục là phát triển trẻ em thành những công dân có khả năng sử dụng kiến thức, tài năng và kỹ năng học để hoàn thiện bản thân và giúp đỡ người khác trong khi thúc đẩy con người tiến lên phía trước trong sự bình đẳng, công bằng và hòa hợp”.

[caption id="attachment_846485" align="alignnone" width="781"] Bà Dalinda Alcantar chia sẻ: mục đích của giáo dục là hoàn thiện bản thân, biết giúp người khác. (Ảnh: The Monitor )[/caption]

Quay trở lại với định hướng giáo dục là để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Việc đào tạo ra nhân tài không có gì là sai, nhưng đây không phải mục đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện để hoàn thành mục tiêu cuộc đời. Thế nên có thể nói, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang biến phương tiện thành mục đích.

Cái thiếu ở đây là việc theo đuổi mục tiêu ý nghĩa cũng như ước mơ của đời người. Thay vào đó là khiến thế hệ trẻ sống một đời chỉ là công cụ cho người khác, cho tổ quốc, xã hội trong khi bản thân thiếu hoàn thiện, còn mục đích thì không biết là gì.

Nền giáo dục chịu trách nhiệm với ai?

Không phải với quốc gia, cũng không phải đối với xã hội, mà là đối với bản thân người tiếp nhận giáo dục. Vì thế, giáo dục không phải dạy vì tổ quốc, mà dạy vì con người. Dạy cái gì? Đương nhiên cần dạy mưu sinh như thế nào, thành thạo một nghề. Nhưng quan trọng hơn là làm sao mỗi người có được năng lực tự nhận thức mình và thế giới, từ đó có khả năng lựa chọn sống cuộc đời có ý nghĩa. Bản thân họ có thể thông qua giáo dục mà mình tiếp nhận được để thực hiện ước mơ của mình, đồng thời đóng góp lợi ích cho xã hội, khiến tổng hạnh phúc của xã hội đạt mức cao nhất có thể. Đây mới là cái gốc cơ bản của giáo dục.

Mỗi người không những cần có tài để tự mưu sinh, mà quan trọng hơn là có mái ấm gia đình tốt đẹp, có những mối quan hệ tốt, có thể hoạt động mang tính sáng tạo, có thể không ngừng theo đuổi đam mê tìm tòi, có năng lực yêu chuộng những gì tốt đẹp, đặc biệt là năng lực nhận biết Chân, Thiện, Mỹ. Làm sao không nhìn cái giả thành cái thật, nhìn cái ác thành cái thiện, nhìn cái xấu thành cái đẹp. Những điều này vượt quá phạm vi vấn đề nhân tài.

Nền giáo dục của chúng ta về phương diện này hiện hầu như chưa đạt tới được. Học trò suốt ngày bận giải đề, học thuộc lòng, ghi nhớ các dạng bài để thi để đạt thành tích tốt, trở thành "nhân tài", nhưng rất thiếu năng lực nhận biết những chuyện thị phi cơ bản nhất. Ví như khi đọc một tờ báo mạng đăng tin giật gân về cuộc sống cá nhân của người nổi tiếng nào đó thì ngay lập tức vào bình luận một cách thiếu trách nhiệm, thậm chí rất gay gắt và thiếu lòng trắc ẩn.

Học sinh hay sinh viên khi tốt nghiệp cần biết dùng chuẩn mực Chân Thiện Mỹ hay các bài học lịch sử từ văn hóa cổ truyền của dân tộc để đánh giá một câu nói hay một chính sách, một phong trào là tốt hay xấu, chứ không phải áp đặt kiểu như sách giáo khoa nói người này tốt thì là tốt, hay thầy cô nói người này, điều này là đúng thì chắc chắn là đúng.

[caption id="attachment_846493" align="alignnone" width="792"] Kiến thức từ thực tiễn mà trau dồi chứ không phải là rập khuôn từ sách giáo khoa. (Ảnh: harsoichondran)[/caption]

Giáo dục hướng tới “công lợi” trong khi chủ thể không có năng lực phân tích đúng sai sẽ càng tiếp tay cho bệnh thành tích, hình thức

Giáo dục là đào tạo hướng đến từng người, nhưng chương trình giáo dục lại biến người tiếp nhận giáo dục thành công cụ của người khác, chứ không phải vì cuộc đời của họ. Nền giáo dục nhào nặn ra những thế hệ không có năng lực tự phân biệt đúng sai, tốt xấu. Không biết dùng những chuẩn mực đạo đức của người xưa để soi rọi vào các sự việc ngày nay, mà lại hoàn toàn phó thác điều đó vào sách giáo khoa và thầy cô.

Bởi họ cần làm mọi thứ để có thành tích tốt, thành tích tốt dựa trên thước đo là điểm số và quan điểm được nhào nặn sẵn trong sách. Họ cần học để trở thành nhân tài, nhân tài thể hiện ở kết quả học tập, không thể hiện ở việc anh đối xử với mọi người xung quanh ra sao. Từ đó, thành tích học tập là thứ quan trọng hơn cả.

“Nhân tài luận” không phải sai mà là quá thiên về chủ nghĩa công lợi. Chủ nghĩa công lợi hợp lý cũng không có gì sai trái. Mỗi người cần có tiền để mưu sinh. Vấn đề là nếu biến chủ nghĩa công lợi thành mục đích, mục tiêu cuối cùng, thì mục tiêu giáo dục đó là không đúng.

Theo đuổi mục tiêu cuộc đời của mình, tuyệt nhiên không phải là vô tâm với mục tiêu cuộc đời của người khác. Khi mục tiêu của cuộc đời mình là làm những việc tốt trong phạm vi mình có thể, có kim chỉ nam là những quy phạm đạo đức phổ quát nhất của nhân loại, khi mỗi người đều có “vẻ đẹp làm người”, thì chắc chắn sẽ không gây trở ngại, thậm chí giúp được nhiều người khác theo đuổi cuộc đời tốt đẹp. Vì thế, mục đích của cuộc đời là làm người tốt đồng thời giúp người khác làm người tốt, xã hội sẽ tự nhiên tốt hơn và đó là môi trường tốt để thúc đẩy những mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống khác. Đồng thời, đây cũng phải là mục đích của giáo dục. Như vậy, mục đích của giáo dục cần từ “nhân tài” vươn tới “nhân sinh”.

So sánh giáo dục Việt Nam và giáo dục tại các quốc gia phát triển có thể thấy rõ sự khác biệt chính là ở điểm này. Ở Việt Nam, từ nhỏ khi đi học đã xem học đọc, viết, tính toán làm mục đích, để tương lai có thể học lên trung học; mục đích học giỏi thời trung học là để lên đại học; mục đích của học giỏi đại học là để tìm được công việc tốt; tìm công việc tốt đồng nghĩa với kiếm được thật nhiều tiền. Cuối cùng cũng chỉ là một chữ “tiền”.

[caption id="attachment_846496" align="alignnone" width="831"] Hiền tài là nguyên khí quốc gia, vì thế đặt lên vai người làm giáo dục một trách nhiệm lớn, đưa học sinh theo hướng nào thì cả quốc gia đi theo hướng đó. (Ảnh: Youtube)[/caption]

Ở các nước có nền giáo dục phát triển, học sinh tiểu học không xem việc học đọc, học viết, học tính toán làm mục đích, mà quan trọng nhất là học cách xử lý quan hệ giữa người với người, đó là phải biết thiện với người, lễ độ với người, phải biết tôn trọng trật tự công cộng, có lòng hiếu kỳ với tri thức. Đến khi học trung học mới chú trọng dần đọc, viết, tính toán. Đến đại học thì chú trọng tư duy độc lập và sáng tạo.

Với văn hóa giáo dục như thế, con người biết quan tâm đến đặt câu hỏi với các sự vật hiện tượng. Nhờ vậy họ không dễ dàng bị nhầm lẫn giữa tốt và xấu, có năng lực nhận diện Chân, Thiện, Mỹ. Giáo dục được như thế, sẽ khiến con người phát triển cá tính, có lập trường, không rối loạn, không manh động, vì thế xã hội tự khắc có trật tự.

Ngược lại, hãy xem phương hướng phát triển giáo dục bậc cao của nước ta, dường như càng ngày càng đi theo hướng chủ nghĩa công lợi. Việc thiết kế hệ thống càng ngày càng chú trọng mặt kỹ thuật, phương hướng bị lệch lạc. Việc phân môn ngày càng hẹp, theo hướng chuyên môn hóa, những giáo lý, luân lý thông thường ngày càng bị xem nhẹ.

Tốt nghiệp đại học xong mà vẫn không hiểu lý lẽ, không hiểu làm người là thế nào, không biết cách để sống chung vui vẻ với người khác cũng như với bản thân mình. Ở lớp học không học về Chân, Thiện, Mỹ, không được khích lệ lòng hiếu kỳ, đa số sinh viên không biết đặt câu hỏi với giảng viên. Mục đích của việc học là chỉ cần làm sao tìm được công việc tốt là được. Sự cạnh tranh giữa các nhà trường cũng đo bằng chỉ tiêu tốt nghiệp và công việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Đẩy “nhân tài luận” theo hướng cực đoan. Sinh viên như thế khi bước vào xã hội cũng chỉ lấy danh lợi làm mục tiêu. Mọi thứ khác đều chịu sự chi phối của danh lợi.

Ngay từ khi đi học đã nghĩ mọi thứ đều có được thông qua mua bán. Để có thành tích tốt, có thể dùng tiền mua điểm, mua bằng, mua danh hiệu. Sau này vào đời, để thăng quan tiến chức cũng có thể dùng tiền mà mua.

Giáo dục là tương lai của quốc gia, điều này rất chính xác. Đưa học sinh đi theo hướng nào, quốc gia sẽ đi theo hướng đó. Vậy nên với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hy vọng rằng chúng ta sẽ có một mục tiêu cụ thể hơn, gần gũi và có ý nghĩa hơn trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Mộc Dương – Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét