Sau một loạt những chuyện buồn trong thi cử cấp trung học, ngành giáo dục lại một lần nữa được đặt câu hỏi về đề án thí điểm kéo dài quá lâu cùng với những cách đánh vần mới lạ. Nhưng tất cả những tranh luận đó có thể không đáng lo ngại bằng nội dung cuốn sách giáo khoa có thể sẽ được sử dụng để dạy trẻ đánh vần, nhưng lại chứa đựng những văn hóa chưa chuẩn mực.
Nội dung gây bối rối
Ai cũng có thể tranh luận và xứng đáng được tôn trọng ý kiến về cách đánh vần, cải cách chữ viết, thí điểm trên diện rộng... của cuốn sách Tiếng Việt – Công nghệ Giáo dục lớp 1. Bởi ai cũng có góc nhìn từ khía cạnh khác nhau, người thì hiểu biết về chuyên môn, người thì hiểu nhu cầu của trẻ nhỏ, người lại nhận định dựa trên những giá trị truyền thống và ảnh hưởng lâu dài đối với thế hệ trẻ và cộng đồng... Đó đều là những tranh luận đáng quý và đáng được xem xét.
Nhưng về nội dung của một số câu chuyện và một vài từ ngữ bên trong cuốn sách này, có những điểm không phù hợp để dạy cho trẻ nhỏ.
Ví dụ như bài Phép Lịch sự (trang 135, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục 1, tập 2) có viết:
"Ông chủ trại hàng xóm thường sai một chú bé mang quà sáng biếu nhà văn Xuýp. Lần này chú quăng phịch cái giỏ trước mặt nhà văn:
- Đấy, quà chủ tôi biếu ông
Thấy chú bé cư xử kỳ quặc, Xuýp bảo:
- Lại đây! Bác dạy cho phép lịch sự! Cháu hãy vờ là nhà văn, còn bác là chú bé đến trao quà.
Xuýp cúi người, kính cẩn chào chú bé, rồi lễ phép nói:
- Thưa ngài, chủ tôi có chút quà mọn này, đem biếu ngày, xin ngài vui lòng nhận cho.
- Ồ cháu ngoan quá! Ta rất cảm ơn! Còn đây, ta cho cháu ít tiền gọi là thưởng công. Chú bé vừa nói, vừa cho tay vào túi giả vờ lấy tiền.
Thấy vậy, Xuýp cười phá lên và thưởng cho chú bé rất nhiều tiền".
Đây là cách người lớn muốn dạy dỗ những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng vừa mới bước vào lớp 1 sao? Rằng hãy "lanh lợi" như cậu bé mang quà, được giả vờ làm nhà văn thì tranh thủ "dạy" lại nhà văn cách "cảm ơn" bằng chút tiền công. Còn ông nhà văn Xuýp cũng thật "dễ dãi", sau khi cười phá lên vì sự "khôn lỏi" của cậu bé đã làm theo đúng những gì cậu diễn khi thưởng cho cậu "rất nhiều tiền". Những gì còn đọng lại có thể làm lệch lạc cách tư duy của những đứa trẻ lớp 1 non nớt, rằng lịch sự với người khác cũng là để kiếm được chút lợi cho bản thân, và hãy ranh mãnh tranh thủ thu vén lợi ích cho mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Dù câu chuyện là về phép lịch sự, nhưng không phải lịch sự là để tôn trọng người, tôn trọng mình, không phải là sự khiêm nhường cúi mình trước người khác, không phải là thể hiện sự giáo dưỡng của bản thân, mà cũng chỉ là thứ hình thức, điều cuối cùng quan trọng hơn vẫn là tiền. Câu chuyện không có cái lý lẽ và dẫn dắt để trẻ hiểu vì sao phải lịch sự, mà gây ấn tượng hơn lại là cái cách cậu bé lấy được tiền của ông nhà văn.
[caption id="attachment_927923" align="alignnone" width="700"] Tiếp thu những câu chuyện như vậy trẻ sẽ chẳng thể trở thành một đứa trẻ ngoan. (Ảnh minh họa: pinterest.com)[/caption]
Quyển sách đầu đời là quyển sách sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời
Nói về một vấn đề tương tự, trong cuốn sách giáo khoa được dùng để dạy trẻ lớp sơ đẳng (tương đương với lớp 3 bây giờ) vào cái thời cách đây 70 năm đã viết thế này:
"Con người ta, bất cứ sang hay hèn, cũng phải giữ cho nó lễ phép. Lễ phép là cái tư cách của người có giáo dục biết tự trọng và trọng người. Cho nên thánh hiền đời trước dạy ta cốt lấy chữ 'lễ' làm đầu.
Các con bây giờ đi học phải tập lễ phép cho quen. Đừng có kiêu căng, thô tục, đừng có suồng sã, lả lơi. Phải biết tôn kính người trên, ôn hòa với kẻ dưới. Gặp ai quen thuộc, phải chào hỏi cho tử tế. Hễ ai hỏi gì, phải trả lời cho từ tốn" – (Trích Luân lý Giáo khoa Thư – Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận).
Thế nên, cái thời ông bà, bố mẹ chúng ta, những việc thể hiện đạo đức hết sức cơ bản và đơn giản nhất là điều đương nhiên và thấm đẫm trong nhân cách mỗi con người. Còn thời nay, khi chú trọng dạy kiến thức, khi muốn chuyên môn hóa tới mức chỉ có giáo viên mới dạy được học trò, bố không dạy được con, chị không dạy nổi em vì sách giáo khoa cải cách liên tục, nhưng những việc làm thể hiện giá trị đạo đức cốt lõi nhất lại được tung hô như một hiện tượng hiếm gặp trong xã hội.
Quay trở lại với cuốn sách giáo khoa nhiều tranh cãi, câu chuyện như Phép lịch sự không chỉ là một ví dụ duy nhất về việc truyền đạt những bài học khôn ranh, ma mãnh. Trong bài "Bé xách đỡ mẹ", thấy mẹ đi “ì ạch” vì mang nhiều túi, thay vì xách giúp mẹ, bé đã nảy ra ý tưởng "khôn khéo": "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ".
Trong bộ sách giáo khoa của Trần Trọng Kim thời xưa, dạy luân lý được đặt ở một ví trị rất quan trọng, trong đó chữ Hiếu được nói tới nhiều nhất, bởi “trăm điều Thiện chữ Hiếu làm đầu”. Bài học nhỏ về “Biết ơn cha mẹ” có đi kèm câu chuyện tiểu dẫn rằng “người Hoàng Hương lúc mới lên chín tuổi đã biết quạt nồng ấp lạnh cho cha mẹ”.
Tác giả bộ sách giải thích rằng “bắt đầu tập đọc những chữ đầu tiên là họ học những nguyên tắc sẽ hướng dẫn họ suốt cả cuộc đời”, thế nên dạy trẻ “khôn khéo” chỉ nghĩ đến mình, khôn ranh từ những chuyện nhỏ nhặt như xách đồ cho mẹ thì sẽ tạo thành một thế hệ tương lai như thế nào đây?
[caption id="attachment_927954" align="alignnone" width="720"] Những mẩu chuyện thiếu tính nhân văn trong cuốn sách. (Ảnh: dkn.tv)[/caption]
Sức mạnh của ngôn từ
Trong các bài học còn xuất hiện những từ ngữ phản giáo dục, đáng sợ và cay độc. Ví dụ như cụm "mụ phù thủy dữ như quỷ sứ" trong bài "Mụ phù thuỷ", "ma quỷ" trong bài "Vẽ gì khó?".
Khi được rót dần vào tâm hồn những từ ngữ có tính sát thương dùng để mô tả người khác dù là người xấu như thế, trẻ em sẽ sử dụng vốn từ này trong cuộc sống, và đó không phải là cách nói chuyện nên có của cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Đừng nghĩ rằng từ ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp, nó chính là phản ánh tâm hồn và nhân cách của ta. Thế nên văn chương, câu từ, có một sức ảnh hưởng rất lớn tới con người tiếp nhận:
“Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm đá rắn, thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, thế mà dây cưa mãi gỗ cũng phải đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...” – (Trích truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư trong tập "Hương rừng Cà Mau" của Sơn Nam).
Nếu chúng ta coi thường việc hình thành và sử dụng những từ ngữ có tính tranh đấu, đả kích, coi thường và miệt thị người khác thì việc mạng xã hội đầy rẫy những màn tranh cãi thiếu tôn trọng nhau và vô văn hóa là kết quả nhãn tiền đang được chứng minh. Chúng ta đã có một thế hệ mất mát, để bây giờ văn hóa tranh luận và bày tỏ quan điểm của người Việt là một thứ hổ lốn thiếu thuyết phục nhưng thừa bạo lực và những thứ xú uế. Vậy chúng ta vẫn còn muốn truyền lại điều đó cho thế hệ con cháu mình?
[caption id="attachment_927973" align="alignnone" width="665"] Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai - Giáo dục chính là cốt lõi là nền tảng cho tương lai đất nước chúng ta... (Ảnh minh họa: youtube.com)[/caption]
Giáo dục là một câu chuyện lớn nhưng thật ra chẳng quá phức tạp, bởi chỉ cần nhớ giáo dục là dạy trẻ cách làm người tốt trước khi thành người tài giỏi, như thế là đủ để chúng ta dụng tâm, dụng sức của mình làm cho thật tốt.
Xin được trích lại một bài báo xưa cũ, từ năm 1926, thay cho lời kết:
… Mục đích sơ học và cao đẳng tiểu học là cốt dạy dỗ cho trẻ con ngày sau có đủ học thức mà đối phó với đời, và ngày sau biết quyến luyến xứ sở và chức nghiệp của mình, chớ không phải là đào tạo một hạng người cứ tưởng mình là giỏi giang xa hẳn khác đồng bào, vì biết giăm bảy chữ tây, không nhớ cổ tục là gì và không có giây liên lạc với nòi giống nữa.
…nói về đường thực nghiệp. Sự dạy dỗ trẻ con, trước là rèn đúc lấy phẩm hạnh, mở mang lấy trí thức, tức là học để làm người, như lời của các bậc hiền triết đời xưa thường nói. Rồi lại phải học lấy một nghề để làm cách mưu sinh… Than ôi! Một hạng người dở ông dở thằng, muốn theo học thì không đủ sức, muốn kiếm ăn thì không có nghề, thật là một cái hiểm tượng to cho xã hội Việt Nam sau này đó (số người ấy lại cứ một ngày một thêm mãi ra) – (Trích bài Một tin mừng cho nền sơ học xứ ta, Trung Bắc Tân Văn, thứ ba ngày 7/9/1926).
Thuần Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét