“Tây Du Ký” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Trung Hoa. Trong tác phẩm này, Đường Tăng dẫn ba đồ đệ tới Tây Thiên và đạt được viên mãn sau khi kinh qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Một số người coi nó chỉ là tiểu thuyết hư cấu. Trong lịch sử, có một vị tăng sư đời Đường đã mạo hiểm cuộc sống và du hành hàng chục nghìn dặm đường từ Trung Quốc tới Ấn Độ để mang kinh phật về Trung Thổ. Hành trình ông đã đi cũng là quá trình tu luyện, cuối cùng đã có thể vượt ra khỏi sinh tử.
1. Trở thành một Độ Tăng ở tuổi 13
Tiểu sử về Đường Tăng. Đường Tăng tên hiệu là Đường Tam Tạng, tên tục là Trần Danh Vĩ, là người huyện Huyền Nhân, Tỉnh Hà Nam. Hầu hết các tài liệu ghi chép rằng ông sinh vào năm 600 sau công nguyên (C.N), dưới thời Tùy Văn Đế, cũng có thuyết cho rằng ông sinh năm 602 hoặc 596 sau C.N. Ông viên tịch vào năm 664 sau C.N. Về sau xuất gia lấy pháp danh là Huyền Trang, vì vậy ông cũng được gọi là Pháp Sư Huyền Trang.
Phụ thân của Trần Vĩ là người tận tâm với nho học và kinh thuật. Trong gia đình có bốn người con trai. Người anh trai thứ hai của Trần Vĩ cũng xuất gia từ nhỏ. Ông lấy pháp danh là Trường Tiệp và tu tại chùa Dương Tự tại Lạc Dương. Trần Vĩ là con út trong gia đình. Từ nhỏ đã thông minh, sáng dạ, tướng mạo phi phàm. Lên 8 tuổi đã bắt đầu theo phụ thân học tập. Trần Vĩ chuyên cần học hỏi không ngừng nghỉ. Một lần, phụ thân kể với cậu câu chuyện về Khổng Dung đứng dậy khỏi chỗ ngồi để thể hiện sự kính trọng những bậc lão niên. Ngay khi Trần Vĩ nghe được câu chuyện, cậu cũng lập tức đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Phụ thân hỏi tại sao. Cậu trả lời, “Khổng Dung đã rời khỏi chỗ ngồi để thể hiện sự kính trọng với người nhiều tuổi hơn. Nay phụ thân đã giảng giải cho con. Làm sao con có thể ngồi?”. Người cha rất ngợi khen. Thêm vào đó, Trần Vĩ khi còn thơ ấu có tố chất đặc biệt, ông không chơi với những đứa trẻ nghịch ngợm và không nghe những tà ngôn mị ngữ, thường cùng nhị huynh Trường Tiệp học tập kinh điển Phật giáo.
Trong thời đại nhà Tùy và nhà Đường, phật giáo rất thịnh hành. Triều đình thiết lập một chế độ thi cử nghiêm khắc để tuyển lựa những người muốn xuất gia và tu luyện các các chùa. Người phàm muốn xuất gia học phật cần phải tham dự vào các kì thi được tổ chức bởi triều đình. Chỉ những người vượt qua được các kỳ thi mới được chấp nhận như là các vị tăng sư và được xưng là “Độ Tăng” (chữ “Độ” trong từ “Cứu Độ”).
Vào năm thứ 10 triều đại Tùy Dương Đế (614 sau C.N) triều đình bố cáo tìm kiếm 10 Độ Tăng. Lúc đó, Trần Vĩ mới chỉ 13 tuổi và chưa đủ tuổi để trở thành Độ Tăng. Cậu bé thậm chí không được phép đi vào khu vực thi (khảo trường). Cậu rất thất vọng, đi xung quanh và chẳng muốn về. Chủ khảo là vị đại quan tên Trịnh Thiện Quả, cũng là một tín đồ Phật giáo. Khi nghe thấy Trần Vĩ, ông gọi cậu vào nói chuyện.
Trịnh Thiện Quả cảm thấy Trần Vĩ là hiền lành, cao quý, am hiểu văn chương và khác xa với người thường mặc dù còn rất ít tuổi. Trịnh Thiện Quả hỏi cậu, “Tại sao muốn trở thành tăng sư?”. Cậu đáp, “Chí nguyện của tôi là trở thành Như Lai trong tương lai xa và làm rạng danh Phật Pháp trong ngắn hạn.” Mặc dù chàng còn trẻ, nhưng khẩu khí thực sự rất lớn và làm cho vị chủ khảo kinh ngạc trong một lúc lâu. Trịnh Thiện Quả đã phá cách và cho phép Trần Vĩ trở thành tăng sư. Sau này, Trịnh thường nói với những người khác, “Phong trúc nan đắc. Nếu người trẻ tuổi này được phép xuất gia, anh ta sẽ là một Phật môn đại khí!”.
2. Bất chấp sinh tử đi thỉnh kinh Phật
Sau khi trở thành tăng sư, Pháp sư Huyền Trang dành thời gian nghiên cứu kinh Phật và thăm các chùa khác nhau. Ông cảm thấy rằng những gì nghe được trong các bài giảng khác nhau ở nhiều nơi năm này qua năm khác là bất nhất, các trường phái khác nhau, các nhánh khác nhau đưa ra những giải thích khác nhau cho cùng một câu hỏi. Thực tế, sự khác biệt đến mức gay gắt. Ông cảm thấy rằng rất khó để điều chỉnh những sự khác biệt này và quyết định sẽ du hành tới Ấn Độ để mang về các bản kinh nguyên gốc.
Trong những năm đầu dưới thời vua Đường Thái Tông (627 sau C.N), Huyền Trang đã quyết định sẽ du hành tới Ấn Độ để mang về các bản kinh nguyên gốc. Nhưng lúc đó, nhà Đường vừa mới dựng lập. Khu vực biên giới đang ở trong tình trạng hỗn loạn, việc xuất quốc là nghiêm cấm. Ông đã gửi biểu chính thức xin đi tới Ấn Độ hai lần. Nhưng yêu cầu của ông đều bị từ chối. Ông không còn sự lựa chọn nào khác là phải bí mật rời khỏi đất nước.
Nạn đói xảy ra. Triều đình cho phép người dân rời bỏ nhà cửa để tìm việc ở khắp nơi. Huyền Trang tận dụng cơ hội để rời kinh đô Trường An và du hành về phía tây. Ông vượt qua thành Tần Châu, Lan Châu và tới thị trấn biên giới Lương Châu. Ở đó ông gặp một người Mông Cổ tên là Thạch Bàn Đà đã dẫn đường cho ông. Ngày nghỉ đêm đi, xuất Ngọc Môn quan. Sau khi ra khỏi Ngọc Môn quan, Thạch Bàn Đà không thể chịu đựng những khó khăn của chuyến du hành xa xôi cách trở thêm nữa và khăng khăng đòi bỏ cuộc. Anh ta chỉ ra một vài thành lũy có lính canh ở biên giới và khuyên Huyền Trang nên cẩn thận.
Ngay sau đó, Huyền Trang bị một lính canh bắt. Ông đã bị giam giữ và tra khảo. Người lính cũng biết sự tình của đồ môn Phật giáo. Khi này anh đã nghe được chí nguyện của Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh, ý chí kiên định của ông, nên đã thả ông ra. Huyền Trang đi bộ ngày đêm không nghỉ. Ông cứ thẳng bước đi ba ngày ba đêm không nghỉ vậy mà vẫn không ra khỏi được sa mạc rộng 400 km.
Ông bắt đầu kiệt sức và mê man bất tỉnh vì khát. Ông bị đánh thức bởi cơn gió lạnh và tiếp tục tiến về phía trước. Thật may mắn, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Một vùng đất xanh hiện ra giữa sa mạc hoang vắng. Huyền Trang uống nước từ một con suối và được cứu thoát. Thật khó mà dùng từ ngữ để mô tả những khó khăn mà ông phải chịu đựng. Trong một đoạn Tây Du Ký đã mô tả rất đúng,
“Trên trời không một cánh chim, Dưới đất không một muông thú. Không có cỏ, cây nào có thể sống nổi, không có bất cứ dấu vết nào của sự sống xung quanh. Lúc thì, cát và đá bay mù mịt, lúc thì mưa bão. Không nước, không thức ăn. Lúc tỉnh lúc mê. Lúc thì thấy xương cốt chết khô, di tích chiến trường. Lúc thì thấy những cảnh hung ác, hình tượng ma quỷ.”
Sau khi đi qua sa mạc, Huyền Trang tới vương quốc Cao Xương. Quốc vương Cao Xương – Khúc Văn Thái – cũng là một tín đồ Phật giáo. Khi nghe về Huyền Trang, ông đã cử sứ giả ra nghênh đón. Gặp được Huyền Trang, nhà vua đã bằng mọi cách thể hiện sự kính trọng và mến mộ và tổ chức nghi lễ trịnh trọng kết nghĩa huynh đệ. Nhà vua cố gắng ép buộc Huyền Trang ở lại nước Cao Xương, và uy hiếp, “Nếu ông khăng khăng không ở lại, sẽ gửi trả ông về Trung Thổ.” Huyền Trang tuyệt thực phản đối và từ chối ở lại Cao Xương. Cuối cùng, ý chí kiên định của ông đã làm nhà vua cảm động. Nhà vua đã đồng ý để ông ra đi. Vua gửi 20-30 lính theo ông và cấp cho ông rất nhiều ngựa và những đồ dùng giá trị. Thêm vào đó, vua còn viết một bức thư riêng tới các vị vua láng giềng, đề nghị đối xử với Huyền Trang thật tử tế.
Huyền Trang tiếp tục cuộc du hành về phía tây dọc theo phía Bắc núi Thiên Sơn. Ông vượt qua cao nguyên Tây Vực, xuyên qua Afghanistan, và tới vương quốc Jiashiminou (ngày nay là Kashmir). Đường đi càng về sau càng ngày càng khó khăn hơn. Ông đã leo qua những đỉnh núi tuyết phủ quanh năm cũng như những sa mạc hoang vu rộng lớn. Ông dắt ngựa trắng và đi bộ dọc theo những con đường nhỏ hẹp trên các đỉnh núi tuyết. Nếu chẳng may bước một bước quá dài cũng có thể rơi xuống vực thẳm.
Có một nhóm thương nhân đi cùng với Huyền Trang. Theo thời gian, nhóm thương nhân hoặc chết vì lạnh, hoặc rơi xuống vực thẳm. Trong nhật ký du hành của mình, ông viết, “Tôi thậm chí không dám nhìn xuống bởi có vô số những thây người chết lạnh đông cứng ở phía dưới.” Trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc hành trình, Huyền Trang đã gặp không biết bao nhiêu nguy hiểm. Ông đã phải mất tới 7 ngày 7 đêm để leo qua đỉnh núi và đi vào tới lãnh thổ Ấn Độ.
3. Được Bồ Tát điểm hóa và cao tăng truyền thụ
Sau hai năm du hành khổ cực, Huyền Trang đã đi qua 110 nước trong hành trình tới Ấn Độ. Thậm chí ông đã tới biên giới phía tây bắc của Ấn Độ trong năm thứ ba thời Trinh Quán. Ông đã du hành tới nhiều thành phố Ấn Độ của nước Jiashimiluo và Jiantuluo và nghiên cứu kinh điển Phật giáo tiểu thừa (Hinayana) từ các thầy tu địa phương. Để hiểu rõ hơn lý thuyết Phật giáo, ông học triết học Phệ Đà từ các học giả Bà La Môn. Ông cũng tập trung vào học chữ Phạn để có thể dùng nó như công cụ để nghiên cứu các sách cổ phật giáo bằng tiếng Phạn. Ông đã sống ở khu vực đó từ 2 đến 3 năm. Sau đó ông du hành tới miền trung Ấn.
Khi Huyền Trang sắp vượt qua sông Hằng, ông gặp một toán cướp. Khi chúng nhìn thấy ông tướng mạo đẹp đẽ, phi phàm, chúng muốn giết ông để tế thần. Ở thời khắc nguy hiểm, bỗng nhiên một cơn lốc mạnh thổi đến, cùng với sấm và chớp. Bầu trời trở nên đen kịt với cát bay mù mịt và đất đá cuốn trên mặt đất. Những tên cướp sợ hãi đến mức khuôn mặt chúng trở nên xám ngắt. Chúng không dám làm bất cứ điều gì nữa bởi vì nghĩ rằng chúng ta làm các vị thần giận dữ. Chúng hỏi Huyền Trang là ai. Khi chúng biết rằng ông là một tăng sư từ Trung Thổ, chúng quỳ lậy xuống mặt đất sám hối, hứa từ này sẽ cải tà quy chính. Tin tức lan rộng làm Huyền Trang nức tiếng gần xa.
Chùa Na Lạn Đà là một ngôi chùa trứ danh nhất ở Trung Ấn. Nó là nơi phủ học Phật giáo tối cao trên toàn Ấn Độ. Ba ngàn tăng nhân sống trong chùa này. Trong số họ có những vị cao Tăng và học giả uyên thâm. Khi Huyền Trang nhập tự, bốn vị cao tăng của chùa đã ra nghênh tiếp ông. Hơn hai trăm tăng ni và tín đồ Phật tử cũng đứng thành vòng tròn bên ngoài chào đón ông.
Huyền Trang trở thành đệ tử của trụ trì Giới Hiền. Trụ trì khoảng một trăm tuổi là lãnh đạo Phật giáo ở Ấn Độ. Ông được nhà vua Ân Độ vô cùng kính trọng. Mặc dù trí huệ cao thâm, ông cũng bị đau yếu vì những bệnh lạ. Gần đây ông cảm thấy đau nhiều hơn và muốn viên tịch. Một đêm, ba Bồ Tát xuất hiện trong giấc mơ của ông. Một người là Văn Thù Bồ Tát trong sắc vàng, một người là Quan Âm Bồ Tát trong sắc bạc, và người thứ ba là Phổ Hiền Bồ Tát trong sắc pha lê. Phổ Hiền Bồ Tát nói với ông, “Con là vị vua ở đất này trong tiền kiếp. Vì con đã sát hại rất nhiều sinh mệnh, nên con phải chịu đau đớn trong kiếp này để trả nghiệp. Dù cho nó đau đớn đến mấy, con cũng đừng mong muốn chết. Ba năm kể từ lúc này, một vị tăng từ Trung Thổ sẽ tới Ấn Độ để tìm Pháp. Con hãy dạy những gì con biết để người đó có thể phổ truyền trên mảnh đất Trung Thổ. Bằng cách này, nghiệp chướng sẽ bị tiêu trừ và những đau đớn của con sẽ biến mất.” Sau giấc mơ, Giới Hiền mong mỏi ngày Đường Tăng xuất hiện. Khi Huyền Trang cuối cùng đã đến, Giới Hiền nhận ra rằng giấc mơ của ông đã thành hiện thực. Ông vô cùng mừng rỡ và truyền cho Huyền Trang mọi điều ông biết. Ông cũng sắp xếp cho Huyền Trang đi du hành bên ngoài chùa và học hỏi những những vị thầy khác những năm sau đó.
Huyền Trang đã ở Ấn Độ tổng cộng 17 năm, gồm cả 5 năm ở chùa Na Lạn Đà, nơi rất nhiều học giả Phật giáo tập trung vào thời đó. Ông muốn hành hương về Trung Thổ để phổ truyền những gì ông đã tiếp thụ.
Trở về
Trước khi Đường Tăng xuất khởi Tây Trúc, ông đã đến chỗ cây Tùng cổ thụ ở chùa Linh Nham. Đứng ở sân chùa, ông vuốt ve nhành cây, và nói: “Ta sẽ lên đường sang Tây Trúc thỉnh chân kinh, vì vậy con hãy luôn hướng về phía tây mà sinh trưởng. Khi ta lấy được chân kinh quay trở về, con hãy quay đầu và hướng về phía đông, để các đệ tử của ta biết rằng ta đang trên đường trở về.” Sau khi Đường Tăng lên đường, cành cây Tùng đã theo đúng hướng tây mà sinh trưởng, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Rồi một năm kia, cành Tùng đột nhiên quay về phía đông, các đệ tử của Đường Tăng vui mừng reo “Sư phụ sắp trở về”. Các đệ tử vội lên đường để đi đón Đường Tăng. Nhà sư đã thực sự trở về từ Phật quốc, mang về theo chân kinh mong chờ. Người đời sau phong cành cây Tùng này là ma đính tùng.
Vào tháng một năm thứ 19 thời vua Trinh Quán (645 sau C.N), cuối cùng ông đã về tới Trường An sau một cuộc du hành dài. Hàng trăm quan lại triều đình với hơn một vạn thường dân đã ra đón chào ông ở Trường An và tổ chức đại lễ chưa từng có trước đây.
Vào ngày đó, mọi người tụ tập ở ngoại thành phía Tây kinh thành và hàng trăm nghìn sư tăng và thường dân và tập hợp và chào đón Huyền Trang, trở về từ Tây Trúc mang theo kinh Phật. Vào ngày hôm sau, Huyền Trang đã tặng kinh và tượng Phật ông mang về cho chùa Hồng Phúc. Vào lúc đó, xung quanh mặt trời xuất hiện những đám mây sặc sỡ, và tượng Phật tỏa ra những bánh xe ánh sáng hòa lẫn với sắc đỏ và trắng. Đám đông liên tục thốt ra những cử chỉ tín ngưỡng. Do sự trở về của Huyền Trang, mười nghìn người ở kinh thành đã tạm ngừng công việc và rất nhiều người đã theo đạo Phật. Đại lễ đón Huyền Trang có thể nói là hiếm có trong lịch sử.
Một trong tứ đại dịch giả kinh điển Phật giáo
Khi Huyền Trang trở về Trường An, Đường Thái Tông (một vị Hoàng Đế nhà Đường) đang ở trong thành Lạc Dương và chuẩn bị xuất chinh. Vì vậy, Huyền Trang đã tới Lạc Dương yết kiến Thái Tông và hiến cống rất nhiều kì trân dị bảo mang về từ chuyến đi. Hai người đã đàm đạo trong cung điện cho đến tận lúc trống khởi hành xuất chinh nổi lên. Đường Thái Tông yêu cầu Phòng Huyền Linh sắp xếp người để bảo hộ Huyền Trang và ban cho lộ phí và các vật dụng cần thiết. Sau này, Huyền Trang yêu cầu tuyển lựa những người có khả năng để dịch kinh cùng ông và Thái Tông đã đồng ý. Vì vậy, Huyền Trang đã rất tích cực trong việc dịch kinh sách và phổ truyền Phật Pháp sau khi trở về, và trở thành một trong tứ đại dịch giả kinh điển Phật giáo.
Sau khi thảo tặc, Đường Thái Tông trở về Kinh đô Trường An, Huyền Trang đã dâng biểu xin Hoàng Đế viết lời tựa cho những kinh phật ông dịch. Ông tâu, “Trí tuệ của bệ hạ như bạch vân che phủ mặt trời và uy danh cao hơn cả trăm vua. Thần nghĩ rằng Phật pháp là vô biên, vì vậy một người nếu không có tư tưởng của thần thì chẳng thể giải thích được nghĩa lý của Pháp. Thánh giáo là huyền viễn, nếu không phải là những lời của thánh thần thì không thể dùng để làm lời tựa cho nó. Vì vậy, thần mạo phạm cầu xin bệ hạ hạ bút viết lời tựa cho thánh kinh. Lời của Hoàng thượng có hàm nghĩa thâm sâu, vì vậy xin đừng khiêm nhường về việc này thêm nữa.”
Cuối cùng, đáp lại ba lần thỉnh cầu của Huyền Trang, Thái Tông đã viết “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự”. Khi học hết bộ này, tất cả quan lại đều bày tỏ sự ca tụng, và việc chưa từng có trước đây, các quan lại trong hoàng tộc bắt đầu đọc kinh phật và Phật Pháp được thăng tiến chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Về sau, đáp lại yêu cầu của Đường Thái Tông, Huyền Trang cũng hoàn thành cuốn nổi tiếng “Đại Đường Tây Vực Ký”, nội dung mô tả những trang phục, văn hóa, địa lý, lịch sử, tôn giáo … của 110 nước ông đã du hành qua và 28 nước ông nghe đến. Câu chuyện của ông lời tự thuật chân thật, ngôn ngữ phong phú, đẹp và tao nhã, cuốn sách đã được xem như là một tác phẩm lớn trong kho tàng sách cổ Trung Hoa. Sau này nó đã được dich thành nhiều ngôn ngữ và phổ truyền rộng rãi.
Bắt đầu từ năm thứ 19 đời Trịnh Quán (645 sau C.N), Huyền Trang đã tập trung sức lực vào việc dịch kinh phật. Trong 19 năm tiếp theo, ông đã dịch trên 1000 cuốn kinh điển. Đồng thời, ông cũng dịch những cuốn triết học Trung Quốc nổi tiếng như “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử thành tiếng Phạn và cho phép nó phổ truyền tại Ấn Độ.
Viên tịch
Từ khi Huyền Trang bước chân vào Phật môn, ông đã luôn mong muốn được về nơi thiên giới Di Lặc. Năm 664, năm đầu thời kỳ vua Lân Đức (Đường Cao Tông), Huyền Trang nói với các sư tăng dịch kinh thư cùng ông và các đệ tử: “Ta chắc sẽ viên tịch năm ta 65 tuổi. Nếu ai còn câu hỏi gì, hãy mau hỏi sớm.”
Ai nghe được lời này cũng vô cùng ngạc nhiên: “Tại sao Sư phụ nói vậy khi chưa được 70, 80, hay 90 tuổi?” Huyền Trang trả lời: “Ta biết tự ta.” Ông sau đó đi đến trước tượng Phật cáo biệt. Khi một số tăng sư muốn đi, Huyền Trang nói: “Các con có thể đi. Ta đang từ biệt các con lúc này. Các con không cần phải đến để gặp ta thêm nữa và sẽ chẳng gặp được ta dù các con có đến.”
Vào ngày 9 tháng giêng, Huyền Trang nói với các sư tăng trong chùa: “Ta sắp viên tịch. Sau khi ta chết, hãy an tang thi thể ta ở một nơi an tĩnh gần chùa.” Sau khi nói xong, ông nằm xuống và khép mắt lại. Ông thấy một bông hoa sen lớn và một hình ảnh lớn của ông. Ông đã tỉnh giác ở thời điểm ông nhập vào niết bàn. Huyền Trang tập hợp tất cả các sư tăng trong chùa và nói lời từ biệt họ một lần nữa. Ông cũng nhớ lại vị Hoàng Đế và sau đó niệm thầm tên của Di Lặc.
Vào ngày mồng 4 tháng 2, Huyền Trang một tay đặt trên đầu, nằm yên bất động. Tăng sư hỏi: “Tư thế này là gì?” Huyền Trang đáp: “Đừng hỏi. Sẽ can nhiễu đến chính niệm của ta.” Vào lúc nửa đêm ngày mồng 5, một vài đệ tử hỏi: “Thầy có chắc sẽ đi về thế giới của Đức Phật Di Lặc?” Huyền Trang trả lời: “Chắc chắn.” Sau đó ông ngừng thở. Hai tháng sau khi Huyền Trang mất, màu sắc và vẻ ngoài của thi thể ông vẫn giống như là khi ông còn sống.
Thi thể Huyền Trang được sơ táng trong quan tài bạch lộc. Về sau, Hoàng Đế hạ chiếu cải táng thi thể Huyền Trạng ở Phiền Xuyên. Khi thi thể ông được đưa ra khỏi lòng đất, thân thể vẫn y nguyên màu sắc vẻ ngoài như khi ông còn sống. Đám đông xem nó là một cảnh tượng kỳ lạ và cảm thấy rằng Huyền Trang đích thị là một vị tăng siêu phàm và đã đắc đạo. Vào ngày an táng, hàng triệu người nội trong vòng 500 dặm (khoảng 250km) Kinh thành đến để thể hiện niềm kính ngưỡng. Ba nghìn người đã túc trực ở mộ của ông để tỏ lòng tôn kính ông.
Huyền Trang đã bất chấp sinh tử, vượt qua muôn vàn khó khăn để tới Thiên Trúc thỉnh kinh Phật, những di tích văn hóa ông để lại về sau đã viết lên những trang huy hoàng trong lịch sử văn minh Trung Hoa.
Tổng hợp từ chanhkien.org
Quá Dương biên tập
Quá Dương biên tập
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét