Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Nguyên nhân Phật Thích Ca Mâu Ni từng bị mắc bệnh



Nguyên nhân Phật Thích Ca Mâu Ni từng bị mắc bệnh

Trong cuốn “Hưng khởi hành kinh” từng viết rằng, trong cuộc đời, Phật Thích Ca Mâu Ni từng bị đau khớp. Nhiều người không hiểu rằng, vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni đã đủ chúng đức mà vẫn còn bị bệnh? Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể cho mọi người nghe câu chuyện về kiếp trước của mình để giải thích rõ nguyên nhân căn bệnh này.
Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là Thượng đế sáng tạo ra vạn vật, ngài cũng có thân thể bằng máu thịt như thân thể con người chúng ta. Đồng thời, ngài cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng đương nhiên, ngài có rất nhiều chỗ là không giống chúng ta. Một trong số đó là ngài không có phiền não, không kêu than và đau buồn, không để tâm vào chuyện vặt đời thường như chúng ta.
Ngoài việc trên thân thể có khả năng cảm thụ những vui buồn với bên ngoài ra thì trong tâm của ngài không có một tia lo lắng, tức là ngoại cảnh chỉ có thể tác động đến thân thể chứ không thể tác động đến tâm của ngài. Đối với ngài mà nói, mọi sự trên đời đều là “duyên đến duyên đi”, sao phải vì thế mà phiền não?
Trong cuốn “Hưng khởi hành kinh” kể rằng, Đức Phật Tất Đạt Đa từng bị bệnh đau khớp. Đây là một trong 10 đại nạn mà ngài gặp phải trong cuộc đời. Rất nhiều người không hiểu vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni đức độ lại có thể bị bệnh. Phật Thích Ca Mâu Ni đã giải thích rằng, đây là do nghiệp lực kiếp trước còn sót lại, kiếp này phải trả.

Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể lại rằng:

Truyền thuyết ghi lại sự tích chữa bệnh của một danh y nổi tiếng: Xưa kia, đã rất lâu rồi, ở trong thành của nước Ấn Độ cổ có một một người là con trai của trưởng lão giàu có đột nhiên bị sốt cao, bệnh tình vô cùng nghiêm trọng. Lúc ấy ở trong thành đó có một vị danh y chẳng những tinh thông đủ loại y thuật mà còn giỏi về chữa trị đủ các loại bệnh khó và kỳ lạ. Con trai vị trưởng lão liền mời gấp danh y kia đến để chữa trị cho mình. Anh ta nói với vị danh y: “Xin ngài hãy chữa trị bệnh cho ta. Nếu như ta có thể khỏi bệnh, ta nhất định sẽ tặng cho ngài thật nhiều vàng bạc châu báu.” Vị danh y dốc lòng dốc sức chữa trị bệnh cho anh ta.
Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và sự dốc sức của danh y, một thời gian sau con trai vị trưởng lão đã khỏi hẳn bệnh tình. Nhưng vào lúc anh ta sắp khỏi hẳn bệnh lại vì tham lam mà vong ân phụ nghĩa, không muốn thực hiện lời hứa của mình lúc trước. Một thời gian sau, người con trai của vị trưởng lão giàu có lại bị nhiễm bệnh trở lại. Anh ta lại đưa ra lời hứa “mê hoặc” người khác để nhờ vị danh y kia chữa bệnh cho mình. Nhưng lần này cũng vẫn như lần trước, vừa khỏi bệnh xong, anh ta lại vong ân phụ nghĩa, không thực hiện lời hứa của mình. Cứ như vậy trải qua 3 lượt mắc bệnh, 3 lượt mời vị danh y và hứa những điều “dụ dỗ” người rồi cuối cùng lại chối từ thực hiện lời hứa.
Sau 3 lần như vậy, vị danh y vô cùng phẫn nộ. Ông cảm thấy rằng mình bị con trai của vị trưởng lão coi là đứa ngốc mà đùa giỡn hết lần này đến lần khác và cảm thấy bị khinh thường. Vì thế, vị danh y này bắt đầu âm thầm kế hoạch trả thù của mình. Ông ta cho con trai trưởng lão uống một loại dược liệu không phải trị bệnh sốt cao khiến con trai trưởng lão chết không minh bạch.
Phật Thích Ca Mâu Ni kể đến đây liền giải thích: “Mọi người có biết vị danh y kia là ai không? Đó chính là ta ở kiếp trước. Còn người con trai của trưởng lão giàu có bị bệnh kia chính là Đề Bà Đạt Đa ở kiếp này.”
Phật Thích Ca Mâu Ni kể tiếp: “Bởi vì ta cho con trai trưởng lão uống độc dược, khiến hắn bị chết oan uổng nên ta đã bị đày xuống địa ngục. Sau khi trải qua rất nhiều khổ sở vì bị trừng phạt suốt những năm tháng dài đằng đẵng, về sau lại chuyển sinh thành súc sinh và chịu khổ trong cõi ngạ quỷ. Cho nên mặc dù kiếp này đã tu hành nhưng vẫn phải chịu đau do nghiệp lực kiếp trước của mình gây ra. Nghiệp lực do mình gây ra thì phải trả, vì thế đời này mọi người luôn phải thời thời khắc khắc mà tu dưỡng thân, khẩu, ý của bản thân mình!” (Tu thân, khẩu, ý bên nhà Phật có nghĩa là: Không làm điều ác, không nói lời ác và không nghĩ điều ác.)
Câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc nhở chúng ta rằng, khi người khác có lỗi với chúng ta, chúng ta ngàn vạn lần đừng đi trả thù đối phương. Khi chúng ta trả thù đối phương thì cũng giống như chúng ta cầm trên tay con dao hai lưỡi, đả thương người đồng thời cũng làm thương chính mình. Bởi vậy, suy cho cùng, hại người cũng chính là đang hại mình, gây đau khổ cho người thì bản thân ta cũng chịu khổ đau!
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Có thể bạn quan tâm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét