Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Thai kỳ trọn vẹn: Những điều cần biết về thai ngoài tử cung (P12)

Thai kỳ trọn vẹn: Những điều cần biết về thai ngoài tử cung (P12) https://ift.tt/2wEzKRY

Có thiên chức làm mẹ, chị em nào cũng hi vọng có được một thai kỳ khỏe mạnh và “mẹ tròn con vuông” vào lúc sinh nở. Muốn vậy, bạn không thể phó mặc hoàn toàn cho bác sĩ, mà cần biết rằng chính bản thân mới là người quyết định. Thực ra, chỉ một chút thay đổi trong tinh thần, lối sống của mẹ sẽ tác động ngay đến sức khỏe của bé. Chuyên gia của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sẽ gửi tới bạn những kiến thức cơ bản nhất từ lúc chuẩn bị mang thai, khi mang bầu… đến tận lúc sinh và sau đó qua loạt bài về thai kỳ cùng các vấn đề liên quan này. Mời các bạn đón đọc!

Trọn bộ: Thai kỳ trọn vẹn

Phôi được tạo ra nhờ trứng kết hợp với tinh trùng, quá trình này diễn ra ở ống dẫn trứng. Trên đường di chuyển vào trong lòng tử cung để làm tổ thì đa số không xảy ra sự cố gì. Tuy nhiên, một số trường hợp phôi không di chuyển được vào lòng tử cung và làm tổ bên ngoài gây ra một bệnh lý cần phải điều trị đó là “thai ngoài tử cung”. Đại Kỷ Nguyên sẽ cung cấp cho bạn đọc những vấn đề cơ bản của tình trạng này.

1. Thế nào là thai ngoài tử cung?

Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã được thụ tinh phát triển ở ngoài tử cung. Hầu hết thai ngoài tử cung (khoảng 90%) là ở ống dẫn trứng (cũng gọi là vòi trứng). Khi khối thai lớn lên thì sẽ gây vỡ ống dẫn trứng từ đó gây chảy máu ở trong ổ bụng. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần phải được phẫu thuật cấp cứu.

[caption id="attachment_876652" align="alignnone" width="634"] Các vị trí có thể gặp của thai ngoài tử cung. (Ảnh: hinhanhykhoa.com)[/caption]

2. Những yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung

Những yếu tố phụ khoa và ngoại khoa làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung

  • Đã từng bị thai ngoài tử cung
  • Đã từng phẫu thuật ở ống dẫn trứng trước đây
  • Đã từng có phẫu thuật ổ bụng hoặc vùng chậu trước đây
  • Bị một số bệnh lây qua đường tình dục
  • Viêm vùng chậu
  • Lạc nội mạc tử cung

Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung

  • Hút thuốc lá
  • Tuổi lớn hơn 35
  • Trước đây bị vô sinh
  • Thụ tinh nhân tạo (IVF)

Tuy nhiên, có khoảng 50% số trường hợp bị thai ngoài tử cung không có yếu tố nguy cơ từ trước.

3. Triệu chứng của thai ngoài tử cung

Ban đầu, những người bị thai ngoài tử cung có những triệu chứng như người mang thai bình thường như: trễ (chậm) kinh, căng đau vú, hoặc khó chịu ở bao tử. Một số có thể có các triệu chứng như:

  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Đau lưng dưới
  • Đau bụng hoặc đau âm ỉ vùng chậu
  • Đau quặn ở một bên vùng bụng

[caption id="attachment_876612" align="alignnone" width="549"] Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn ở một bên vùng bụng. (Ảnh: Phununews.vn)[/caption]

Tại giai đoạn này rất khó để phân biệt được giữa có thai bình thường và thai ngoài tử cung. Nếu bạn bị ra máu bất thường hoặc đau vùng bụng dưới thì hãy đi khám bác sĩ Sản phụ khoa.

Khi khối thai càng lớn thì sẽ càng dễ bị biến chứng nặng như vỡ ống dẫn trứng có biểu hiện như sau:

  • Đau dữ dội và đột ngột vùng bụng dưới
  • Đau vai
  • Thấy yếu, chóng mặt, say sẩm
  • Vỡ ống dẫn trứng gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Do đó, nếu có một trong các triệu chứng trên thì bạn cần đến bệnh viện khám ngay.

4. Chẩn đoán thai ngoài tử cung

Nếu bạn không có triệu chứng của vỡ ống dẫn trứng, nhưng bác sĩ nghi ngờ bạn bị thai ngoài tử cung thì bạn có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm như:

  • Siêu âm vùng chậu, để xác định khối thai.
  • Xét nghiệm nội tiết tố (hormone) gọi là nội tiết tố thai kì (hCG).

5. Điều trị thai ngoài tử cung

Khi thai đã làm tổ ở ngoài thì không thể di chuyển được vào trong lòng tử cung, do đó cần phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Bạn có thể cần phải được theo dõi vài tuần sau đó.

[caption id="attachment_877048" align="alignnone" width="549"] Thai ngoài tử cung có thể điều tị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. (Ảnh: PTAheute)[/caption]

Thuốc dùng để điều trị thai ngoài tử cung

Thuốc hiện được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là methotrexate.Thuốc này có tác dụng làm tế bào ngưng phát triển từ đó ức chế khối thai lớn lên. Sau đó khối thai sẽ được cơ thể hấp thu trong khoảng từ 4 - 6 tuần. Do đó ống dẫn trứng không bị cắt bỏ.

Những điều kiện để sử dụng thuốc

Methotrexate được dùng khi ống dẫn trứng chưa bị vỡ. Một yếu tố quan trọng nữa là nồng độ nội tiết tố hCG trong máu. Những trường hợp đang cho con bú hoặc mắc một số vấn đề sức khỏe sẽ không được sử dụng.

Cách sử dụng methotrexate

Methotrexate thường được tiêm (chích) một liều duy nhất vào bắp tay, đùi hoặc mông. Trước khi chích thuốc cần phải làm xét nghiệm đánh giá chức năng của một số cơ quan như gan, thận, máu và đo nồng độ hCG trong máu. Sau khi tiêm thuốc nếu nồng độ hCG không giảm đến mức theo yêu cầu thì có thể phải chích lặp lại. Bạn sẽ được hẹn tái khám cho đến khi nồng độ nội tiết tố giảm xuống đến mức không có thai.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra do methotrexate

[caption id="attachment_877071" align="alignnone" width="549"] Hãy đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu bất tường trong quá trinh sử dụng thuốc. (Ảnh: Pinterest)[/caption]

Methotrexate có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau bụng, xuất huyết âm đạo, rỉ một vài giọt máu. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra như:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt

Bạn cần phải được theo dõi cho đến khi ngưng thuốc. Nguy cơ bị vỡ ống dẫn trứng vẫn còn cho tới khi bạn được điều trị khỏi hoàn toàn. Trong thời gian theo dõi nếu có bất kỳ dấu hiệu như: đau bụng đột ngột, đau vai, và yếu mệt thì hãy đến bệnh viện khám ngay.

Những điều cần tránh khi đang sử dụng methotrexate

  • Tập thể dục cường độ mạnh
  • Sinh hoạt vợ chồng
  • Uống rượu
  • Không dùng các thuốc vitamins và đồ ăn có chứa axit folic như bánh mì, mì, đậu phộng (lạc), những rau có lá màu xanh thẫm, nước ép cam và hạt đậu.
  • Không dùng các thuốc giảm đau non-steroid như ibuprofen vì nhóm thuốc này sẽ làm giảm tác dụng của methotrexate.
  • Tránh những đồ khó tiêu vì nó sẽ gây cảm giác khó chịu và làm lu mờ triệu chứng bị vỡ ống dẫn trứng.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu vì methotrexate có thể làm tăng nhạy cảm với ánh nắng.

6. Khi nào phẫu thuật được chỉ định

Nếu ống dẫn trứng bị vỡ thì cần phải được phẫu thuật cấp cứu. Đôi khi phẫu thuật được chỉ định kể cả khi ống dẫn trứng chưa bị vỡ nhưng khối thai đã lớn. Khi phẫu thuật, khối thai có thể được lấy ra khỏi ống dẫn trứng hoặc là cắt bỏ hẳn ống dẫn trứng có chứa khối thai.

[caption id="attachment_877059" align="alignnone" width="550"] Thai ngoài tử cung có thể được chỉ định phẫu thuật. (Ảnh: baomoi.com)[/caption]

Cách tiến hành phẫu thuật

Đa số trường hợp là được phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật này cần đâm một vài ống rỗng nhỏ qua thành bụng vào ổ bụng qua một đường rạch nhỏ ngoài ra còn cần dùng một camera có dây nối cùng cách dụng cụ khác. Bạn cần phải được gây mê.

Những biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn các nguy cơ có thể gặp như: đau sau mổ, mệt mỏi, chảy máu và nhiễm trùng.

7. Những cảm giác sau khi điều trị

Bất kể bạn điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật thì bạn có thể cảm thấy mệt mỏi trong một vài tuần sau đó. Bạn có thể thây đau hoặc khó chịu ở vùng vụng. Nêu bạn bị đau nhiều mà không giảm thì hãy đi khám Bác sĩ. Sẽ cần phải có một thời gian để nội tiết tố mang thai hCG trở về tráng thái bình thường. Chu kì kinh nguyệt của bạn có thể thất thường trong một vài tháng rồi mới trở lại bình thường.

Trợ giúp tâm lý sau điều trị thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể gây ra sang chấn tâm lý. Nếu những tác động về tâm lý này ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bạn thì bạn cần phải đi khám Bác sĩ tâm lý, hoặc tìm trợ giúp tâm lý từ người thân.

Ảnh hưởng của thai ngoài tử cung đến các lần mang thai tiếp theo

Một khi bạn bị thai ngoài tử cung thì bạn có nguy cơ cao bị mắc thai ngoài tử cung ở lần có thai tiếp theo. Trong lần mang thai tiếp theo hãy chú ý đến các triệu chứng tương tự, và đi khám bác sĩ cho đến khi xác định được khối thai nằm đúng vị trí.

BS Nguyễn Đức Trường
Khoa Sản phụ – Bệnh viện FV TP Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét