Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Hai (29/6) đã ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu là của Trung Quốc, nhằm đáp trả Bắc Kinh sau vụ xung đột chết người ở biên giới giữa hai nước trong tháng này.
Reuters đưa tin, Bộ công nghệ Ấn Độ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ các ứng dụng này là có "định kiến về chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng" của Ấn Độ.
Theo chỉ thị, Google và Apple, hai tập đoàn công nghệ của Mỹ, sẽ phải xóa các ứng dụng này ra khỏi các cửa hàng ứng dụng Android và iOS. Trong số 59 ứng dụng bị cấm, có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.
Theo Reuters, lệnh cấm này khả năng sẽ đặt ra một trở ngại lớn đối với các công ty Trung Quốc như Bytedance ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có thị trường dịch vụ internet lớn nhất thế giới.
Công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower hồi tháng 4 cho biết Ấn Độ là thị trường có lượng cài đặt ứng dụng TikTok lớn nhất thế giới, với 611 triệu lượt tải xuống, chiếm 30,3% tổng số lượng cài đặt. Tổng số người dùng TikTok tại Ấn Độ hiện là khoảng 120 triệu người.
"Đây là bước tiến nhanh nhất và mạnh mẽ nhất mà chính phủ Ấn Độ có thể đưa ra nhằm tạo áp lực kinh tế đối với các công ty Trung Quốc", theo ông Santosh Pai, thành viên của Link Legal, một công ty luật Ấn Độ hiện đang tư vấn cho một số công ty Trung Quốc.
Lệnh cấm của Ấn Độ được đưa ra sau cuộc đụng độ biên giới chết chóc giữa hai nước láng giềng ở dãy núi Himalaya hồi đầu tháng này, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và ước tính hơn 40 binh sĩ Trung Quốc tử vong.
Vụ xung đột đã thổi bùng sự phẫn nộ của người Ấn Độ, dẫn đến làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc và hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Trước đó, Reuters đưa tin hải quan Ấn Độ đã đình chỉ nhập cảnh đối với các container đến từ Trung Quốc, trong đó có chứa các sản phẩm của Apple, Cisco và Dell.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét