Vinh hoa phú quý dường như là điều mong mỏi của vạn người, nhưng người xưa vốn chú trọng đạo đức và xem nhẹ vật chất lại không cho rằng như vậy. Quyền cao chức trọng chỉ là cái bẫy khiến con người mê lạc, dễ đánh mất đi bản tính tốt đẹp. Người làm quan rất dễ không thấy được tác hại của bản thân. Vì vậy khi thấy con làm quan, người cha người mẹ sẽ không vui mừng, họ dùng mọi cách để cảnh tỉnh con trước mê lộ.
Cuộc sống hiện đại lấy vật chất và quyền thế làm trung tâm. Con người hiện đại không ngừng tìm cách đạt được danh lợi với mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, cha mẹ cũng hướng con đến chúng.
Dường như ai cũng mong con kiếm được nhiều tiền, đạt được quyền cao chức trọng. Khi con thăng quan tiến chức, cha mẹ tự hào, người người chúc tụng, cho đó là chuyện hết sức đáng mừng.
Nhưng đường dài những năm tháng về sau liệu có còn thấy đáng mừng? Ở trong danh lợi thật khó giữ mình khiêm cung, chung thủy. Trên cương vị cao người ta có thể trở thành kẻ lừa dối, kiêu ngạo, giết người, cướp bóc, thị phi, phát cuồng, loạn luân...lúc nào không ai biết.
Có một người cha đã hiểu được điều này, nên ông làm điều hoàn toàn ngược lại với số đông. Đối với ông, con bước vào chốn quan trường là chuyện đáng lo chứ không phải đáng mừng.
Trong Thuyết Uyển – Kính Thận, Lưu Hướng, học giả thời Tây Hán chép lại như sau:
Sau khi Tôn Thúc Ngao được vua phong làm lệnh doãn nước Sở, quan lại, bách tính trong cả nước đều tới chúc mừng. Duy chỉ có người cha già mặc đồ tang tới chia buồn.
Tôn Thúc Ngao rất kính trọng cha, bèn hỏi ông nguyên cớ vì đâu. Lão phụ nói rằng người hưởng quan cao lộc hậu, được quân vương coi trọng rất dễ không thấy rõ tác hại của bản thân.
Tôn Thúc Ngao lại càng thêm kính trọng cha già, bái lạy hai lần, xin cha chỉ giáo. Lão phụ cảnh báo Tôn Thúc Ngao rằng:
Quan vị càng cao càng phải chăm lo cho bách tính, quyền lực càng lớn càng phải nỗ lực, bổng lộc càng nhiều càng phải coi nhẹ. Nhớ kỹ những điều này thì đã đủ để trị vì nước Sở rồi.
Tôn Thúc Ngao đáp: “Thật là hay, con xin ghi nhớ!”
Nhiều người không hiểu vì sao người cha già lại phải mặc áo tang tới chia buồn? Sau đó lại dạy dỗ Tôn Thúc Ngao một hồi? Kỳ thực người cha già này là một ẩn sĩ hoặc một người tu đạo.
Ông mặc áo tang tới chia buồn là vì những người xuất thân thấp kém sau khi tại vị nơi cao, trong cơn thèm khát theo đuổi quyền lực, danh lợi, rất khó giữ vững bản thân, mà mê lạc trong quyền thế, phú quý. Họ chẳng thể vui vẻ với cảnh bần hàn, giữ gìn đạo đức, phẩm hạnh của bản thân, từ đó mất đi cái gốc làm người.
Con người một khi đánh mất cái gốc làm người thì chẳng khác chi một người đã chết, vậy nên người cha mới tới chia buồn. Đồng thời, làm vậy, trên bề mặt cũng là đang thăm dò Tôn Thúc Ngao, xem ông có ngộ, có tâm đại nhẫn, có biết làm người là như thế nào hay không.
Nếu Tôn Thúc Ngao ngộ tính tốt, có thể kính cẩn đối đãi với cha già, chứng tỏ Tôn Thúc Ngao có huệ căn, có thể truyền thụ đạo trị vì Sở quốc cho ông. Vậy nên mới xuất hiện tình huống người cha sau đó dạy dỗ đôi chút cho Tôn Thúc Ngao.
Từ câu chuyện nhỏ có thể thấy rằng, người xưa rất coi trọng đạo làm quan, và cha mẹ là người cảnh tỉnh con trước mê lộ này.
Bài học của cổ nhân thâm sâu nhiều ý: quan cao là để chăm lo cho dân nơi đất thấp, quyền lực càng lớn thì ngôn hành càng cần cẩn trọng, càng nỗ lực cống hiến cho người khác, đồng thời bổng lộc càng nhiều càng hết sức xem nhẹ.
Đan Tâm Tham khảo Minh Huệ Net
Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/con-duong-sang-cho-mot-sinh-menh-lac-loi_23ecf54f2.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét