Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Bắc Cực đang bốc cháy: Các nhà khoa học báo động sóng nhiệt ở Siberia

Bắc Cực đang bốc cháy: Các nhà khoa học báo động sóng nhiệt ở Siberia https://ift.tt/2BIVy5g

Theo AP ngày 25/6, một phần của Bắc Cực đang phát sốt và bốc cháy. Và điều đó khiến các nhà khoa học lo lắng về ảnh hưởng của nó đối với phần còn lại của thế giới.

Nhiệt kế đạt mức kỷ lục 38 độ C (100,4 độ F) tại thị trấn Verkhoyansk ở Bắc Cực thuộc Nga vào thứ Bảy tuần trước, mức nhiệt độ sốt của một người - nhưng đây là Siberia, được biết đến là một vùng đất bị đóng băng. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết hôm thứ ba tuần trước rằng họ đang phải tìm cách để đo được nhiệt độ, điều chưa từng có đối với khu vực phía bắc vành đai Bắc Cực.

“Bắc Cực đang bốc cháy theo nghĩa bóng và nghĩa đen - nó nóng lên nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ, rằng nó sẽ chỉ tương ứng với mức độ tăng của lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác trong khí quyển, và sự nóng lên này dẫn đến sự tan băng nhanh chóng và các vụ cháy rừng”, Jonathan Overpeck, một nhà khoa học khí hậu của trường đại học Michigan, cho biết trong một email.

“Sự nóng lên kỷ lục ở Siberia là một dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Overpeck viết.

Phần lớn Siberia trong năm nay có nhiệt độ cao vượt quá một cách bất hợp lý. Từ tháng 1 đến tháng 5, nhiệt độ trung bình ở miền bắc Siberia đã ở mức trung bình khoảng 8 độ C (14 độ F), theo nhà khoa học của tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth, ông Zeke Haus Father cho biết.

“Nó nóng hơn rất, rất nhiều so với bất kỳ thời điểm cùng kỳ nào trong khu vực đó”.

Siberia nằm trong Sách kỷ lục Guinness vì nhiệt độ khắc nghiệt. Đó là một nơi mà nhiệt kế phải xoay 106 độ C (190 độ F), từ mức thấp âm 68 độ C (- 90 độ F) tới mức nóng nhất cho đến nay là 38 độ C (100,4 độ F).

Khu vực Bắc Cực của Nga là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới.

Nhiệt độ trên Trái đất trong vài thập kỷ qua đã tăng lên, trung bình 0,18 độ C cứ sau 10 năm. Nhưng ở Nga, nó tăng 0,47 độ C, và ở riêng ở Bắc Cực thuộc Nga, nó tăng 0,69 độ C mỗi thập kỷ. Andrei Kiselyov, nhà khoa học chính tại Đài quan sát địa chính Voeikov ở Moscow nói: “Về phương diện đó, chúng tôi đã đi trước cả hành tinh”.

Nhiệt độ ngày càng tăng ở Siberia có liên quan đến các vụ cháy rừng kéo dài ngày càng nghiêm trọng hơn mỗi năm và sự tan chảy của băng vĩnh cửu - một vấn đề lớn vì các tòa nhà và đường ống được xây dựng trên chúng. Ông Vladimir Romanovsky, một nhà nghiên cứu băng vĩnh cửu tại Đại học Alaska Fairbanks cho biết, việc làm tan băng vĩnh cửu cũng giải phóng nhiều khí hấp thụ nhiệt hơn và làm khô đất, tăng nguy cơ cháy rừng.

“Trong trường hợp này, nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bởi vì mùa đông trước đó ấm áp lạ thường”, ông Romanovsky nói. Sự tan băng vĩnh cửu, tan băng theo mùa, đất lún xuống và sau đó nó có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng thúc đẩy sự tan băng vĩnh cửu, mà mùa đông lạnh giá không thể ngăn chặn nó”, ông Romanovsky nói.

Một sự cố tràn dầu thảm khốc từ một bể chứa bị sập vào tháng trước gần thành phố Norilsk ở Bắc Cực đã bị đổ lỗi là một phần làm tan băng vĩnh cửu. Năm 2011, một phần của một tòa nhà dân cư ở Yakutsk, thành phố lớn nhất của Cộng hòa Sakha, đã sụp đổ do băng tan và mặt đất sụt lún.

Tháng 8 năm ngoái, hơn 4 triệu ha rừng ở Siberia đã bị cháy, theo Greenpeace. Năm nay, các đám cháy đã bắt đầu hoành hành sớm hơn nhiều so với khởi đầu thông thường vào tháng 7, ông Vladimir Chuprov, giám đốc bộ phận dự án tại Greenpeace Russia, cho biết.

Thời tiết ấm áp kéo dài, đặc biệt là nếu kết hợp với cháy rừng, khiến băng vĩnh cửu tan nhanh hơn, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách giải phóng một lượng lớn khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh gấp 28 lần so với carbon dioxide, theo chuyên gia Katey Walter Anthony từ Đại học Alaska nói về giải phóng mê-tan từ Bắc cực băng giá.

“Khí mê-tan thoát ra từ các địa điểm tan băng vĩnh cửu đi vào khí quyển và lưu thông trên toàn cầu”, cô nói. “Khí mê-tan có nguồn gốc từ Bắc Cực không ở lại Bắc Cực. Nó có lan ra toàn cầu”.

Và những gì xảy ra ở Bắc Cực thậm chí có thể làm biến đổi thời tiết ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Vào mùa hè, sự nóng lên bất thường làm giảm chênh lệch nhiệt độ và áp suất giữa Bắc Cực và những vùng đất vĩ độ thấp nơi có nhiều người sinh sống hơn, ông Judah Cohen, chuyên gia thời tiết mùa đông tại Viện Nghiên cứu Môi trường Khí quyển, một hãng thương mại gần Boston cho biết.

Điều đó dường như làm suy yếu và đôi khi thậm chí cản trở dòng đối lưu nhiệt, có nghĩa là dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan như những nơi có nhiệt độ cực cao hoặc mưa duy trì trong nhiều ngày liên tục, ông Cohen nói.

Theo các nhà khí tượng học tại cơ quan thời tiết Nga Rosgidrome t, một sự kết hợp của các yếu tố - như hệ thống áp suất cao với bầu trời trong và mặt trời rất nóng bỏng, thời gian ban ngày cực kỳ dài và đêm ấm áp ngắn - đã góp phần làm tăng nhiệt độ Siberia.

“Mặt đất đang nóng lên mạnh mẽ. Ban đêm, trời rất ấm, không khí không có thời gian để làm mát và tiếp tục nóng lên trong vài ngày”, ông Martin Makarova, nhà khí tượng học trưởng tại Rosgidromet cho biết.

Ông Makarova nói thêm rằng nhiệt độ ở Verkhoyansk vẫn cao bất thường từ thứ Sáu đến thứ Hai. Các nhà khoa học đồng ý rằng sự tăng đột biến là dấu hiệu cho thấy một xu hướng nóng lên toàn cầu lớn hơn nhiều.

Freja Vamborg, nhà khoa học cao cấp tại Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus ở Anh nói: “Vấn đề chính là khí hậu đang biến đổi và nhiệt độ toàn cầu đang ấm lên. Chúng sẽ phá vỡ ngày càng nhiều kỷ lục hơn khi chúng diễn tiến”.

Waleed Abdalati, cựu nhà khoa học trưởng của NASA, hiện đang làm việc tại Đại học Colorado, cho biết, “Điều rõ ràng là Bắc Cực nóng lên sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho sự nóng lên của cả hành tinh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét