Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Chủ tịch lo vỡ trận khi thu phí rác thải theo kilogam

Chủ tịch lo vỡ trận khi thu phí rác thải theo kilogam https://ift.tt/3i8k2pe

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho rằng không nên thu phí rác thải đối với hộ gia đình mà thu trực tiếp vào sản phẩm, nếu áp dụng phương pháp này thì không loại trừ việc vỡ trận vì đặc thù của Việt Nam khác xa so với các nước trên thế giới.

Trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất người xả rác sẽ trả tiền theo khối lượng thông qua việc mua túi đựng rác, thay vì tính bình quân đầu người như lâu nay.

Theo VnExpress, góp ý nội dung trên, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho rằng không nên thu phí rác thải đối với hộ gia đình mà thu trực tiếp vào sản phẩm.

"Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho thu gom và tái chế, nếu nhà sản xuất đã đóng rồi thì vì sao người dân phải đóng nữa, không việc gì chúng ta phải đi làm thêm cái túi thu gom rác để bán cho các hộ gia đình".

Theo ông Vượng, thu phí thu gom, tái chế từ nhà sản xuất thông qua sản phẩm, về thực chất là người dân đã chi tiền ra vì nhà sản xuất sẽ nâng giá thành sản phẩm, cho nên không cần thiết thu tại hộ gia đình.

"Nếu thu phí thông qua túi đựng thì người dân sẽ tìm đủ mọi cách để không phải đóng, có thể dẫn tới làm giả túi. Ai sẽ kiểm tra người dân đổ những gì vào túi", ông Vượng nêu vấn đề và cho rằng phương thức thu mới sẽ làm phát sinh những bất tiện không đáng có.

Ông Vượng cũng nhận định thu phí xử lý rác theo khối lượng sẽ phải đầu tư mới từ cơ sở hạ tầng đến nhân công gây tốn kém. "Áp dụng phương pháp này thì không loại trừ việc vỡ trận vì đặc thù của Việt Nam khác xa so với các nước trên thế giới. Nếu thu qua các nhà sản xuất, nhà nước chưa cần phải làm gì đã có kinh phí để xử lý rác", ông nói thêm.

Trái với quan điểm trên, Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng thu phí rác thải theo khối lượng, tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì là hợp lý vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và thành công.

Tuy nhiên, bà An băn khoăn "trọng lượng và khối lượng khác nhau, một cục đá chắc chắn sẽ nặng hơn một mớ rau cùng khối lượng, nên việc thu qua túi sẽ thực hiện cụ thể ra sao?". Theo bà, người dân có thể đổ vào túi nhiều loại rác, thể tích giống nhau nhưng khối lượng khác nhau, "vậy ai sẽ người kiểm tra bên trong túi có những loại rác nào".

Cho rằng mấu chốt của việc thu phí rác qua túi là phân loại tại nguồn, quản lý quá trình thu gom, bà An nhấn mạnh nếu không quản lý tốt thì người dân sẽ tranh thủ đổ trộm rác ra bên ngoài và lại gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.

"Cần thí điểm trong ít nhất một năm ở một khu vực thành thị và nông thôn để rút ra bài học kinh nghiệm phân loại rác như thế nào, đơn vị nào cân rác, mức phí ra sao", bà An đề xuất.

Về lo ngại xả trộm rác ra môi trường, lãnh đạo Vụ Pháp chế nói với cách thu hiện tại thì người dân vẫn đổ trộm rác ra môi trường. "Dự thảo Luật sẽ đề nghị không thu rác ở ngoài vị trí đã quy định. Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Công an để tăng quyền xử phạt hành chính cho công an xã, nhằm xử lý những trường hợp đổ trộm", ông Hùng cho hay.

Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thu phí xử lý rác theo khối lượng sẽ không thực hiện đồng loạt mà áp dụng ở các khu vực đô thị trước. Cơ quan chức năng sẽ tính toán hỗ trợ người dân để trước mắt giá bán túi ngang bằng mức tri trả xử lý rác tại gia đình hiện nay.

Ảnh chụp màn hình Thanh Niên.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, ông Hà nói, theo Thanh Niên.

Ông Hà giải thích, trước mắt và hiện tại người dân phải chịu một phần kinh phí, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Khi đời sống người dân tăng lên, sẽ để người dân trả cả chi phí này.

Cũng theo ông Hà, dự thảo luật đưa ra các quy định bắt buộc như, yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa đối với chất thải sinh hoạt và quy định các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển, có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt.

Ông cho hay luật lần này quy định nếu người dân gom lại, phân loại rác thì loại rác này người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét