Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Dấu ấn tuần qua: EU ngày càng ‘tỉnh ngộ’ về Trung Quốc

Dấu ấn tuần qua: EU ngày càng ‘tỉnh ngộ’ về Trung Quốc https://ift.tt/3g63UCQ

Hôm thứ Hai (22/6), các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến nhằm hâm nóng mối quan hệ bị đóng băng thời gian qua. Tuy nhiên, cuộc họp không mang lại kết quả gì khi EU dường như ngày càng nhận ra niềm tin không thể đặt nơi chính quyền Trung Quốc.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề cho EU, trong khi chính quyền Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt vì che giấu thông tin dịch bệnh, đàn áp những người đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của virus Vũ Hán, cho phép hàng triệu người dân của họ mang theo mầm bệnh đi lại khắp nơi, khiến dịch bệnh lây lan ra toàn cầu. Bên cạnh đó, EU cũng đang lên án mạnh mẽ việc Bắc Kinh thúc đẩy dự luật an ninh Hồng Kông và không có dấu hiệu muốn cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Kết thúc nhưng không kết luận

Tham gia cuộc họp trực tuyến, về phía EU có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, về phía Trung Quốc có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình, và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Đúng như dự đoán của Reuters, cuộc họp này không mang lại kết quả gì đáng kể. Hai bên không đưa ra được tuyên bố chung. Đồng nghĩa với hàng loạt vấn đề tồn tại giữa họ vẫn còn nguyên trạng, cả hai không thống nhất được những vấn đề cơ bản trong chính sách thương mại và đầu tư, EU cũng không có hứa hẹn gì với Bắc Kinh về việc sẽ xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

Thậm chí, ngay sau cuộc họp này, bà Leyen còn truyền đi một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh rằng, nếu lực lượng cầm quyền tại Trung Quốc cố tình áp đặt luật an ninh cho Hồng Kông, thì sẽ phải đối mặt với “hậu quả rất xấu”. Trong khi đó, ông Charles Michel nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Lý Khắc Cường rằng: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông”.

Phản ứng của hai lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu đã minh chứng cho sự thất bại hoàn toàn của cuộc họp vốn đã bị trì hoãn từ tháng Ba, cũng như phản ánh mối rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Phía sau những lời hoa mỹ

Theo Reuters, trong cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng ông nhìn nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU thiên về đối tác hơn là đối thủ. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, lãnh đạo của họ bằng lòng hợp tác chặt chẽ với EU trong việc nghiên cứu để tìm ra vắc xin phòng chống Covid-19. Còn chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ với EU.

Nhưng phía sau những lời nói “êm tai” của lãnh đạo Trung Quốc là một tư tưởng chỉ muốn được chứ không muốn mất của Bắc Kinh, bất chấp việc đối phương đưa ra những đòi hỏi chính đáng. "Chúng ta tiếp tục có một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng”, bà Leyen nói với ông Tập. Phát biểu này của bà Leyen trong cuộc họp, được New York Times dẫn lời, đã cho thấy điều đó.

Theo New York Times, đã có rất ít tiến triển trong thực hiện các cam kết vào năm ngoái của Bắc Kinh về việc mở rộng thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp EU.

EU cho rằng Bắc Kinh luôn cố gắng đòi hỏi nhiều hơn ở họ nhưng lại luôn tìm cách bảo trợ thái quá cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong khi hạn chế nước ngoài tiếp cận thị trường Đại lục, cũng như đưa ra những yêu cầu phải chuyển giao công nghệ đối với những công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc.

Theo AFP, hiện EU quan ngại sâu sắc về việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tranh thủ thâu tóm những công ty châu Âu gặp khó khăn vì bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Nói về thái độ của Trung Quốc đối với việc đàm phán thỏa thuận thương mại với EU, bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga - Châu Á - Châu Âu, có trụ sở ở Brussels, cho biết, châu Âu luôn mong đợi mọi thứ sẽ khác đi, nhưng người Trung Quốc "kéo dài thỏa thuận đầu tư này trong 7 năm và họ sẽ không đi đến một thỏa thuận. Bắc Kinh đang tập trung vào việc chia rẽ châu Âu, và ve vãn Đức".

Âm mưu chia rẽ để thao túng EU của Bắc Kinh đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, Giáo sư Steve Tsang của Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi, nhận định: “Trung Quốc về cơ bản đang cố gắng tiếp cận theo kiểu ‘chia để trị’ đối với EU. Một số quốc gia EU đang bị dụ dỗ xích lại gần với Trung Quốc và tách ra khỏi các quy tắc thường lệ của Liên minh châu Âu”.

Chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh đã mang tới những kết quả bước đầu cho họ. Nhiều nước trong khối này hiện cho thấy xu hướng thân Trung Quốc. Theo Daily Express, 52% người Ý được hỏi cho rằng Trung Quốc là đối tác lớn, còn theo SCMP, Hungary và Hy Lạp đã ca ngợi Bắc Kinh vì hỗ trợ họ trong đại dịch Covid.

Dịch chuyển về phía Hoa Kỳ

Mặc dù Bắc Kinh đã “lừa” được nhiều quốc gia thành viên EU, nhưng vẫn có những thành viên khác của khối này nhìn ra bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cộng hòa Séc là một ví dụ. Theo SCMP, Séc đã vỡ mộng với những lời hứa ngọt ngào trong đầu tư từ Bắc Kinh, và là nước đầu tiên thuộc EU đưa ra cảnh báo về rủi ro an ninh khi cho Huawei đấu thầu mạng 5G.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán ập tới cũng là lúc nhiều nước EU “tỉnh ngộ” về mối quan hệ với Trung Quốc, nhận ra rằng Bắc Kinh là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, sau đó lại đóng vai người hùng chuyển giao công nghệ và tài trợ đồ bảo hộ phòng chống dịch cho họ.

Đặc biệt khi họ phát hiện ra đồ bảo hộ phòng Covid mà Hội chữ thập đỏ Trung Quốc mang tới “cứu trợ” châu Âu đều là các sản phẩm hạ cấp, không thể dùng, thì hình ảnh “bóng bẩy” mà Bắc Kinh nỗ lực tạo ra để lừa phỉnh EU đã không còn chỗ đứng. Nhìn lại, EU đã thấy rõ hơn một Trung Quốc đang đe dọa không chỉ bản thân họ, mà còn với phần còn lại của thế giới, và vì thế họ đã quyết định hành động.

Hôm 15/6, sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, nói rằng EU có kế hoạch liên kết với Hoa Kỳ để đối phó với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nghị viện châu Âu hôm 19/6 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu EU đưa chính quyền Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

Ngoại trưởng Pompeo trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Năm (25/6) cho hay, chính quyền Trump đã nhận lời mời của EU tham gia một cuộc đối thoại mới giữa Hoa Kỳ với khối này về vấn đề Trung Quốc.

Điều này cho thấy EU đang chủ động hơn trong các hành động kiềm chế Trung Quốc, vì có thể giờ đây họ đã tiến gần hơn với nhận thức của Hoa Kỳ về mối đe dọa tới từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều được thể hiện qua phát biểu của ông Pompeo.

“Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để tiếp tục tăng cường nhận thức đối với thách thức từ Trung Quốc, [vì nó] liên quan đến lợi ích của việc duy trì các xã hội tự do, sự thịnh vượng và tương lai của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ nói. “Tôi không muốn một tương lai bị Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình”, ông Pompeo nói thêm.

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/thang-tay-voi-trung-quoc-tong-thong-trump-lam-loi-cho-my-va-the-gioi_979beaf72.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét