Trong một bài bình luận đăng trên Fox News gần đây, ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, đã phân tích về cách mà Bắc Kinh lợi dụng đại dịch để thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình.
Theo cố vấn Navarro, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn có một lịch sử lâu dài, khai thác các cuộc khủng hoảng để thúc đẩy quyền bá chủ chiến lược. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Trung Quốc đã xâm chiếm Ấn Độ trong khi cả Mỹ và Liên Xô đều đang bị phân tâm.
“Chiến lợi phẩm chiến tranh của Trung Quốc đó là việc sáp nhập được một phần cao nguyên Aksai Chin của Ấn Độ [vào lãnh thổ Trung Quốc]”, cố vấn Navarro chỉ rõ.
Ngày nay, cố vấn Navarro cho rằng đằng sau ‘chiếc áo choàng’ của đại dịch do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tạo ra, thế giới đang chứng kiến những hành vi chiến lược tương tự khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy kế hoạch của mình, và các nhà tuyên truyền Trung Quốc tìm cách đưa ra một câu chuyện của một chính phủ độc tài.
Vị cố vấn Nhà Trắng đã phân tích cách mà Trung Quốc xử lý và khai thác đại dịch, thông qua các sự kiện, bắt đầu từ cuối năm 2019 như sau:
Vào giữa tháng 11/2019, các trường hợp viêm phổi từ một loại virus mới bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán. Mặc dù sau đó ĐCSTQ đưa ra giả thiết rằng sự bùng phát này bắt đầu ở một ‘khu chợ ẩm ướt’ ở Vũ Hán, vẫn có sự nghi vấn về 2 phòng thí nghiệm của chính phủ ở Vũ Hán, vốn nghiên cứu virus corona xa lạ, được lấy từ các con dơi hoang dã. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đã có một đợt bùng phát virus corona tại ít nhất một phòng thí nghiệm khác trước đây. Hai nhà khoa học Trung Quốc từ Đại học Công nghệ Hoa Nam lại cho rằng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán có thể là nguồn gốc dịch bệnh.
Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) gửi một tin nhắn tới các bác sĩ trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng, cảnh báo về sự lây truyền bệnh từ người sang người, và lan truyền trong cộng đồng. Bác sĩ Lý và 7 người tố giác khác, đã bị cảnh sát giam giữ. Bác sĩ Lý sau đó đã chết vì virus.
Ngày 31/12/2019, các quan chức địa phương Trung Quốc tiến hành tẩy rửa khu chợ ẩm ướt Vũ Hán. Nhận xét về hành động này, cố vấn Navarro cho rằng nó “đã phá hủy bằng chứng tốt nhất có thể xác định liệu khu chợ ẩm ướt có phải là nguồn gốc của virus corona hay không. Trong khi đó, các mẫu virus thu thập được vẫn chưa được chia sẻ với thế giới”.
Từ đầu tháng 12/2019 đến ngày 20/1/2020, ĐCSTQ đã che giấu virus trước thế giới, đằng sau "tấm lưới chắn bảo vệ" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bù nhìn. Trung Quốc từ chối các chuyên gia quốc tế và những chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tiếp cận Vũ Hán để nghiên cứu virus. Ngày 14/1/2020, WHO công bố trên mạng Twitter “các cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Trung Quốc tiến hành, đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về sự lây truyền từ người sang người” của virus corona.
Ngày 7/1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ “ngăn chặn sự bùng phát”. Tuy nhiên, ông Tập lại cho phép các nhà ngoại giao Trung Quốc tới Nhà Trắng một tuần sau đó, để bắt tay Tổng thống Trump và nhóm thương mại của ông Trump. Chỉ sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ được ký kết vào ngày 15/1/2020, ông Tập mới tiết lộ hôm 20/1/2020 về virus “quỷ quái” mà ĐCSTQ đã để cho phát tán.
Ngày 21/1/2020, mặc dù hứa hẹn trong thỏa thuận thương mại ngày 15/1/2020 không đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, Viện Virus học Vũ Hán - nơi virus chết người có thể đã bắt nguồn – đã xin cấp bằng sáng chế cho Remdesivir, một loại thuốc [trị bệnh viêm phổi Vũ Hán] được phát triển bởi một công ty Mỹ. Theo cố vấn Navarro, mục đích rõ ràng của hành động này là nhằm phá vỡ bằng sáng chế của Mỹ.
Đến cuối tháng 1/2020, ĐCSTQ phong tỏa các chuyến du lịch nội địa, nhưng vẫn mở du lịch quốc tế cho đến cuối tháng 3/2020. Trong khi hơn 5 triệu công dân Trung Quốc chạy trốn khỏi Vũ Hán trước khi bị phong tỏa, hàng trăm ngàn người dân Trung Quốc đã bay khắp thế giới, lan truyền virus, từ đó biến những gì có thể là một ổ dịch bị giới hạn ở Vũ Hán, thành một đại dịch toàn cầu.
Ngày 31/1/2020, Tổng thống Trump đã đưa ra một quyết định can đảm. Ông Trump đình chỉ và hạn chế nhập cảnh các công dân nước ngoài, những người từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó. ĐCSTQ gọi đó là “phản ứng thái quá”. Một ngày sau, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã gọi ông Trump là “kẻ bài ngoại”.
Cố vấn Navarro lưu ý trong khi Trung Quốc che giấu virus trước thế giới, ĐCSTQ đã chuyển từ một nhà xuất khẩu lớn các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), thành một nhà nhập khẩu khổng lồ. Tích trữ PPE của Trung Quốc bao gồm hơn 2 tỷ mặt nạ N-95 được nhiều người thèm muốn – đã tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng cho các bác sĩ và y tá từ Milan đến New York và hơn thế nữa.
Sau khi Tạp chí Phố Wall (WSJ) xuất bản một bài bình luận hôm 3/2/2020, chỉ trích sự đối phó của Trung Quốc với virus, ĐCSTQ đã thu hồi thẻ nhà báo của 3 phóng viên WSJ có trụ sở tại Bắc Kinh vào ngày 19/2/2020. Một tháng sau, Bắc Kinh cũng thu hồi thẻ nhà báo của các phóng viên New York Times và Washington Post, và mở rộng lệnh cấm đưa tin từ Hồng Kông, vi phạm Đạo luật Cơ bản của Hồng Kông.
Cuối tháng 1/2020, các quan chức Bắc Kinh ngăn cản Viện virus học Vũ Hán chia sẻ các mẫu phân lập của virus corona mới với phòng thí nghiệm an toàn sinh học của Đại học Texas. Điều này trái với thỏa thuận ban đầu của phòng thí nghiệm Vũ Hán về chia sẻ các mẫu này. ĐCSTQ bổ nhiệm Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Trần Vi (Chen Wei), một nhà dịch tễ học và nhà virus học hàng đầu của quân đội Trung Quốc, vào một vị trí cao cấp tại Viện Virus học Vũ Hán.
Khi ĐCSTQ dập tắt được sự bùng phát ở Vũ Hán, Bắc Kinh sử dụng kho PPE khổng lồ của mình để trục lợi. Các doanh nghiệp Trung Quốc chào hàng các sản phẩm khẩu trang, găng tay, áo choàng và kính bảo hộ với số lượng lớn - thậm chí bán PPE với giá thổi phồng, ngược trở lại các nước như Ý, vốn là nước ban đầu đã viện trợ các sản phẩm PPE cho Trung Quốc.
“Để đầu cơ trục lợi hơn nữa, Trung Quốc bắt đầu bán tràn ngập thị trường thế giới - từ Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cho đến Georgia, Cộng hòa Séc và Mỹ - với những bộ kít xét nghiệm và PPE bị lỗi. Thay vì khắc phục sự cố, ĐCSTQ đổ cho lỗi người dùng”, cố vấn Navarro nhận xét.
Ngày 4/4/2020, trong một kế hoạch được thiết lập tốt, để tận dụng các cuộc khủng hoảng quốc tế, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam. ĐCSTQ sau đó bổ sung thêm 80 hòn đảo, rạn san hô và các cấu trúc biển khác để tiếp tục khẳng định các yêu sách lãnh thổ sai trái của mình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo ĐCSTQ hãy “ngừng khai thác sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác, để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của họ”.
Ngày 24/4/2020, châu Âu đã nhượng bộ trước áp lực của ĐCSTQ, bằng cách thanh minh cho tội lỗi của Trung Quốc trong một báo cáo của Liên minh Châu Âu, về các chiến dịch thông tin virus sai lệch.
Ngày 30/4/2020, trong một sự thể hiện “Ngoại giao Chiến Lang”, bác bỏ mọi sự thừa nhận tội lỗi, ĐCSTQ cảnh báo Hà Lan phải thay đổi tên đại sứ quán trên thực tế của mình ở Đài Loan, nếu không sẽ phải đối mặt với việc Trung Quốc ngừng cung cấp các PPE [cho Hà Lan], và tẩy chay các sản phẩm của Hà Lan.
Ngày 29/4/2020, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ đổ lỗi cho chính quyền Trump vì đã “lãng phí hàng tuần sau khi mối đe dọa do virus gây ra ban đầu, đã trở nên rõ ràng”.
Ngày 13/5/2020, FBI và Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở Hạ tầng của Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng các tin tặc có mối liên hệ với ĐCSTQ, đang tìm cách đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác, đang phát triển vắc-xin - bất chấp lời hứa của ĐCSTQ trong Giai đoạn 1 của Thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung, chấm dứt việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Ngày 18/5/2020, ĐCSTQ hứa sẽ hỗ trợ 2 tỷ USD trong 2 năm để đối phó với đại dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, cố vấn Navarro chỉ rõ số tiền này là ít hơn số tiền mà Trung Quốc vay từ ngân hàng thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn 193 quốc gia thành viên WHO khác thông qua nghị quyết, kêu gọi một cuộc điều tra công bằng, độc lập, toàn diện về phản ứng của WHO, và về nguồn gốc của virus. Nhưng ĐCSTQ đã bắt đầu tìm cách và trì hoãn các cuộc điều tra quan trọng này.
Ngày 22/5/2020, sau khi khuất phục những người biểu tình ở Hồng Kông bằng cách phong tỏa và “dưới chiêu bài virus”, thì ĐCSTQ đã thực sự muốn xóa sạch dân chủ ở Hồng Kông bằng một luật an ninh mới. Luật này sẽ cho phép các quan chức an ninh Trung Quốc tiếp cận các đường phố Hồng Kông, leo thang giám sát người dân Hồng Kông, và áp đặt một hệ thống điểm tín dụng xã hội, được thiết kế để đàn áp những người biểu tình và bất đồng chính kiến. Hành vi độc đoán này diễn ra sau vụ bắt giữ hồi tháng 4/2020, đối với ông Martin Lee, 81 tuổi, người sáng lập Đảng Dân chủ Hồng Kông; ông Jimmy Lai, chủ báo tin tức, và hơn 10 nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ nổi bật.
Cố vấn Navarro cho rằng trong tương lai nhiều khả năng ĐCSTQ sẽ tiến hành thêm nhiều hành động chính trị, kinh tế và quân sự, để khai thác một đại dịch mà chính hành vi xấu của họ tạo ra.
Tất nhiên, điều trớ trêu, theo cố vấn Navarro là việc ĐCSTQ hiện đang tuyên truyền một câu chuyện hoang đường, rằng sự cai trị độc đoán của Trung Quốc cung cấp một hệ thống quản trị cao cấp cho sự cai trị, với tinh thần thượng tôn pháp luật, dân chủ và tự do. Tuy nhiên, nếu các cuộc thăm dò dư luận là đáng tin tưởng, thì “không ai mua những gì ĐCSTQ đang bán”.
Kết thúc bài bình luận, vị cố vấn Nhà Trắng khẳng định: “Chúng ta ở Mỹ chắc chắn không mua nó. Chúng ta biết chính xác những gì ĐCSTQ đang mưu toan thực hiện”.
Theo Fox News
Duy Nghĩa dịch và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét