Mục điểm tin trong nước sáng ngày 1/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Không thể xác minh 'công trình người Trung Quốc xây dựng'
TP. Nha Trang vừa có quyết định thụ lý giải quyết các tố cáo của người dân về việc Chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bao che nhiều công trình xây dựng không phép trên địa bàn xã.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Bình - đại diện nhiều người dân ở xã Phước Đồng cho biết vào chiều hôm 31/5, theo Tuổi trẻ.
Những công trình xây dựng không phép nằm ở các khu vực miếu Tam Hổ, nghĩa địa thôn; bãi giữ xe Trung Quốc tại trạm trộn bêtông của Công ty Thanh Yến; trạm trộn bêtông của Công ty Hoàn Cầu đối diện miếu Cậu (trên đại lộ Nguyễn Tất Thành).
TP. Nha Trang cũng thụ lý giải quyết tố cáo "Công ty Hoàn Cầu lấp dòng chảy gây ngập lụt làm chết dân ở thôn Phước Hạ" và tố cáo bao che cho Công ty TNHH Vạn Hoa san ủi đất rừng, phân lô bán nền, xây tường cao 7m trên đầu khu dân cư, uy hiếp an toàn tại đường Trần Nam Trung, thôn Phước Hạ.
Tuy nhiên, đối với tố cáo về "các công trình không phép trên đại lộ Nguyễn Tất Thành (đoạn trên địa bàn xã Phước Đồng - PV) do người Trung Quốc xây dựng" và tố cáo "dự án san ủi đất rừng phân lô bán nền trái phép (ở thôn Phước Điền, gần nhà ông Bùi Cao Pháp - phó chủ tịch xã Phước Đồng)" không thụ lý giải quyết, vì "không có địa chỉ, chứng cứ tài liệu, người vi phạm cụ thể để thẩm tra xác minh" theo quy định của Luật tố cáo.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, Lê Văn Dẽ cho biết, vào tháng 12/2019, trên địa bàn xã Phước Đồng đã có 101 công trình xây dựng không phép.
Trong đó, có 7 nhà hàng, cơ sở kinh doanh vi phạm, xây dựng không phép, quy mô hàng ngàn mét vuông dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành, chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc.
Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét kiến nghị của mẹ tử tù Hồ Duy Hải
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Luật, vừa có văn bản số 2518/UBTP14, phản hồi đơn của bà Nguyễn Thị Loan (ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Theo đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Loan, đề nghị Ủy ban Tư pháp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử Hồ Duy Hải (là con trai bà Loan), bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Văn bản của Ủy ban Tư pháp cho hay “Ủy ban Tư pháp đang xem xét, xử lý đơn của bà theo quy định của pháp luật”.
Theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Việt Nam ‘làm rõ nghi vấn’ công ty Nhật ‘hối lộ’
Bộ Tài chính Việt Nam mới cho biết đã chỉ thị lập đoàn thanh tra để “làm rõ nghi vấn hối lộ” của công ty con đặt tại tỉnh Bắc Ninh của công ty Tenma Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, hôm 25/5 đã yêu cầu “thanh tra Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, “chi nhánh Việt Nam của công ty sản xuất sản phẩm nhựa Tenma đã chi tổng cộng khoảng 25 triệu yen [khoảng 5,4 tỷ đồng] cho các công chức địa phương” để được miễn truy thu thuế.
Tờ báo này của Nhật hôm 11/5 đưa tin “trưởng văn phòng của Tenma đã tự nguyện khai với Công tố viên ở Tokyo”.
Và đưa tin thêm rằng chủ tịch của Tenma “sẽ nhận trách nhiệm và hồi hưu tại cuộc họp của cổ đông vào tháng Sáu”.
Trước khi có nghi vấn hối lộ của Tenma Việt Nam, cơ quan tố tụng của Việt Nam đã từng dựa vào thông tin từ báo chí Nhật để phanh phui hai vụ nhận hối lộ của quan chức ngành giao thông trong khi làm việc với phía Nhật.
Đầu tiên là vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, nhận hối lộ trong vụ liên quan công ty Tư vấn Thái Bình Dương của Nhật Bản, còn gọi là vụ PCI, hồi năm 2010.
Vụ thứ hai xảy ra 5 năm sau đó liên quan tới 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Cty đường sắt Việt Nam nhận lót tay 11 tỷ đồng từ Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đầu năm nay công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2019, trong đó xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.
Năm 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm. “Xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 thể hiện cảm nhận mức độ tham nhũng cao nhất và 100 là mức độ tham nhũng thấp nhất, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều này cho thấy tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam”.
Theo một khảo sát trong năm 2019 được tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố đầu năm 2020, năm nhóm đối tượng bị xem là tham nhũng nhất ở Việt Nam gồm: cảnh sát giao thông (chiếm 30% bình chọn của người dân), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Nhiều cây xanh ven đường đang bị 'bóp nghẹt' bởi ximăng
Hiện nay cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang bị 'bóp nghẹt' do người dân bịt kín gốc bằng ximăng chỉ vì muốn tận dụng khoảng trống hoặc chỉ đơn giản là muốn không gian trước nhà sạch hơn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đáng lo ngại nhất là trên đường E6, số 8 (P.Tân Thuận Tây, Q.7) hàng loạt cây xanh ven đường bị phủ kín mít. Người dân tận dụng các khoảng trống dưới gốc cây cho việc buôn bán, kinh doanh. Một số cây nghiêng hẳn ra ngoài đường, có thể gãy đổ gây mất an toàn cho người đi đường.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - chuyên gia cây xanh đô thị - cho biết rễ cây được ví như bộ não của con người vậy, rễ quyết định việc phát triển của cây, nếu như bịt kín phần gốc sẽ dẫn đến tình trạng cây thiếu dưỡng chất và khó khăn trong việc tưới, chăm sóc cây. Lâu dần dẫn đến việc rễ cây bị yếu, giảm độ bám với đất, thân cây mục dần và chết.
Sau vụ cây phượng vĩ đổ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), một số trường đã đốn bỏ nhiều cây lớn, nhất là phượng vĩ. Sân trường bỗng trở nên ngột ngạt vì thiếu bóng cây.
Nhiều ý kiến cho rằng xử lý cây xanh không an toàn là tốt nhưng chặt vô tội vạ là không nên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét