Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Điểm tin trong nước sáng 8/6: ‘Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc’; Chất lượng không khí Hà Nội xấu vào ban đêm

Điểm tin trong nước sáng 8/6: ‘Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc’; Chất lượng không khí Hà Nội xấu vào ban đêm https://ift.tt/3eXOEYf

Mục điểm tin trong nước sáng ngày 8/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

'Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc'

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo, một thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, nói Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh Nhật có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng. Việt Nam phải khẩn trương "đặt lại toàn bộ" chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).

Theo Giáo sư Thọ: chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI), đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Từ 5-6 năm nay thế giới đã cảnh giác Trung Quốc có ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư và đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.

Giáo sư Thọ cho biết, ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.

Đang trong quá trình nâng cấp, đập tràn Đô Lương trên sông Lam bị vỡ

Theo VnExpress, Đang trong quá trình nâng cấp, đập tràn Đô Lương trên sông Lam bị vỡ, cuốn trôi 40 m đập tràn cũ, làm 7.800 hộ dân mất nước sinh hoạt.

Sự cố xảy ra lúc 21h ngày 6/6. Một nhân chứng kể lại, ban đầu từng mảng bê tông nhỏ bị cuốn, 10 phút sau thì cả tảng dài chục mét bị đẩy đi theo dòng nước. Tiếng nước ào ào đổ về hạ du, vòng xoáy rộng cả mét.

Đến chiều 7/6, hơn 10 m đập tràn cũ (đập Bara Đô Lương) nằm sát bờ sông có nguy cơ bị cuốn tiếp. Dòng nước vẫn chảy cuồn cuộn qua thân đập bị vỡ.

Dự án nâng cấp đập bara Đô Lương (thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An) có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu vốn JICA (Nhật Bản), Sở nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021.

Thêm 30 triệu khẩu trang y tế được xuất sang Mỹ

Hai chuyến bay charter chở 30 triệu khẩu trang y tế Việt Nam đã lên đường sang Bắc Mỹ vào đầu tháng 6, theo Zing.

Theo đó, lô hàng do hãng logistics ITL thực hiện xuất phát từ ngày 3/6 với 15 triệu chiếc khẩu trang y tế đầu tiên, quá cảnh tại Hong Kong trước khi đến Bắc Mỹ.

Chuyến bay charter thứ hai với 15 triệu chiếc khẩu trang còn lại cũng đã xuất phát từ Hà Nội đến Bắc Mỹ vào rạng sáng hôm thứ Bảy (6/6).

Doanh nghiệp này phối hợp với hãng hàng không AirBridge Cargo Airlines sử dụng 2 máy bay chở hàng lớn nhất thế giới hiện nay là 747-800 F.

ITL cho hay chính phủ Mỹ đang có nhu cầu 3 tỷ khẩu trang y tế đạt chuẩn và đã tìm đến Việt Nam để đặt mua. Trước đó, trong tháng 5, hãng logistics này đã vận chuyển 1,5 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân bằng tàu charter đến New York (Mỹ).

Chất lượng không khí Hà Nội xấu vào ban đêm

Tờ Kinhtedothi dẫn nội dung từ đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động cho thấy, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 tại TP. Hà Nội nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10 và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều. Đặc biệt vào đêm ngày 6 và sáng sớm ngày 7/6, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số CLKK một số trạm đã chạm ngưỡng rất xấu.

Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa. Ngoài ra một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải...

Khởi tố vụ hàng trăm giang hồ đập phá quán nhậu ở TP.HCM

Hôm chủ Nhật (7/6), báo Zing thông tin, công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giữ 15 người liên quan vụ đánh người, đập phá quán nhậu ở quận Bình Tân về tội "Cố ý gây thương tích và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Theo cảnh sát, tối 5/6, khoảng 200 thanh niên đi xe máy đến trước quán ốc ở phường An Lạc A, quận Bình Tân chửi bới. Sau đó, một số người trong nhóm này (mặc áo khoác màu cam) cầm dao tự chế, 3 chĩa xông vào quán đập phá bàn ghế và gây thương tích một người đàn ông 30 tuổi.

Sau khi gây án, nhóm người trên lên xe rời đi theo hướng về phường Bình Trị Đông B. Hiện tại, nhà chức trách đã tạm giữ hình sự 15 người liên quan đến vụ việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét