Mục điểm tin trong nước tối 11/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Việt Nam lên tiếng về công hàm của Mỹ liên quan đến Biển Đông
Trong họp báo thường kỳ chiều 11/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí về bình luận của Việt Nam trước việc Mỹ có công hàm gửi lên LHQ hôm 1/6 phản đối yêu sách chủ quyền nêu trong một công hàm của Trung Quốc tháng 12/2019 về Biển Đông, theo Dân Việt.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Bà Hằng nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế cũng như LHQ coi trọng việc các thành viên LHQ có quan điểm về các vấn đề quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Trước đó, hôm 1/6, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã ký công hàm gửi tới LHQ, trong đó nêu rõ, Mỹ khẳng định bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc dựa trên cái gọi là "quyền lịch sử" mà nước này đưa ra trong một công hàm của họ tháng 12/2019. Theo Đại sứ Mỹ, những yêu sách trên không phù hợp với luật pháp quốc tế như phản ánh trong Công ước Luật Biển LHQ 1982.
Tiếp đó, ngày 3/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông mà ông gọi là "phi pháp và nguy hiểm". Ông kêu gọi các nước thành viên đoàn kết và tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên biển.
Về thông tin Trung Quốc đang xây các đường cát ngầm liên quan đến đảo nhân tạo trên Biển Đông, Người Phát ngôn nói: Mọi hoạt động của các bên liên quan hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam và vi phạm chủ quyền Việt Nam là vô giá trị.
Chính thức được nhập lợn sống từ Thái Lan từ ngày mai, 12/6
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho Dân Việt biết, Bộ NNPTNT đã đồng ý với đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.
Ông Đông cho biết thêm, Cục Thú y và đại diện phía Thái Lan đã thỏa thuận xong mẫu chứng nhận kiểm dịch, đề nghị phía Thái Lan cung cấp mẫu kiểm dịch.
Lợn giết mổ không được sử dụng thức ăn có chất cấm, tiêm phòng các loại dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, được lấy mẫu xét nghiệm không quá 30 ngày và âm tính với dịch tả lợn châu Phi.
Được biết, đã có 8 doanh nghiệp Thái Lan có các trang trại chăn nuôi đủ điều kiện để nhập lợn sống sang Việt Nam, số lợn có thể thay đổi do nhu cầu của doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang Thái Lan sẽ tiếp tục đăng ký.
Người Trung Quốc chạy xuồng ra vào vùng biển Vạn Gia, Quảng Ninh
Người Trung Quốc thời gian qua ra vào vùng biển Vạn Gia (Quảng Ninh) bằng các xuồng cao tốc không có tên, số hiệu, biển kiểm soát hoặc mang biển kiểm soát giả, biển kiểm soát Trung Quốc. Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu tỉnh Quảng Ninh không để các hoạt động trên tiếp diễn.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trên vùng biển Vạn Gia thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua xuất hiện các xuồng máy được trang bị động cơ công suất 2-6 máy chạy với tốc độ cao. Các thuyền viên điều khiển đều mang quốc tịch Trung Quốc.
Một số xuồng hoạt động nhưng không có tên, số hiệu, biển kiểm soát hoặc mang biển kiểm soát giả, biển kiểm soát Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng hóa tái xuất, xuất khẩu (trong đó có thuốc lá, rượu ngoại).
Số xuồng này thường xuyên neo đậu trên các vùng biển thuộc khu vực Vạn Gia, sau đó di chuyển vào vùng chuyển tải của cảng Vạn Gia để lấy hàng, khi có điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển số hàng trên quay trở lại Việt Nam để tiêu thụ.
Trong văn bản có đoạn viết: “Hoạt động của các xuồng và thuyền viên người Trung Quốc trên vùng biển Vạn Gia, Quảng Ninh rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia trên biển, có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Thanh Niên, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia ( Quảng Ninh), cho biết thời gian trước đây có tình trạng xuồng máy của người Trung Quốc lén lút hoạt động. Thế nhưng, từ khi xảy ra dịch Covid-19, tuyến biên giới được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động giao thương cũng tạm dừng. Hiện, vùng biển Vạn Gia tình hình vẫn được kiểm soát.
Đường 'Nhuệ' bị đề nghị truy tố khung 7 năm tù
Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, ngày 11/6, Công an TP. Thái Bình cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") về tội Cố ý gây thương tích khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Theo đó, Đường “nhuệ” được xác định có hành vi cố ý gây thương tích đối với anh Mai Thế Duy (37 tuổi, trú phường Trần Lãm, TP. Thái Bình).
Đường “nhuệ” bị đề nghị truy tố do đã có hành vi đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm cách nay gần sáu năm.
Cụ thể, năm 2014, bà Đinh Thị Lý có khúc mắc tiền bạc với một phụ nữ ở Hà Nội. Đường “nhuệ” đã đứng ra o ép bà Lý để đòi tiền.
Sáng 18/11/2014, bà Lý cùng con trai là Mai Thế Duy ra trụ sở Công an phường Trần Lãm để làm việc. Tại đây, Đường “nhuệ” và nhóm đàn em đã đóng cửa phòng, chửi bới và đánh hai mẹ con bà Lý khiến anh Duy bị vỡ xương hàm mặt cầu lồi bên phải.
Ngày 5/1/2015, Công an TP. Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích để điều tra.
Tuy nhiên, sau nửa năm điều tra, ngày 5/7/2015, ông Cao Giang Nam (Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Bình) lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do đã hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can trong vụ án.
Vụ án bị chìm xuồng suốt năm năm qua. Sau khi Đường "nhuệ" bị bắt trong vụ cố ý gây thương tích khác, ngày 14/4, Công an TP. Thái Bình đã huỷ quyết định tạm đình chỉ điều tra, đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra vụ án.
Ngày 21/4, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với Đường về tội cố ý gây thương tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét