Ý tưởng "trói tay cảnh sát trên toàn nước Mỹ" đã nhận được sự chỉ trích từ đông đảo các thành viên hàng đầu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Phong trào đòi "trói tay cảnh sát" trên được đưa ra trong bối cảnh xảy ra những cuộc biểu tình ở nước Mỹ theo sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Theo Washington Times, ý tưởng này được thúc đẩy bởi hai thành viên đảng Dân chủ là Dân biểu Ilhan Omar của bang Minnesota và Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của thành phố New York.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mạnh mẽ chỉ trích ý tưởng nhằm làm suy yếu quyền hành pháp của cảnh sát Mỹ, ông nói: “Sẽ không có chuyện trói tay cảnh sát. Sẽ không có chuyện giải tán cảnh sát của chúng ta".
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden cũng lên tiếng phản đối ý tưởng "trói tay" này. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, ông Biden nói: “Tôi không ủng hộ việc trói tay cảnh sát. Tôi ủng hộ cấp các điều kiện thuận tiện cho cảnh sát dựa trên việc liệu họ đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản nhất định về đạo đức nghề nghiệp và danh dự hay không”.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng bác bỏ ý tưởng ban đầu được vài thành viên Dân chủ cổ súy.
Tới nay, ý tưởng trói tay lực lượng hành pháp nhận được sự phản đối của hầu hết các cử tri và phần nào cho thấy nó gây ra sự phản tác dụng và có thể làm lu mờ "dự luật cải cách cảnh sát" mà đảng Dân chủ đưa ra hôm 8/6.
Lãnh đạo đa số Thượng viện, Thượng nghị sĩ McConnell hôm 8/6 cho biết: "Chúng tôi nhận thấy những lời kêu gọi kỳ quặc như "trói tay" hoặc "giải tán lực lượng cảnh sát" đã bắt nguồn từ tầng lớp lãnh đạo cánh tả”; Chủ tịch Nhóm nghị sĩ da màu tại Nghị viện Mỹ, Karen Bass nói với CNN rằng bà “không thể tin được là nên giải tán các sở cảnh sát”; Thượng nghị sĩ Ted Cruz viết trên Twitter: “Đảng Dân chủ kêu gọi cắt giảm ngân sách hoặc giải tán cảnh sát là hành động dốt nát, nếu nó được ban hành nó sẽ khiến nhiều người Mỹ mất mạng”.
Phong trào đòi trói tay cảnh sát bắt đầu sau cái chết của George Floyd, một người gốc Phi, ông này thiệt mạng trong khi bị cảnh sát khống chế. Thời điểm đó, George Floyd bị bắt vì bị nghi dùng một tờ 20 USD giả để mua thuốc lá tại một cửa hàng. Viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin đã ghìm Floyd xuống đất bằng đầu gối ghì trên cổ, Chauvin phải đối mặt với tội giết người cấp độ hai và tội ngộ sát cấp độ hai. Ba trong số các sĩ quan khác liên quan bị truy tố với tội danh nhẹ hơn.
Theo Epoch Times, hệ tư tưởng núp sau phong trào đòi trói tay cáo buộc "các sở cảnh sát trên toàn quốc phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống".
Trong một phần hỏi đáp trên Reddit hôm 8/6, Kailee Scales, giám đốc điều hành của Black Lives Matter (một phong trào bắt nguồn từ cộng đồng gốc Phi), nói rằng, lời kêu gọi trói tay cảnh sát dựa trên việc các tổ chức trị an hiện đại có nguồn gốc từ việc bắt giữ nô lệ. Kailee Scales cho rằng những hệ thống này được tạo ra để săn lùng, bắt bớ và giết chết người da đen và là kết quả của thái độ kỳ thị người da đen trong hàng thế kỷ đã được quy thành luật.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/4 số người thiệt mạng trong các cuộc đối đầu với cảnh sát vào năm 2019 là người da đen. Tỷ lệ này ít hơn nhiều so với con số người da đen bị giết chết bởi những tội phạm da đen. Người Mỹ gốc Phi chiếm 13% dân số Hoa Kỳ, chiếm hơn một nửa số tội phạm giết người ở Mỹ, và đã thực hiện khoảng 60% vụ trộm cướp trong cùng một năm, theo Heather Mac Donald, thành viên của Viện Manhattan và là tác giả của “Cuộc chiến chống lại Cảnh sát”.
Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr bác bỏ ý kiến cho rằng các sở cảnh sát có sự phân biệt chủng tộc. “Tôi nghĩ rằng vẫn có sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ, nhưng tôi không nghĩ rằng hệ thống thực thi pháp luật phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét