Một thượng nghị sỹ Australia kêu gọi nước này nên đánh thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc và cân nhắc phương án thu giữ tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc để đáp trả Bắc Kinh về trách nhiệm gây ra dịch viêm phổi toàn cầu COVID-19.
Hãng tin Australian Associated Press (AAP) sáng nay (17/6) đưa tin người đưa ra lời kêu gọi này là bà Concetta Fierravanti-Wells, thượng nghị sỹ thuộc đảng Tự do, người từng giữ một chức bộ trưởng trong chính phủ của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull.
AAP trích lời thượng nghị sỹ Concetta nói với Quốc hội rằng Australia cần áp dụng công cụ đánh thuế để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bà Concetta nói: "Tất nhiên, điều này sẽ tác động hơn nữa đến mối quan hệ [giữa hai nước], nhưng khi xét đến các mối đe dọa mà ĐCSTQ đang gây ra với nước Úc trên nhiều lĩnh vực, thì rõ ràng tác động đó chả là gì".
Thượng nghị sỹ giải thích: "Không có người Úc nào không bị ảnh hưởng bởi những hành động cẩu thả của ĐCSTQ. Do đó, cứ việc yêu cầu Trung Quốc bồi thường thôi".
Theo kế hoạch đòi bồi thường của bà Concetta, các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, trong đó có cảng Darwin, có thể sẽ bị chính phủ Úc thanh lý hoặc tịch thu.
Cảng Darwin nằm ở phía nam Australia, bị chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc cho Trung Quốc thuê 99 năm với giá 506 triệu đô la Úc. Công ty thuê cảng này là Tập đoàn Lam Kiều (Landbridge), có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, thuộc sở hữu của ông Hiệp Thành (Ye Cheng), một tỷ phú có quan hệ thân cận với chính quyền ĐCSTQ. Theo AAP, thượng nghị sỹ Concetta tin rằng Úc nên hủy bỏ hợp đồng cho thuê cảng vì thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nữ nghị sỹ kêu gọi chính phủ Úc xem xét các động thái cứng rắn hơn trên trường quốc tế để đối phó với Trung Quốc.
Bà Concetta nhận định: "Trên bình diện tập thể quốc tế, trong bối cảnh mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa các thành viên Five Eyes (một liên minh tình báo gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh Quốc và Hoa Kỳ), cũng như những phát biểu của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo về việc Trung Quốc phải trả giá, thì chúng ta cần xem xét phương án hành động quốc tế".
Trước đó, Australia đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về dịch virus corona, bất chấp những lời đe dọa từ Bắc Kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét