Với những tình tiết còn mâu thuẫn trong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước kết tội ông Lương Hữu Phước, cùng dòng trạng thái "Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ". Đặc biệt là việc ông Phước tự tử vì cho rằng mình bị xử oan thì vụ án này chưa thể khép lại, theo Vietnamnet.
Theo hồ sơ vụ án, trưa 15/1/2017, ông Lương Hữu Phước (52 tuổi, ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) được người bạn mời đến nhà ăn cơm, trong số khách mời có ông Trần Hữu Quý (36 tuổi). Trong bữa cơm, ông có uống 3 ly rượu. Sau khi tàn cuộc, cả nhóm rủ nhau đi hát karaoke. Trước khi đi, ông Phước chở ông Quý về nhà lấy mũ bảo hiểm.
Lúc đến trước nhà ông Quý trên đường Nguyễn Huệ, ông Phước dừng lại, rồi rẽ trái sang đường. Khi xe ông Phước đến phần đường chiều ngược lại thì bị xe máy do Lâm Tươi (20 tuổi) chở anh rể đâm phải, khiến ông Phước và ông Quý bị thương.
Qua kiểm tra của Công an, Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe; đo nồng độ cồn của ông Phước 0,69 mg/l khí thở; của anh Lâm Tươi 0,57 mg/l khí thở. Hai ngày sau, ông Quý tử vong do chấn thương sọ não.
Tháng 5/2017, ông Phước bị Công an TP. Đồng Xoài khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn Lâm Tươi bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng.
Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 1, đã hủy bản án sơ thẩm lần 1 do có tới 11 điểm thiếu sót trong điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong đó có một chi tiết rất quan trọng là không có vết thắng (phanh) xe của Lâm Tươi.
Ngày 6/12/2019, TAND TP. Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, giữ nguyên mức án 3 năm tù với ông Phước. Không chấp nhận bản án, ông Phước tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 26/5 của TAND tỉnh Bình Phước, bị cáo Phước vẫn tiếp tục kêu oan, cho rằng mình qua đường đúng luật, đoạn đường thẳng, không có chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nên nguyên nhân gây tai nạn là do Lâm Tươi chạy tốc độ cao, quay đầu lại phía sau không quan sát.
Sau 3 ngày nghị án, sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Chiều 29/5, sau khi nghe tòa tuyên án, ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử.
Thẩm phán nói xét xử "công tâm" nhưng nhiều tình tiết chưa sáng tỏ
Trả lời trước báo giới, thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm khẳng định vụ án này xét xử công tâm, vô tư. Tuy nhiên, có nhiều tình tiết của bản án chưa được làm rõ.
Thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho rằng: “Công an và Viện kiểm sát TP. Đồng Xoài đã làm tất cả các biện pháp trong khả năng để khắc phục những thiếu sót mà bản án phúc thẩm đã nêu ra”.
Lập luận này của bà Chánh án chưa có sức thuyết phục, vì không nêu ra được những chứng lý cụ thể, có tính thuyết phục để làm sáng tỏ 11 điểm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vụ án mà tòa phúc thẩm lần 1 đã chỉ ra. Trong đó có nhiều tình tiết rất quan trọng có thể làm thay đổi bản chất vụ án:
1. Thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho rằng “Đúng là trong vụ án này, Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, do cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Tươi lúc xảy ra tai nạn và Tươi không lấn đường nên cơ quan điều tra không khởi tố Tươi. Do đó, không có việc bỏ lọt tội phạm”.
Nhưng khi “cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn” có nghĩa không thể khẳng định Tươi không điều khiển xe với tốc độ rất nhanh. Điều này đồng nghĩa không thể khẳng định Lâm Tươi không gây tai nạn, để kết luận “không có việc bỏ lọt tội phạm”. Vì đi quá tốc độ trong sử dụng phương tiện cơ giới là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Vì vậy, từ tình tiết này chưa thể khẳng định ông Phước là người gây tai nạn.
Theo khẳng định của vợ ông Quý, ngồi nhặt rau trước nhà, bà thấy chồng mình chồm lên vai ông Phước khi qua đường. Đồng thời bà cũng thấy Lâm Tươi quay mặt lại nói chuyện với người ngồi sau xe trước khi xảy ra va chạm. Tại các phiên tòa, ông Lương Hữu Phước cũng đã khẳng định điều này. Trong biên bản khám hiện trường không phát hiện có vết thắng (phanh) xe của Tươi, đây là chi tiết rất quan trọng để có thể khẳng định Tươi đã không làm chủ được tốc độ nên đã tông vào xe ông Phước với tốc độ cao.
Ông Phước cũng đã nhiều lần khẳng định trước tòa mình qua đường đúng luật, nguyên nhân gây tai nạn là do Lâm Tươi chạy tốc độ cao, quay đầu lại phía sau không quan sát phía trước.
Tại sao cả sao tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm bỏ qua lời khai của nhân chứng và lời khai của bị cáo (lời khai đó cũng phù hợp với biên bản hiện trường - xe Lâm tươi không có vết thắng), để khẳng định Lâm Tươi không gây tai nạn?
2. Thẩm phán Hạnh cho rằng qua điều tra, chúng tôi đã xác định được lỗi là do bị cáo Phước qua đường nhưng không quan sát. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo đã khai có quan sát và đã bật đèn xi nhan. Nhưng qua lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường, đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất. Nếu bị cáo quan sát kỹ thì không xảy ra va chạm.
Lập luận trên đây của bà Hạnh chưa thuyết phục. Thừa nhận “đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”. Nhưng hãy đặt tình huống Lâm Tươi điều khiển xe chạy với tốc độ rất nhanh như lời khai của ông Phước (khả năng xảy ra tình huống này rất cao, vì trong người Tươi có nồng độ cồn 0,57mlg/l khí thở, lại là người không có bằng lái, tức chưa học lái xe theo đúng quy định), không làm chủ được tốc độ và lao thẳng vào xe ông Phước. Trong tình huống như vậy, dù ông Phước có quan sát thì khó có thể tránh được một cú tông chí mạng.
3. Hội đồng xét xử nhận định lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mâu thuẫn. Theo lời khai của ông Phước, trước khi chuyển hướng, ông đã bật đèn xi nhan. Trong khi các nhân chứng Trần Thị Hằng, Trần Thị Kim Liên khai không thấy. Tại phiên tòa, chị Hằng, chị Liên khai không thấy chứ không khẳng định Phước không bật đèn. Nhưng kết quả điều tra cũng như trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm vẫn khẳng định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan.
Trong khi đó, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông không thể hiện vị trí công tắc đèn xi nhan, không ghi rõ tình trạng ổ khóa điện khởi động xe ở vị trí mở hay tắt (đây là tình tiết rất quan trọng, rất hiếm khi cán bộ điều tra bỏ sót). Vì vậy chưa đủ cơ sở để tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết luận khi sang đường ông Phước không bật xi nhan.
4. Trong biên bản đối chất tại phiên tòa, Lâm Tươi khai nhận khi xe cách 50m, anh ta nhìn thấy ông Phước dừng xe ở lề đường bên trái. Khi cách 30m, Tươi thấy ông Phước băng qua đường và "đi từ từ". Lời khai này rất mâu thuẫn với lời khai của chính Tươi về tình huống bị bất ngờ khi cách xe ông Phước 5m nên không kịp xử lý, để phương tiện tông xéo vào giữa xe của bị cáo. Trong khi đó, bị cáo Phước khai nhìn thấy xe Tươi đi tốc độ rất nhanh và ông Phước cùng nhân chứng (vợ ông Quý) đều khẳng định trước khi xảy ra tông xe, Tươi quay mặt lại nói chuyện với người ngồi sau xe mình.
5. Đặc biệt, cần xem xét người bị hại là ông Quý có lỗi hay không. Kết quả điều tra đã thể hiện khi ông Phước cho xe rẽ qua đường, ông Quý ngồi sau, chồm người ghì tay ông Phước (lời khai của nhân chứng - vợ ông Quý). Ông Phước cũng khai ông Quý chồm người ghì tay ông Phước. Vì vậy, không thể không đánh giá hành động này của ông Quý có ảnh hưởng hay không với việc điều khiển xe lúc sang đường của ông Phước.
Từ những tình tiết trên đây chưa thể khẳng định ông Lương Hữu Phước là thủ phạm gây ra vụ tai nạn. Vì vậy, trong vụ án này cần vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội (theo điều 13 bộ luật Tố tụng hình sự) đối với ông Phước.
LS Dương Vĩnh Tuyến - người bào chữa cho ông Phước, cho rằng bản cáo trạng của Viện KSND TP. Đồng Xoài không đúng với biên bản thực nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm ban đầu. LS cũng cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do Tươi chạy sai làn đường, bất ngờ rẽ trái và do Tươi đã uống rượu, lái xe với tốc độ cao nên đã tông vào xe của bị cáo.
"Sẽ còn bao nhiêu phận người chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?"
Vụ việc ông Phước tự tử tại tòa sau khi kêu oan đã gây rúng động dư luận Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội sáng 30/5 tràn ngập hình ảnh, thông tin và các bình luận về vụ việc.
Luật sư Lê Ngọc Luân: "Sẽ còn bao nhiêu phận người chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?"
"Là người làm nghề luật sư, đã trải qua và chứng kiến nhiều số phận oan nghiệt, cay đắng nhưng thú thật, hình ảnh ông Phước nằm co ro, chết không nhắm mắt ở sân toà khiến tôi ám ảnh và đau đớn."
"Ở toà án, đó là nơi mà bao con người chờ đợi, hi vọng một phán quyết công minh, tình người. Thế nhưng, ở nơi ấy, họ chọn cách… nhằm chứng minh cho sự oan ức và trong sạch của mình."
"Những người làm nghề luật sư như chúng tôi đây, nắm luật nhưng còn bị hành cho ra bả, nhiều lúc phải nhịn nhục chỉ vì giúp Thân chủ. Nếu là án dân sự, cương quá, ít 3 năm, 5 năm, dài thì 15, 18 năm… có khi chết xong đời con cháu vẫn chưa xong."
"Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu oan như ai oán cả trời đất nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là "nghị án" sau đó đọc ra bản án đã viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ."
"Chỉ khi nào Thẩm phán được độc lập thật sự và họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng."
"Viết ra điều này, tôi tin những NGƯỜI THẨM PHÁN đúng nghĩa, thương dân sẽ đồng cảm và đau đớn khi chứng kiến hình ảnh đau thương của đồng loại. Chắc chắn họ sẽ không ngủ được và ám ảnh như chúng ta. Nhưng không biết được bao nhiêu người đang suy nghĩ?"
"Bài viết là nhén hương thơm mà tôi muốn gửi đến ông Lương Hữu Phước - người đàn ông bất hạnh và khổ đau ở cõi trần gian."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét