Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Thủ Tướng nói ‘chạy được trước đại hội là một may mắn lớn’

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Thủ Tướng nói ‘chạy được trước đại hội là một may mắn lớn’ https://ift.tt/37cnBWx

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “hy vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”. Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố muốn dự án vận hành, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt.

Dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được ví như “khúc xương 13km”, “cục gân gà nuốt không trôi, bỏ thì tiếc”, 'như nhát dao chém vào lòng tin của người dân' dự án đường sắt đô thị trên cao này đúng là bài học đắt giá sau gần 10 năm triển khai mà vẫn đắp chiếu, trong khi Việt Nam vẫn phải gánh nợ, trả tiền cho phía Tổng thầu Trung Quốc.

'Chạy được trước đại hội là một may mắn lớn'

Báo Tiền Phong dẫn lời nội dung tại cuộc họp tổ Quốc hội chiều 8/6 bàn về tình hình kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các dự án trọng điểm quốc gia bị thua lỗ, trì trệ như 12 dự án của ngành Công Thương, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông…

Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho biết, vấn đề quan trọng nhất là an toàn thì đến nay chưa được bàn giao hồ sơ an toàn. Vì thế, các bên đang phải tích cực thảo luận để có thể giải quyết dứt điểm, và “hy vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”.

Vì sao dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa xong?

Cùng ngày, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi thông tin với báo chí về tiến độ dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng như hướng giải quyết hàng loạt vấn đề vướng mắc còn tồn tại ở “bảo tàng kinh nghiệm” này.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc vừa qua Tổng thầu EPC Trung Quốc yêu cầu Việt Nam thanh toán thêm 50 triệu USD (hơn 1.163 tỷ đồng) để đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thử, ông Huệ cho biết, bản thân ông không nắm rõ về vấn đề này vì chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT). Đây là chuyện trao đổi giữa Tổng thầu EPC Trung Quốc và Bộ GTVT.

Thông tin về tiến độ đánh giá an toàn của dự án, ông Huệ nói, hiện 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án đã được tư vấn Pháp chứng nhận, chỉ còn 1 chứng chỉ cuối cùng thì phải dựa vào kết quả chạy thử nghiệm, mà hiện còn phải chờ chuyên gia Trung Quốc sang.

Trả lời câu hỏi về vướng mắt lớn nhất khiến dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa hoàn thành, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho hay, điểm nghẽn lớn nhất chính là hiện nay, các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa có lịch sang cụ thể vì Covid-19. Ông Huệ cũng khẳng định, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.

Về vấn đề thanh toán chi phí, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, đúng hơn là vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.

'Như nhát dao chém vào lòng tin của người dân'

Là phát biểu đáng chú ý tại tổ ĐBQH TP. Hải Phòng của đại biểu Quốc hội, Nhà báo Thuận Hữu (Tổng biên tập báo Nhân dân) khi đề cập đến những vấn đề còn tồn tại khi Việt Nam mở cửa đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài cũng như rút kinh nghiệm từ hàng loạt dự án chậm tiến độ, đội vốn hàng ngàn tỷ, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Đại biểu Thuận Hữu dẫn chứng một số dự án như nhiệt điện Thái Bình “cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất một ôtô Toyota”. Hay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”, chậm trễ, đội vốn, cứ để như vậy dân bức xúc, “thà biến thành bảo tàng đường sắt” được báo Thanh Niên trích dẫn.

Cát Linh- Hà Đông: Khúc xương 13km

Dự án Cát Linh – Hà Đông là bài học quá đắt. Nhiều người ví von đường sắt Cát Linh – Hà Đông này là “khúc xương 13km”, “cục gân gà nuốt không trôi, bỏ thì tiếc” khi sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn đắp chiếu trong khi tiền đầu tư tiếp tục tăng.

Tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức vốn đã vọt lên 891,9 triệu USD.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05km, đi trên cao và có 12 nhà ga, 13 đoàn tàu. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào quản lý, khai thác vận hành.

Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Tuy nhiên sau gần 10 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây dựng nhưng vẫn chưa thể vận hành và nhiều lần lỡ hẹn khai thác. Cụ thể, tháng 7/2015, tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ đến giữa 2016.

Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu 2018.

Tháng 12/2016, Bộ GTVT trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư, nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10/2017. Nhưng mốc này cũng bị vỡ do việc vay vốn bổ sung 250 triệu USD của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc gặp trục trặc về pháp lý dẫn tới giải ngân chậm.

Tháng 5/2017, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị xử lý nhanh các vướng mắc, đặc biệt về vốn để dự án vận hành thương mại vào quý II/2018.

Đến tháng 12/2017, trong cuộc họp tiến độ, sau khi Ngân hàng Eximbank thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung, Bộ GTVT yêu cầu cuối 2018 dự án phải vận hành thương mại. Nhưng dự án vẫn không thể về đúng hẹn.

Mốc tiến độ tiếp tục được lùi lại sau khi vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018, chính thức vận hành tháng 4/2019 cũng đã bị phá vỡ. Như vậy, tính đến tháng 4/2019, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã 8 lần vỡ tiến độ.

Ngày 1/10/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm tại TP. Hà Nội đã nói sẽ khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm 2019. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, vẫn chưa có một thời hạn chính xác cho ngày chính thức đưa vào vận hành.

Đáng chú ý, dù liên tục chậm tiến độ song tiền đầu tư dự án lại liên tục tăng. Theo kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, dự án đã được điều chỉnh vốn từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng.

Bộ Giao thông vận tải cũng chưa chứng minh hiệu quả tài chính, kinh tế xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại. Chi phí dự phòng điều chỉnh theo quyết định của chủ đầu tư chưa xem xét yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của 3 năm liền kề.

Ngoài vấn đề tiến độ, phía tư vấn độc lập của Pháp còn đưa ra nhiều khuyến cáo về sự an toàn của tuyến đường sắt mà nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Trong khi đó, Tổng thầu thừa nhận “mất giấy tờ” khi không cung cấp được đầy đủ trong hồ sơ dự án mà tư vấn Pháp yêu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét