Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Nhờ trò chuyện với cô bé bán rau, người phụ nữ đã làm được một việc thật ý nghĩa

Nhờ trò chuyện với cô bé bán rau, người phụ nữ đã làm được một việc thật ý nghĩa https://ift.tt/2Y0kVGH

Nhịp sống hối hả khiến bạn lướt qua rất nhiều người hữu duyên trong cuộc đời mình. Hãy chậm lại một chút. Một chú xe ôm, một cô hàng nước, hay một em bé bán rau, họ có thể dành tặng bạn nhiều điều thật đẹp, và cũng có thể đang cần bàn tay giúp đỡ của bạn đó. Cuộc sống có ý nghĩa là bởi chúng ta biết quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Câu chuyện dưới đây sẽ là món quà nhỏ chúng tôi muốn gửi tặng bạn. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người phụ nữ trong chuyện, phải không nào? 

Mãi sau này, chị mới biết được vài điều về nó… Con bé đó học lớp 11. Mỗi tuần 2-3 lần, con bé từ Bãi Nai, Lương Sơn, Hòa Bình, đèo vài món đồ quê lặt vặt lên bán ở chợ đồ ăn thức uống gần nhà chị.

Trông nó thật hiền lành, toát lên sự chân thật và lương thiện. Khi bán hàng, nó nói vừa đủ với khách: rõ ràng, lễ phép, rất chu đáo, không có chút gì bẻn mép, đưa đẩy, hay cố tạo vẻ xởi lởi của những người chuyên được thuê để bán hàng.

Chị có thiện cảm với con bé nên thỉnh thoảng dừng lại mua cho nó một món gì đó. Một buổi sáng, trong lúc gói cẩn thận cho chị mớ tôm đồng trong lá sen to, chắc nó cảm thấy chị là người ân tình, nên buột miệng nói vui, điều mà nó chẳng có mấy cơ hội và cũng vốn tự không cho phép:

– Cháu muốn có một hôm được đi chợ như cô lắm.

– Ô, thế hàng ngày cháu vẫn đi chợ đấy thôi - Chị ngạc nhiên và nhẹ nhàng nói.

– Không ạ. Cô được cầm tiền đi chợ, được phục vụ, còn cháu phải chạy chợ để mang tiền về.

[caption id="attachment_1288564" align="aligncenter" width="549"] Ảnh minh họa (nguồn: Kiến thức).[/caption]

Chị hỏi nó:

– Cháu thích được người khác phục vụ à?

– Dạ không phải thế, mà cháu thèm được ai đối xử, nói năng nhẹ nhàng với cháu, dù cháu có thế nào, như những người bán hàng ở đây cư xử với khách ấy, cô ạ.

Ra thế, chị đã hiểu. Ở cái chợ này, chị đã chứng kiến khối người cũng tạm được gọi là ‘quý bà’ đến mua hàng, ăn nói gắt gỏng, trống không, mắng mỏ thô lỗ, vần vò món hàng, nâng lên đặt xuống, hách dịch cò kè vài đồng với mấy người từ quê lên bán hàng, nhưng đúng là chưa từng gặp cảnh đó, ngôn ngữ, thái độ đó ở những người bán cư xử với khách bao giờ.

Chị hỏi chuyện nó sâu hơn. Nó tâm sự: "Khổ nỗi, vì nhà cháu không có nhiều tiền nên chỉ gom được vài rổ quả, dăm mớ rau hàng xóm xung quanh tự trồng, đi đánh bắt cải thiện thêm ạ. Vậy nên mỗi tuần cháu mới lên được chợ đây đôi ba lần và chỉ có thể mang mỗi thứ một tí như thế này cô ạ. Nhưng cũng may, đỡ được tiền học của cháu".

Chị cảm mến con bé, khuyên: "Cô sẽ nói lại và cùng với những gia đình quanh khu nhà cô nữa, đưa tiền cho cháu trước, thường xuyên mua hàng cháu mang lên. Như vậy, cháu có thể trù liệu, gom được nhiều hàng hơn trong mỗi chuyến đi chợ, không phải bán hàng như đi câu cá thế này nữa. Cháu thấy sao?".

Con bé vui thích lắm, đáp: "Được thế đỡ khổ cho nhà cháu quá cô ạ, nhưng cô không cần ứng tiền trước cho cháu đâu. Hôm nay về cháu sẽ làm thế ngay. Người nhà quê chúng cháu không dám nhận tiền trước khi chưa làm gì, chưa có gì cho ai cô ạ".

Chị hỏi đùa nó: "Thế cháu không sợ cô nói mà không làm à? Giả sử cháu gom hàng lên rồi mà cô không ghé mua, cũng chẳng nhờ ai giúp ấy?".

Con bé ngước mắt lên, chớp chớp đôi mi, khuôn mặt toát lên vẻ tươi xinh, thánh thiện của một đứa trẻ, và có vẻ không bị xao tâm bởi cái điều có thể xảy ra ấy: "Ô thế ạ? Cháu cứ làm đúng và tốt đã cô ạ. Ở chợ này, cháu cũng đã tiếp xúc với nhiều người lắm. Gặp một người như cô mà vẫn xảy ra chuyện như thế thì cháu lại phải chấp nhận lọ mọ như trước thôi".

Nó cười bẽn lẽn, nói tiếp: "Người nhà quê chúng cháu, nếu hy vọng đổi đời, thì không phải là ngồi không ăn bám ai hết cô ạ. Gặp được người tốt, nghe họ mách cho mình cách khá lên rồi làm theo, vậy là quý hóa lắm cô ạ".

Sau đó, sự việc diễn ra đúng như hai cô cháu đã nói với nhau. Con bé làm rất tốt, có trách nhiệm và uy tín. Nó còn rủ được thêm hai phụ nữ trẻ cùng làng tham gia vào việc gom, gói từng mớ hàng quê từ rau củ quả sạch, tôm, cua, ốc tươi đến túi gạo... luân phiên mang đến tận từng hộ gia đình, cung cấp theo đơn đặt hàng trước của họ, nhiều khi nhận tiền sau. Chẳng bao giờ có hàng Trung Quốc kém chất lượng bị lẫn vào.

Công việc mới cần chạy tới chạy lui, mấy chị em bận rộn hơn là đứng mỏi chân một chỗ ngoài chợ, hóng khách hôm nắng, hôm mưa. Nhìn chúng lam lũ mà lúc nào cũng vui tươi, đon đả, chị cảm thấy vô cùng ấm áp. Một hôm, con bé gõ cửa nhà chị, đưa chị một túi quà quê nhỏ. Nó hào hứng khoe: "Cô ạ, bây giờ thì cháu không phải chạy chợ như trước mà đang làm một cái gì đó hay hơn thế nhiều rồi thì phải. Cháu có nhiều thời gian để học hơn. Đặc biệt, cháu đã được đi chợ như cô rồi ạ!".

Chị tạm biệt nó, trong lòng trào lên một cảm xúc hạnh phúc khó tả. Chị quay vào nhà, tiếp tục dạy con học: "Lao động để mưu sinh, nhưng mọi người giúp đỡ lẫn nhau trong lao động mới tạo ra ý nghĩa cuộc sống". 

Nguyễn Tất Thịnh

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Tại sao Pháp Luân Công lại phổ biến nhanh chóng ở Việt Nam?

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/tai-sao-phap-luan-cong-lai-pho-bien-nhanh-chong-o-viet-nam_3e2f1f1d4.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét