Phép màu rộng lớn vô bờ bến
Tính thẳng lòng ngay diệt đạo tà.
Tây du ký* kể về hành trình đến Tây Trúc thỉnh kinh của năm thầy trò Đường Tăng, mỗi câu chuyện đều thấm nhuần đạo lý, bồi đắp thiện tâm của con người, hướng về Phật Đạo. Những ai một lòng kính Trời, sửa tính tu tâm đều được thiện báo, còn những kẻ khinh Phật rẻ Thánh, rông rỡ làm càn đều bị trừng trị. Tuy nhiên có một lần, ba huynh đệ Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng nghịch ngợm, vứt tượng Tam Thanh (ba vị Thánh bên Đạo gia là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân) vào nhà xí mà không hề bị trách phạt. Chuyện này thật kỳ lạ!
Tây du ký kể rằng, sau khi Quán Âm Bồ Tát thu phục Hồng Hài Nhi, thầy trò Đường Tăng lại tiếp tục lên đường, vượt qua sông Hắc Thuỷ với sự trợ giúp của Long vương Thái tử Ma Ngang. Trải qua nhiều ngày tháng, gặp lúc tiết xuân, đoàn thỉnh kinh đến địa giới nước Xa Trì. Nơi đây, 29 năm trước, trời làm đại hạn, các nhà sư tụng kinh niệm Phật mà không cầu được mưa, bỗng đâu xuất hiện ba vị đạo trưởng biết hô phong hoán vũ, lại có pháp thuật chỉ nước thành dầu, luyện vàng từ đá… nên đoạt được lòng tín nhiệm của quân vương. Nhà vua lại tức giận cho rằng các hòa thượng là vô dụng, phá chùa đập tượng Phật, thu hết độ điệp, không cho về quê, rồi sai bắt họ phải làm việc cho đạo sĩ chẳng khác gì nô lệ.
Tôn Ngộ Không biết chuyện, vận thần thông giải thoát cho các hòa thượng, sau đó cùng họ về ngôi chùa duy nhất còn chưa bị phá để nghỉ ngơi. Tây du ký, hồi thứ 44 “Thần thông vận phép đun xe nặng, Tâm chính trừ yêu vượt cổng cao”, viết:
“Quãng canh hai, Tôn Đại Thánh thấy trong bụng bồn chồn thắc thỏm, không ngủ được, tai nghe văng vẳng đâu đây có tiếng chiêng trống, bèn rón rén trở dậy, mặc quần áo, nhảy lên không trung quan sát, nhìn thấy ở hướng chính Nam đèn nến sáng trưng. Hành Giả bèn hạ mây xuống thấp nữa nhìn cho kỹ, thì té ra là bọn đạo sĩ đang làm lễ nhượng sao ở quán Tam Thanh. Chỉ thấy:
Điện lớn linh khu
Tòa cao phúc địa
Điện lớn linh khu, vòi vọi nguy nga Bồng Lai cảnh
Tòa cao phúc địa, lấp ló thanh thanh Hoa Lạc cung
Hai bên đạo sĩ tấu đàn, sênh!
Phía trước một ngài cầm ngọc giản
Lầm rầm khấn tiêu tan tai nạn
Oang oang giảng giải đạo đức kinh
Phất trần phe phẩy thẩy truyền linh
Biểu tấu một phen đều phủ phục
Sớ dâng bùa phái, phiêu diêu rực rỡ cuộn trời xanh
Sắp xếp trăng sao, khói hương nghi ngút xông thượng giới
Trước án bày đầy hoa quả mới
Trên bàn đặt chật thức ăn chay
Trước cửa điện còn treo một đôi câu đối nền gấm chữ thêu sợi vàng, gồm hai mươi hai chữ lớn:
Mưa thuận gió hòa, nguyện chúc thiên tôn vô lượng pháp
Sông trong bể lặng, cầu mong vạn tuế thọ vô biên
Hành Giả thấy có ba đạo sĩ già khoác áo pháp sư, có lẽ là Hổ Lực, Lộc Lực và Dương Lực đại tiên. Bên dưới còn có tới bảy tám trăm đạo tràng đánh trống rung chuông, thắp hương đọc sớ, đứng hầu ở hai bên. Hành Giả mừng thầm nói:
– Mình định xuống quấy rối chúng một mẻ, nhưng “một cây làm chẳng nên non”, hãy về rủ Sa Tăng, Bát Giới cùng đến trêu một thể.
Đoạn hạ đám mây lành, đi thẳng vào phương trượng. Bát Giới, Sa Tăng đang gác chân lên nhau mà ngủ. Hành Giả gọi Ngộ Tĩnh trước. Sa hòa thượng tỉnh dậy hỏi:
– Sư huynh vẫn chưa đi ngủ à?
Hành Giả nói:
– Chú dậy đi, tôi và chú đi đánh chén.
Sa Tăng nói:
– Đêm hôm khuya khoắt, mắt mỏi miệng khô, có gì mà đánh chén?
Hành Giả nói:
– Trong thành có một tòa quán Tam Thanh, bọn đạo sĩ đang làm lễ nhượng sao tại đó. Trên điện có nhiều đồ cúng lắm: nào là bánh bao to bằng cái đấu, oản quả năm sáu mươi cân, xôi đậu nhiều lắm, hoa quả tươi nguyên, đi đánh chén với tôi đi!
Trư Bát Giới đang mơ màng, nghe thấy nói có thức ăn ngon, choàng ngay dậy, nói:
– Sư huynh ơi, em không được đi à?
Hành Giả nói:
– Chú em muốn đi chén, thì đừng quang quác lên làm sư phụ tỉnh giấc. Hãy đi cả với tôi.
Thế là hai người mặc quần áo, rón rén ra ngoài cửa, theo Hành Giả cưỡi mây bay đi. Chú ngốc vừa trông thấy đèn sáng, toan giở trò ngay. Hành Giả ngăn lại, nói:
– Hãy khoan, đừng vội, để họ cúng xong đã, rồi hẵng xuống.
Bát Giới nói:
– Họ đang làm lễ say sưa thế kia, còn lâu mới xong.
Hành Giả nói:
– Để tôi dùng phép thuật, họ sẽ phải ngừng thôi.
Đoạn bấm quyết, niệm chú, ngoảnh về phương đông nam hít một hơi rồi phun ra, lập tức một trận cuồng phong nổi dậy, gió vù vù thổi thốc vào điện Tam Thanh, khiến cho bình hoa, cây nến, đồ cúng trang hoàng bay tung hết cả. Đèn đóm tắt ngấm tối om. Đám đạo sĩ sợ hãi run rẩy.
Hổ Lực đại tiên nói:
– Các đồ đệ tạm lui. Trận gió này đi qua, thổi tắt đèn nến, làm đổ hương hoa. Cho mọi người lui về phòng nghỉ, sáng mai dậy sớm, đọc bù thêm mấy quyển kinh nữa cho đủ số.
Đám đạo sĩ ai nấy giải tán đi về.
Lúc ấy, Hành Giả bèn dẫn Bát Giới, Sa Tăng dừng mây hạ xuống, xông thẳng vào điện Tam Thanh. Chú ngốc bất kể sống chín, vớ luôn oản quả, phồng mồm nhai ngấu nghiến. Hành Giả rút gậy ra toan đánh. Bát Giới rụt tay, né qua nói:
– Chưa được nếm mùi vị bao giờ đã đánh!
Hành Giả nói:
– Chớ giở cái trò hạ tiện như thế, phải ngồi đàng hoàng, ăn uống lễ phép chứ.
Bát Giới nói:
– Không biết xấu hổ! Đã đi ăn trộm lại còn đàng hoàng lễ phép! Nếu được người ta mời thì còn lễ phép đến đâu!
Hành Giả hỏi:
– Ngồi trên kia là những vị Bồ Tát nào?
Bát Giới cười:
– Tam Thanh cũng chẳng nhận ra, lại bảo là Bồ Tát!
Hành Giả hỏi:
– Tam Thanh nào?
Bát Giới đáp:
– Vị ngồi giữa là Nguyên Thủy Thiên Tôn, ngồi bên trái là Linh Bảo Đạo Quân, ngồi bên phải là Thái Thượng Lão Quân.
Hành Giả nói:
– Phải biến ra hình dáng như thế mới nuốt trôi được.
Chú ngốc sốt ruột, lại ngửi thấy mùi thơm phưng phức, muốn ăn quá, bèn nhảy tót lên trên đài, lấy mõm dũi đổ tượng Lão Quân lăn xuống đất rồi nói:
– Thưa lão quân, ngài ngồi đây chán rồi, nhường lão Trư ngồi một tí.
Bát Giới biến ra Thái Thượng Lão Quân, Hành Giả biến ra Nguyên Thủy Thiên Tôn, Sa Tăng biến ra Linh Bảo Đạo Quân, họ đều đẩy đổ các bức tượng xuống đất. Vừa ngồi vào chỗ, Bát Giới đã vớ ngay chiếc bánh bao to chén liền.
Hành Giả nói:
– Hãy khoan đã!
Bát Giới nói:
– Sư huynh biến ra thế này rồi, lại không ăn còn đợi cái gì?
Hành Giả nói:
– Các chú em ạ, ăn là việc nhỏ, tiết lậu thiên cơ mới là việc lớn. Mấy pho tượng ta lăn xuống đất cả, lỡ có vị đạo sĩ nào dậy sớm quét nhà gõ chuông, vô ý va vấp phải, chả hóa ra tiết lậu thiên cơ là gì. Chú hãy giấu chúng vào một nơi đi!
Bát Giới thưa:
– Ở đây lạ nhà, sờ không thấy cửa, biết giấu vào đâu?
Hành Giả nói:
– Lúc tôi mới đến, phía bên tay phải thấy có chiếc cửa xép. Ở đấy uế khí nồng nặc, chắc là nơi “ngũ cốc luân hồi”. Chú hãy quẳng những bức tượng ấy vào đấy.
Chú ngốc cũng là người lực lưỡng, nhảy phắt xuống, vác ba pho tượng lên vai, bước tới chỗ tấm cửa nhỏ, lấy chân đá toang tấm cánh cửa, thấy té ra là gian nhà xí, bèn cười nói:
– Cái anh Bật Mã Ôn mũi lưỡi thế mà cũng khá! Phải đặt cho căn nhà xí này đạo hiệu là “trạm ngũ cốc luân hồi” mới được!
Chú ngốc vác ba pho tượng trên vai, vẫn chưa chịu quẳng đi, miệng còn lầm rầm cầu khấn:
Tam Thanh, Tam Thanh
Hãy nghe cho rành
Ta từ xa đến
Quen diệt yêu tinh
Muốn hưởng đồ cúng
Chẳng chỗ nào bình
Mượn nơi ngài ngự
Trong một vài canh
Các ngài đã ngồi lâu quá
Nay tạm xuống hố hôi tanh
Bấy nay hưởng nhiều đồ cúng
Làm người đạo sĩ anh minh
Bây giờ tạm xơi đồ thối
Trở thành thum thủm tiên sinh.
Khấn xong, ném ba pho tượng vào trong đến ình một cái, nước bẩn bắn đến nửa vạt áo, rồi chạy về điện”.
Khéo khen cho khiếu hài hước của Bát Giới, sự “lễ phép" của Ngộ Không, giờ thì tượng ba Thánh nằm trong hố xí cả rồi. Ba huynh đệ Ngộ Không đã quy y thiện quả, đối với các vị Thần Tiên thì đều kính trọng, vì sao ở đây lại phóng túng làm càn thế nhỉ?
Trước tiên hãy để ý câu hỏi của Tôn Hành Giả: “Ngồi trên kia là những vị Bồ Tát nào?”. Hành Giả xưa kia ở Thiên cung, biết mặt các vị Thần Tiên cả rồi, nhất là Thái Thượng Lão Quân thì lại càng là người quen cũ. Thế mà bây giờ chẳng nhận ra? Tôn Ngộ Không không giả vờ, không nói dối, tình tiết này vì thế nói lên rằng trên những pho tượng hương khói nghi ngút kia chẳng hề có pháp thân của Tam Thanh. Kỳ thực, những pho tượng Thần, Phật khi mới ra khỏi nhà xưởng thì chỉ là tác phẩm nghệ thuật thuần tuý, muốn mời được pháp thân của Giác Giả tới thì cần phải là bậc chân tu chí thành, chí thiện, thành kính khẩn cầu thì mới được. Còn những kẻ giả tu, hạng "hoà thượng CEO", đạo sĩ viết sớ thuê... thì không thể mời được Giác Giả tới. Mà đã không có pháp thân của Giác Giả trên đó thì pho tượng chỉ là... pho tượng, chẳng linh thiêng gì, ném vào nhà xí cũng không mắc tội vậy.
Tiếp theo, hãy quay lại câu nói của Hổ Lực đại tiên: “Cho mọi người lui về phòng nghỉ, sáng mai dậy sớm, đọc bù thêm mấy quyển kinh nữa cho đủ số”. Vậy là đọc kinh cốt cho đủ số là được ư? Lại nữa, các đạo sĩ này lập đàn tràng cầu mưa thuận gió hòa, quốc vương vạn thọ, giải nạn tiêu tai… vốn dĩ nên lấy điều thiện làm gốc, thế mà lại hành hạ các nhà sư vô tội, thì cầu với ai? Các vị Thần Tiên đều là bậc đạo cao đức trọng, sẽ không vì lễ vật rình rang mà bất chấp đạo lý, ban ơn cho những kẻ hành ác như vậy.
Người kính Đạo, trọng Đạo là để tu tâm dưỡng tính, phản bổn quy chân, nói lời chân, làm điều chân, từ đó tu thành Chân Nhân, hoặc ít ra cũng làm một người chân thật, thiện lương ở cõi trần. Ba vị “đại tiên" kia cũng bái lạy Tam Thanh, nhưng lời nói hành vi giả dối, bất thiện, quả nhiên cuối cùng đã bị Ngộ Không vạch trần bản chất là ba con thú thành tinh. Thế mới biết không thể nhìn vào hình thức tôn giáo, không thể dựa vào chút phép màu hiển linh, lợi ích hiện thực, để đánh giá đâu là chân Đạo. Yêu quái cũng có thể khoác áo tu hành, triển hiện kỳ tích, ban phát danh lợi, nhưng sùng bái chúng thì con người sẽ lạc vào ma đạo, cuối cùng thân tàn ma dại, đi đến huỷ diệt.
Thời nay, những ví dụ như thế có rất nhiều. Ví như “Miếu Bà nội” ở huyện Dịch tỉnh Hà Bắc rất đông khách, trong miếu này có thể tìm được tất cả các “Thần” mà người ta muốn bái. Muốn thăng quan thì ở đây có “Thần quan”; muốn phát tài thì ở đây có “Thần tài” toàn thân dán đầy tiền giấy; muốn học lên thì ở đây có “Thần học” trán hằn nếp nhăn. Nếu như muốn bảo hộ cho bản thân lái xe bình an thì ở đây thậm chí còn có “Thần xe” ôm cái vô-lăng. Nhân viên quản lý của Miếu Bà nội còn khoa trương: “Thiếu Thần Tiên nào thì làm thêm là có”. Trộm nghĩ, nếu Tôn Ngộ Không lạc vào đây cũng đành chỉ tay mà hỏi: “Ngồi trên kia là những vị Bồ Tát nào?”.
Kết cục “xuống hố hôi tanh” của ba pho tượng Tam Thanh cũng như kết cục phơi xương trắng hếu của ba đạo sĩ yêu quái thành tinh là một lời cảnh tỉnh: Cần phải dùng cái tâm trong sáng, vô dục vô cầu thì mới có thể gặp được Đại Giác Giả, chân chính đắc độ. Thơ rằng:
Thân người khó thoát gian truân
Chân truyền không gặp, luyện thần không nên
Dù cho tà thuật phép tiên
Nhưng không có thuốc bào nguyên trường tồn
U mê sao tới niết bàn
Tâm cơ uổng phí, mệnh toàn được đâu!
Ảnh minh họa: Phim "Tây Du Ký" 1986.
Video: Cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký, thế nhân mấy ai có thể tỏ tường?
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/canh-gioi-cao-nhat-trong-tay-du-ky-the-nhan-may-ai-co-the-to-tuong_b2063c406.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét