Khi tin tức về việc Mỹ sẽ sớm mở lại lãnh sự quán ở thành phố Vũ Hán được công bố, truyền thông Trung Quốc đã "mạnh dạn" đưa tin rằng, tốt nhất Hoa Kỳ đừng nên làm phiền Trung Quốc nữa.
Đây được cho là hành động leo thang mới nhất trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã căng thẳng về thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, tự do báo chí, đại dịch Covid-19 và gần đây nhất là các cuộc biểu tình tại Mỹ.
Vào ngày 10/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, ông Frank Witaker, tham tán công sứ về quan hệ công chúng của đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết trong một email rằng: "Ông Terry Branstad, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đang dự định nối lại các hoạt động lãnh sự ở Vũ Hán trong tương lai gần".
Trước đó, vào cuối tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã điều máy bay rút nhân viên lãnh sự quán và gia đình họ ở Vũ Hán về nước, sau khi chính phủ Trung Quốc áp lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán để ngăn Covid-19 lây lan.
Theo CNN, trong một thông báo được Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới Nghị viện Hoa Kỳ cho biết: "Tại thời điểm quan trọng này trong quan hệ Mỹ - Trung, điều quan trọng là các cơ quan ngoại giao ở Trung Quốc của chúng ta phải có nhân viên".
"Bộ đang có kế hoạch tiếp tục các hoạt động này trong hoặc xung quanh ngày 22/6, mặc dù lịch trình này có thể bị thay đổi nếu phát sinh các vấn đề", thông báo cho biết.
Theo tờ Breitbart, sau khi tin tức về việc Mỹ sẽ nối lại các hoạt động của lãnh sự quán tại Vũ Hán được công bố, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), tờ báo thuộc sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc hôm 10/6 nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đừng nên bỏ quá nhiều công sức vào việc mở cửa trở lại, vì cư dân mạng Trung Quốc đang nổi giận với những "vu khống" nhằm chống Trung Quốc của Mỹ và thấy không cần một lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Vũ Hán.
"Nhiều cư dân mạng Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ hãy kiềm hãm dịch virus corona trước khi đưa người Mỹ đến Trung Quốc và yêu cầu chính phủ Trung Quốc đưa những người Mỹ đến Vũ Hán vào sự cách ly nghiêm ngặt trong ít nhất 21 ngày và họ phải được xét nghiệm axit nucleic nhiều lần", tờ Thời báo Hoàn Cầu viết, nhưng “quên” thông báo cho người đọc rằng chính quyền Trung Quốc là nơi cuối cùng quyết định các chủ đề trên mạng xã hội ở nước này.
Trung Quốc được biết tới là một quốc gia kiểm soát chặt chẽ nội dung trên các mạng xã hội của họ, đặc biệt là WeChat và Weibo. Không có bài viết nào chống chính quyền Trung Quốc tồn tại lâu dài trên cả hai mạng xã hội này và nhiều người đăng những bài viết này nhanh chóng biến mất. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về điều này là vụ bắt giữ bác sĩ Lý Văn Lượng sau khi ông đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh viêm phổi lạ trên WeChat vào cuối tháng 12/2019. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận rằng chủng mới của virus corona xuất hiện ở Vũ Hán là bệnh lây truyền từ người sang người. Sau khi bị buộc phải đưa ra một lời xin lỗi vì “phát tán thông tin sai lệch”, bác sĩ Lý đã qua đời vào tháng Hai, được cho là do bị nhiễm Covid-19.
Khi Mỹ xảy ra các cuộc biểu tình bạo loạn, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã liên tục “hả hê” về sự đập phá của những kẻ biểu tình cực đoan, đồng thời lên án Mỹ là “phân biệt chủng tộc”, tuy nhiên lại "quên" mất rằng khoảng 1 tháng trước, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội trên toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi, vì sự phân biệt đối xử với người da đen ở thành phố Quảng Châu.
Vào thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, trong suốt tháng Tư và tháng Năm, người châu Phi tại Quảng Châu, Trung Quốc đã phàn nàn về việc họ bị chủ nhà đuổi khỏi nơi ở, phải xét nghiệm virus Vũ Hán nhiều lần mà không được thông báo kết quả, bị mọi người xa lánh và phân biệt đối xử. Các nhà hàng đưa bảng thông báo cho biết họ sẽ không phục vụ người da đen. Các khách sạn từ chối người da đen mặc dù họ có khả năng trả tiền phòng, dẫn đến trên đường phố Quảng Châu đầy những cư dân châu Phi phải ngủ trên mặt đất.
Các nhà ngoại giao, bộ trưởng và các quan chức từ khắp lục địa, bao gồm cả Liên minh châu Phi đã đả kích Bắc Kinh phân biệt đối xử với người da màu trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo lớn nhất Kenya từng đặt tiêu đề “Người Kenya ở Trung Quốc: Hãy giải cứu chúng tôi khỏi địa ngục”. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng phát những video cho thấy người châu Phi bị đối xử phân biệt tại Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét