Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Quán Thế Âm Bồ Tát thu phục Trư Bát Giới, ẩn ý thâm sâu là gì?

Quán Thế Âm Bồ Tát thu phục Trư Bát Giới, ẩn ý thâm sâu là gì? https://ift.tt/3d3O8q6

"Một ý nghĩ nảy sinh,
Cả đất trời đều biết.
Thiện ác mà không báo,
Thành ra thiên vị sao?"

Tây Du Ký* kể rằng, Quán Thế Âm Bồ Tát vâng mệnh Phật Tổ sang phương Đông tìm người đi lấy kinh, “phải đi trên mặt đường, không được đi tít trên tầng mây. Mắt cần phải để ý sông núi, ghi nhớ kỹ càng đường sá xa xôi thế nào mà ân cần dặn dò lại” cho người ấy. Trên đường, Bồ Tát lần lượt thu phục được Sa Ngộ Tĩnh, Trư Ngộ Năng và Tôn Ngộ Không. Sa Tăng và Ngộ Không có ngộ tính tốt, Bồ Tát nói đôi ba lời là nguyện ý tu hành ngay, riêng Bát Giới thì còn vặn vẹo lý lẽ, Bồ Tát phải dụng tâm thuyết phục mới thành. Cố sự Bồ Tát khuyến thiện Bát Giới có ẩn ý sâu xa, xin được cùng quý vị độc giả khám phá, chiêm nghiệm phần nào.

Tây Du Ký, hồi thứ tám viết rằng:

“Bồ tát từ biệt yêu quái xong, cùng Mộc Soa tiếp tục lên đường sang phương Đông. Đi được ít lâu, lại gặp một trái núi cao. Đỉnh núi ác khí phủ mù mịt, không sao trèo lên được. Hai người đang định cưỡi mây vượt qua, thì bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, một con yêu quái xông ra, hình thù rất hung dữ. Chỉ thấy:

Bèo cám bê bết quanh mồm,
Tai như chiếc quạt, mắt tròn vàng hoe.
Răng nanh nhọn hoắt gớm ghê!
Mõm dài há ngoác đỏ khè đến kinh.
Mũ kim khôi ánh lung linh,
Áo giáp lấp lánh, quanh mình thắt dây.
Đinh ba chín mũi cầm tay,
Bên vai lủng lẳng một cây cung dài.
Oai như Thái tuế trên trời,
Hiên ngang dữ tợn thần, người dám đương?

Yêu quái xông ngay tới, bất kể hay dở, phóng ngọn đinh ba đâm luôn Bồ tát. Mộc Soa gạt ngay ngọn đinh ba ra, quát lớn:

– Yêu quái khốn kiếp, chớ có vô lễ! Hãy nhìn cây gậy đây! 

Yêu quái quát lại:

– Hòa thượng muốn chết phỏng? Hãy nhìn ngọn đinh ba đây!

Hai bên xông xáo đánh nhau, tranh giành phần thắng ở ngay dưới chân núi. Trận đánh rất quyết liệt:

Yêu ma dũng mãnh, Huệ Ngạn tài năng.
Gậy sắt nhằm đầu bổ, Đinh ba nhè mặt đâm.
Gió cuộn bụi tung trời đất tối, Cát bay đá lở quỷ thần kinh.
Đinh ba chín mũi kêu xoang xoảng, Gậy sắt đen sì múa rập rình.
Một người là thiên vương thái tử, Một kẻ là nguyên soái thần linh.
Một người ở Phổ Già làm hộ pháp, Một kẻ xuống động núi làm yêu tinh.
Đánh nhau quyết liệt tranh cao thấp, Thắng bại hai bên khó đoán rành.

Hai người đang mải đánh nhau, Quan Âm đứng trên không trung ném bông hoa sen xuống, tách hai cây đinh ba và bảo trượng ra. Yêu quái thấy vậy, sợ hãi hỏi:

– Nhà ngươi là hòa thượng ở đâu mà dám tới đây giở ngón “Nhỡn tiên hoa” ra dọa ta?

Mộc Soa nói:

– Đồ quái vật người trần mắt thịt kia! Ta là đồ đệ của Bồ tát ở Nam Hải. Bông sen ấy chính do sư phụ ta ném xuống đấy, nhà ngươi không nhận ra sao?

Yêu quái nói:

– Bồ tát ở Nam Hải à? Có phải là đức Quán Thế Âm cứu khổ, cứu nạn phải không?

Mộc Soa nói:

– Không phải ngài thì còn là ai nữa?

Yêu quái nghe xong, vội vàng quẳng cây đinh ba, cúi rạp đầu xuống lạy, nói:

– Thưa lão huynh, Bồ tát đang ở đâu, phiền ngài dẫn tôi đến yết kiến!

Mộc Soa ngẩng đầu chỉ tay, nói:

– Ngài ấy kia kìa!

Yêu quái hướng về phía Bồ tát sụp lạy, nói:

– Kính xin Bồ tát tha tội! Tha tội!

Bồ tát từ trên đám mây hạ xuống, bước tới gần yêu quái hỏi:

– Nhà ngươi là con lợn rừng, lợn dại thành tinh ở đâu mà dám tới đây cản đường ta?

Yêu quái thưa:

– Tôi không phải là lợn rừng, cũng không phải là lợn dại. Tôi vốn là Thiên bồng nguyên soái ở Thiên Hà, do say rượu trêu ghẹo Hằng Nga, nên bị Thượng đế đánh cho hai ngàn roi, đày xuống hạ giới. Linh tính còn đi tìm nơi đầu thai, không ngờ lầm đường, chui lầm vào bụng con lợn nái, nên mới biến thành hình dạng xấu xí thế này. Tôi bực mình cắn chết lợn mẹ và cả đàn lợn con, chiếm ngọn núi này, ăn thịt người qua ngày. Không ngờ hôm nay phạm phải Bồ tát. Mong Bồ tát tha tội cứu vớt cho!

Bồ tát hỏi:

– Núi này gọi là núi gì? 

Yêu quái thưa:

– Núi Phúc Lăng ạ. Trong núi có một căn động, gọi là động Vân Sạn. Trước đây, động này do nàng Noãn Nhị Thư cai quản. Nàng thấy tôi có chút võ nghệ, mời làm gia trưởng, cho ở gởi rể luôn. Chưa đầy một năm, nàng chết. Cả cơ ngơi này đều thuộc về tôi. Ngày qua tháng lại, chẳng có cách gì nuôi thân, tôi đành lại ăn thịt người cho qua ngày như cũ. Muôn ngàn lần xin Bồ tát tha tội cho.

Bồ tát nói:

– Người xưa nói: “Muốn có tiền đồ, chớ bỏ lỡ tiền đồ”. Nhà ngươi đã phạm tội ở thiên đình, nay lại không chịu sửa lòng hung ác, gây tội giết người. Đó chẳng phải là hai tội đều đáng trừng phạt cả một thể ư?

Yêu quái nói:

– Tiền đồ với tiền đạc! Cứ theo lời ngài, bảo tôi nuốt gió mà sống ư? Người ta thường có câu: “Theo phép quan thì nhừ đòn, theo phép Phật thì đói mòn” là gì. Thôi thôi! Chi bằng cứ bắt người qua đường, ăn thịt những cô nàng béo nung núc, dù có bị hai tội, ba tội, nghìn tội, vạn tội cũng cóc cần!

Bồ tát nói:

– “Người có lòng thiện, trời cũng theo về”. Nhà ngươi chịu quy y chính quả ắt có chỗ nuôi thân. Đời có năm loài ngũ cốc, đủ để cứu đói, việc gì phải ăn thịt người mà sống?

Yêu quái nghe nói, như chợt tỉnh giấc mộng, nói với Bồ tát:

– Con muốn theo về đường ngay, nhưng hiềm vì đã mắc tội với trời, không kêu van được nữa!

Bồ tát nói:

– Ta vâng lệnh Phật tổ sang phương Đông tìm người đi lấy kinh. Nhà ngươi nên theo người lấy kinh làm đồ đệ sang phương Tây một chuyến, lập công chuộc tội, ắt sẽ thoát khỏi tai nạn.

Yêu quái mừng rỡ rối rít nói:

– Vâng ạ! Vâng ạ!

Bồ tát bèn xoa đầu thụ giới cho yêu quái, lấy đặc điểm thân hình đặt họ là Trư. Và đặt pháp danh là Trư Ngộ Năng. Từ đấy, yêu quái vâng lệnh quy y, ăn chay niệm Phật, đoạn tuyệt ngũ huân, tam yếm, một lòng đợi người đi lấy kinh”.

Trong lần gặp gỡ này, chính Bát Giới là người chủ động xin được yết kiến Bồ Tát, mong ngài cứu vớt khỏi biển khổ bến mê. Hình ảnh “Yêu quái nghe xong, vội vàng quẳng cây đinh ba, cúi rạp đầu xuống lạy” là một ẩn dụ sâu sắc. Có người nói Trư Bát Giới đại diện cho dục vọng, ham muốn của con người, ham sắc, ham ăn, ham ngủ, ham chơi…, đến cái vũ khí của hắn cũng là cái bồ cào, cái vật dùng để gạt mọi thứ về phía mình, càng thể hiện rõ cái sự tham lam của Bát Giới. Bát Giới nghe danh hiệu Bồ Tát thì lập tức quẳng cây đinh ba, phải chăng chính là quăng bỏ những dục vọng của chính mình, một lòng hồi tâm hướng Phật? 

Điều này cho thấy tuy phạm tội bị đày xuống trần gian, sống những ngày mịt mù u tối, nhưng Phật tính trong Bát Giới vẫn còn. Giới tu luyện có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”, cái thiện tâm, thiện tính, thiện niệm trong mỗi người chính là sợi chỉ níu giữ chúng ta với Thần Phật, là cơ sở để chúng ta đắc độ, quay trở về. Trong Tây Du Ký có trăm yêu nghìn quái, nhưng đa số chúng đều chịu kết cục bị tiêu diệt, nào phải Thần Phật chẳng từ bi, chỉ vì chúng chấp mê bất ngộ, mãi muốn làm yêu quái đó thôi. Tình cảnh bấy giờ của Bát Giới vô cùng ê chề, bi đát, chỉ nhờ một thiện nguyện ấy mà đã quay đầu, sau này trở thành Tịnh Đàn Sứ Giả của Như Lai.

Tuy nhiên, mới chỉ nghe Bồ Tát giáo huấn một câu, Bát Giới đã buông lời vô lễ:

“Cứ theo lời ngài, bảo tôi nuốt gió mà sống ư? Người ta thường có câu: “Theo phép quan thì nhừ đòn, theo phép Phật thì đói mòn” là gì. Thôi thôi! Chi bằng cứ bắt người qua đường, ăn thịt những cô nàng béo nung núc, dù có bị hai tội, ba tội, nghìn tội, vạn tội cũng cóc cần!”

Cái tâm nguyện ban đầu ấy đã bị dục vọng mạnh mẽ khuất phục mất rồi. Bát Giới lúc này chỉ quan tâm tới cái gọi là “thực tại” trước mắt, mà chẳng quản tới tiền đồ của sinh mệnh vĩnh hằng. Con người chúng ta, có bao nhiêu người cũng từng được nghe Phật Pháp, hiểu được đạo lý, nhưng rồi trước lợi ích “hiện thực” thì không buông bỏ được, không cam tâm chịu khổ, cuối cùng biết sai vẫn làm, nhắm mắt cho số phận đẩy đưa. Làm một sinh mệnh trôi dạt trong vòng xoáy luân hồi mà nói, nếu như không thể kịp thời tỉnh ngộ, phản bổn quy chân, thì sẽ tạo nghiệp ngày một sâu dày, cuối cùng đi đến huỷ diệt. Đau xót thay!

Một người tu Đạo xưa từng có bài ca thế này:

“Cầu danh tham lợi khắp thế gian
Chẳng như lão nạp Đạo nhân gian
Gà được cho ăn nồi đã sủi
Nhạn đồng không thóc vẫn an nhàn
Phú quý trăm năm đâu giữ nổi
Lẽ Đạo luân hồi vẫn tuần hoàn
Khuyên người sớm kiếm đường tu luyện
Đánh mất thân người vạn kiếp nan”.

Chính là để nói thân người khó đắc, Phật Pháp khó tìm, bây giờ không tu luyện thì còn đợi đến bao giờ nữa? Bát Giới sau khi nghe Bồ Tát khuyên giải thì như tỉnh giấc mộng, muốn cải tà quy chính, may sao Bồ Tát mở lượng hải hà, cho lập công chuộc tội. Nhà Phật có câu: “Quay đầu là bờ”, phải chăng cũng là ý đó? Trư Bát Giới quyết chiến với Huệ Ngạn hành giả, chữ “Ngạn” này nghĩa là bến, bờ, trong Phật gia hàm ý bến bờ giác ngộ, chi tiết này có ẩn ý thật sâu xa.

Bát Giới ban đầu nói “Cứ theo lời ngài, bảo tôi nuốt gió mà sống ư?”, cứ như thể làm người lương thiện thì không có cái ăn vậy. Nhưng về sau nghe lời Bồ Tát dạy bảo, “ăn chay niệm Phật, đoạn tuyệt ngũ huân, tam yếm”, đâu có cần ăn thịt người mà vẫn sống khoẻ đấy thôi? Thế mới biết lời lẽ khi xưa là ngụy biện cho dục vọng quá lớn, chứ nào phải đời sống khốn khó gì. Có lẽ vì thế mà sau này Đường Tăng đặt pháp danh cho Trư Ngộ Năng là “Bát Giới", nghĩa là "Tám giới cấm", bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, không ăn thịt, để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết kiềm chế dục vọng của chính mình. 

Thế giới hôm nay theo đuổi sự thoả mãn khôn cùng về vật chất, con người trong ấy càng dễ bị dục vọng trói buộc, phải chăng trong mỗi người chúng ta đều có một “Trư Bát Giới” ham ăn, mê ngủ, háo sắc, biếng làm? Câu chuyện Bát Giới tỉnh ngộ phá mê đáng để người đời sau tham chiếu, học hỏi.

Từ nhỏ sinh ra vốn vụng về,
Ưa nhàn lười biếng chẳng làm chi.
Chẳng thích tu tâm cùng dưỡng tính,
Hỗn độn, ngu si sống thỏa thuê.
Bỗng hôm nhàn nhã gặp chân tiên,
Hay dở đường tu, kể chuyện liền.
Khuyên hãy quay đầu, đừng trụy lạc,
Thương sinh thì sẽ chịu oan khiên.
Một sớm lâm chung về địa phủ,
Tám nạn ba đường chẳng lối lên.
Ta nghe đổi ý xin tu luyện,
Quyết chí vâng lời, học đạo tiên.

Ảnh minh họa: Phim "Tây Du Ký" 1986.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét