Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Nỗi thống khổ của ngư dân được hỗ trợ vốn đóng tàu bám biển bảo vệ chủ quyền

Nỗi thống khổ của ngư dân được hỗ trợ vốn đóng tàu bám biển bảo vệ chủ quyền https://ift.tt/2UPICRI

Sau những vụ tàu ngư dân bị Trung Quốc xâm phạm đâm chìm, nghị định 67 khuyến khích và hỗ trợ cho ngư dân vay vốn để đóng tàu đánh cá xa bờ, tham gia bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên sau nhiều năm, ngư dân dùng tàu đóng theo nghị định này luôn bị trục trặc hỏng hóc dẫn đến thua lỗ, nợ nần chồng chất.

Điển hình là vụ ông Nguyễn Văn Lý bị BIDV kiện ra tòa vì khoản nợ hơn 16,4 tỷ đồng.

Ngày 15/6, TAND TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho Thanh Niên biết, đang thụ lý vụ án dân sự theo đơn khởi kiện của Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) yêu cầu tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý (ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, H. Phù Mỹ, Bình Định) trả nợ theo hợp đồng tín dụng vay tiền đóng tàu vỏ thép.

Tháng 8/2015, ông Lý ký hợp đồng vay vốn của BIDV đóng tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Đến ngày 25/2, tổng dư nợ trong hợp đồng vay vốn của ông Lý hơn 16,4 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc hơn 13,2 tỷ đồng, lãi tạm tính hơn 3 tỷ đồng, còn lại là lãi trả chậm).

Theo ông Lý, cuối năm 2016, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn giao tàu vỏ thép BĐ 99004 TS nhưng tàu cá này liên tục bị hỏng máy móc, vỏ tàu bị gỉ sét… nên ông liên tục thua lỗ. Sau đó, tàu cá này phải nằm bờ để sửa chữa và đến tháng 3/2018 mới được Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sửa chữa xong. Tuy nhiên, việc đánh bắt của tàu BĐ 99004 TS vẫn bị thua lỗ, máy móc thường xuyên bị sự cố.

“Đánh bắt thua lỗ hoài nên kêu không ra người để đi biển, không có thu nhập thì họ nghỉ hết. Mới đây, hộp số của tàu lại hư hỏng, mua bảo hiểm tàu cá cũng chưa được nên tàu phải nằm bờ. Bây giờ nếu tòa xử thu hồi tài sản thế chấp là con tàu vỏ thép thì tôi cũng chấp nhận, chứ giữ lại mà đánh bắt thua lỗ hoài thì lãi mẹ đẻ lãi con biết lấy tiền đâu mà trả”, ông Lý nói.

Nhiều tàu cá vỏ thép mới neo tại cảng cá Đề Gi (Bình Định) chờ sửa chữa (ảnh chụp màn hình báo Người lao động).

Nhiều ngư dân tại Quảng Nam đã đóng những con tàu công suất lớn bám biển, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng chất lượng tàu không được đảm bảo mà để lại những khoản nợ lớn cho ngư dân.

Đóng tàu thép bám biển hay hư hỏng, trục trặc

Từng là niềm tự hào nhưng nay 2 chiếc tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng lại trở thành gánh nặng của chủ tàu. Những tàu cá vỏ thép này đã nằm bờ hơn 1 năm khiến gánh nặng nợ nần đè lên vai ngư dân.

Chỉ sau 10 chuyến biển, ông Trương Văn Chín (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đành cho tàu nằm bờ vì hiệu quả đánh bắt thấp, thu không đủ bù chi phí ra khơi. "Đánh bắt không có lãi nên không thể trả nợ ngân hàng. Sau 10 chuyến biển thì nợ chồng nợ không còn vốn ra khơi. Giờ tàu phải nằm đó, nợ ngân hàng chồng chất có bán tàu cũng chưa trả đủ", ông Chín cho Dân Trí biết.

"Giờ nợ không có trả thì lấy đâu ra tiền sửa tàu ra khơi. Mà ra khơi thì chắc gì có lãi hay lại thêm nợ nên đành cho tàu nằm bờ", ông Chín thở dài.

Tàu được hạ thủy năm 2016 và đây là con tàu vỏ thép đầu tiên được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn ra khơi tàu thường xuyên gặp trục trặc, đánh bắt kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ nên phải nằm bờ.

Về nguyên nhân, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu vỏ thép có vốn đầu tư rất lớn, tuy nhiên một số tàu gặp hư hỏng, mất ngư lưới cụ, hiệu quả đánh bắt thấp nên mất khả năng trả nợ.

Tại Quảng Nam, hưởng ứng chủ trương vay vốn nghị định 67 đóng tàu công suất lớn bám biển, nhiều ngư dân tại Quảng Nam đã đóng những con tàu hàng chục tỉ đồng. Nhưng tới nay, 50 trong tổng số 63 tàu cá đóng theo nghị định 67 đã để lại cả đống nợ cho ngư dân.

Vợ chồng ông Trần Công Chi và bà Lê Thị Tám (ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thỉnh thoảng lại có cán bộ ngân hàng cùng cán bộ xã tìm tới để nắm tình hình.

Ông Chi trình bày một loạt hồ sơ sổ sách vay nợ con tàu 820CV mang số hiệu Qna-94989 đang phải nằm bờ tại Đà Nẵng rồi nói rằng từ ngày vay ngân hàng đóng tàu, không khí trong gia đình ông nặng nề hẳn.

"Trước đây tôi đầu tư tàu gỗ nhỏ, mỗi chuyến ra biển ít cũng dư được vài chục triệu. Nhưng giờ đây mỗi năm đi 4 chuyến thì chỉ lãi… tiền hỗ trợ dầu. Tính ra từ khi mua tàu tới nay tôi đã lỗ trên 3,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn là phí tổn, tiền sửa chữa các hư hỏng con tàu" - ông Chi nói trên báo Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, theo ông Chi, từ ngày ra khơi, tàu gặp sự cố liên tục. Hệ thống bánh lái, ngư cụ trên tàu vận hành rất phức tạp và không hiệu quả khi anh em ra biển đánh bắt. "Mỗi lần như vậy tôi phải quay tàu về, vào trạm sửa chữa và không lần nào số tiền bỏ ra ít hơn 100 triệu đồng" - ông Chi nói.

Chất lượng đóng tàu kém khiến bảo hiểm không "mặn mà"?

Không có bảo hiểm, tàu của ngư dân không được phép ra biển. Không ra biển thì không có thu nhập, nợ đóng tàu không thể trả, một vòng luẩn quẩn đang gây khó khăn cho người dân bám biển.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Tại cuộc họp khẩn giữa ngư dân cuối năm 2019, các ngân hàng và công ty bảo hiểm để giải quyết các vướng mắc trong việc bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67, Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết đã có 28 tàu đóng mới theo nghị định 67 hết hạn bảo hiểm nhưng chưa mua được bảo hiểm, đang neo đậu tại cảng Đề Gi (Quy Nhơn, Bình Định).

Tại cuộc họp, ông Ngô Văn Chí, chủ tàu vỏ thép BĐ 99789 TS cho biết, tàu vỏ thép trị giá 18,7 tỷ đồng của gia đình ông đã hết hạn bảo hiểm, nhưng do không mua được bảo hiểm nên tàu không thể đi đánh bắt được, tiền nợ ngân hàng chưa biết lấy gì để trả.

"Nhà nước đã cho vay vốn đóng tàu mà lại không cho chúng tôi mua bảo hiểm, không được ra khơi đánh bắt thì chúng tôi lấy gì trả nợ cho Nhà nước" - ông Chí bức xúc.

Theo ông Phạm Văn Tận, chủ tàu BĐ 99668 TS, dù giá trị con tàu vỏ thép rất lớn nhưng khi bán bảo hiểm, công ty bảo hiểm lại loại phần ngư cụ ra không bán bảo hiểm. "Tổng giá trị thế chấp gồm cả con tàu và ngư cụ. Nếu loại ngư cụ ra, bảo hiểm sẽ thấp hơn giá trị tiền vay của ngân hàng. Điều này sẽ gây khó khăn cho ngư dân và ngân hàng khi xảy ra sự cố" - ông Tận nói.

Là chủ tàu đóng theo Nghị định 67 hết hạn bảo hiểm, ông Đỗ Hoa, ngư dân ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đã liên hệ với Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, đơn vị cung cấp bảo hiểm độc quyền cho tàu cá đóng theo Nghị định 67, để mua thì phía Công ty thông báo đã ngưng bán bảo hiểm cho tàu cá đóng theo Nghị định 67.

Không còn cách nào khác ông Hoa phải đi vay tiền để mua tạm thời 3 tháng bảo hiểm cho tàu cá từ Công ty Bảo Minh Bà Rịa-Vũng Tàu với chi phí hơn 30 triệu đồng. Đến nay, cũng đã đến hạn hợp đồng mua bảo hiểm với Bảo Minh. Do chưa có tiền mua bảo hiểm mới nên tàu của ông Hoa phải chịu cảnh nằm bờ.

Liên quan đến sự việc trên phía PJICO nói, qua quá trình thực hiện nhận thấy hầu hết các chủ tàu đều không đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chức danh thuyền viên được quy định. Chính vì vậy, phía Công ty bảo hiểm PJICO cho rằng, nếu tiếp tục cấp hợp đồng bảo hiểm sẽ rủi ro rất lớn khi có tổn thất xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét