Việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khuyến khích người dân Trung Quốc "bán hàng rong" sau đại dịch Covid-19 đã đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế Trung Quốc có thực mạnh mẽ. Sự ủng hộ của ông Lý thậm chí bị chính quyền Bắc Kinh phản đối, điều đó phần nào cho thấy nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có dấu hiệu lục đục.
Trong nhiều năm, các sạp hàng tạm bợ nơi lề đường cùng những người bán rong không nhận được sự đồng tình của giới cầm quyền Trung Quốc, khi trong mắt họ cảnh tượng đó đại diện cho sự hỗn loạn và lạc hậu khiến cảnh quan đô thị Trung Quốc nom nhếch nhác. Một nguồn gây mất vệ sinh công cộng, ô nhiễm tiếng ồn, các sản phẩm kém chất lượng và cản trở giao thông, không ăn khớp với một Trung Quốc có vẻ trỗi dậy hào nhoáng để trở thành một quốc gia giàu có và quyền lực.
Nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc sử dụng một lực lượng gọi là "thành quản" (chengquan) để xua đuổi những người bán hàng rong trên đường phố. Đội quân mang danh nhân viên quản lý đô thị này được báo chí Tây phương cũng như một số blog độc lập tại Trung Quốc gọi là "đám côn đồ".
Đám này trong khi truy đuổi những người bán hàng rong thường tỏ thái độ hung hăng gây náo loạn thậm chí dùng đến trấn áp bằng vũ lực, khiến họ biến chính mình trở thành một trong những công chức bị coi thường nhất trong hệ thống chính quyền Trung Quốc.
Như một bài báo có tiêu đề "Đám dân vệ côn đồ của Trung Quốc" (China’s Thuggish Para-Police) được Human Rights Watch xuất bản, chỉ cần vào Google gõ mấy chữ tiếng Trung Quốc: 城管打人 (thành quản đánh dân) là sẽ thấy hàng triệu kết quả về hiện tượng ấy.
Trong vài tuần qua, những người "bán hàng rong" đã quay trở lại đường phố Trung Quốc ở mức "đông hơn bình thường" khác với cảnh tượng họ bị xua đuổi trước đây, sau khi ông Lý Khắc Cường, nhân vật quan trọng thứ hai của chốn quan trường Bắc Kinh là người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho họ. Có thể chất xúc tác cho sự ủng hộ của ông là bởi đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc, nó khiến hàng chục triệu lao động rơi vào tai họa. Đề xướng của ông được ví như chiếc phao cứu sinh cho những người bị mất việc làm trong đại dịch, nhưng mặt khác, nó dấy lên câu hỏi liệu rằng nền kinh tế được cho là đứng thứ hai thế giới có thực sự mạnh mẽ như người ta vẫn gọi.
Những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề bán hàng rong đã thu hút sự chú ý về hoàn cảnh của ít nhất 600 triệu người dân nghèo và thu nhập thấp ở Trung Quốc, chưa kể gia tăng bất bình đẳng thu nhập vào đúng thời điểm bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang đánh bóng vị thế quốc tế của đất nước nhằm phô trương cơ bắp kinh tế để thúc đẩy các lợi ích của nó ở nước ngoài. "Bán hàng rong" đã mang tới những vấn đề chính trị cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo thường niên vào cuối tháng trước đã gợi mở rằng bán hàng rong đã giúp cho một lượng lớn thanh niên kiếm sống tốt ra sao, ông ca ngợi Thành Đô vì địa phương này gần đây đã cho phép mở 36.000 sạp bán hàng lưu động ven đường và tạo ra hơn 100.000 việc làm buổi tối.
Ông công khai nói rằng, trong khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân Trung Quốc có thể đạt trung bình 30.000 nhân dân tệ (4.200 USD), có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ, chỉ vừa đủ để thuê một căn hộ trong một thành phố hạng trung.
Các quan chức Trung Quốc thường kín như bưng về các vấn đề chính trị và Thủ tướng Trung Quốc chỉ tổ chức một cuộc họp báo cho các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế mỗi năm một lần, ngay sau khi bế mạc phiên họp toàn thể hàng năm của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Cuộc họp báo này được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia và quá trình diễn ra chặt chẽ theo kịch bản bởi chính quyền cố gắng hết sức để kiểm soát các bài phát biểu. Giới báo chí và người dân thường đại lục thường quan sát chặt chẽ và phân tích các ý kiến của các lãnh đạo về chính sách mới. Vì thế, sự tán thành của ông Lý cho những người bán hàng rong trong cuộc họp đã ngay lập tức châm ngòi cho các cuộc thảo luận hăng hái trên toàn quốc.
Sau đó, hàng chục thành phố ở Trung Quốc, bao gồm Nam Kinh, Trường Xuân, và Trường Sa đã đưa ra các biện pháp khuyến khích cho "gánh hàng rong" trở thành huyết mạch kinh tế đất nước.
Như cổ vũ cho "nền kinh tế" được xem là "cần câu cơm" sau đại dịch, đầu tháng này, trong chuyến đi tới Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ông Lý Khắc Cường còn ghé một sạp hàng vỉa hè ở Yên Đài hỏi han người chủ sạp.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang lục đục, vị thủ tướng Trung Quốc đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thẩm Quyến.
Tờ Nhật báo Bắc Kinh trong một bài báo nói rằng nền kinh tế bán hàng rong không phù hợp với Bắc Kinh. Việc cơ quan ngôn luận của chính quyền thủ đô đưa ra tuyên bố phản đối Thủ tướng Lý Khắc Cường là một dấu hiệu cho thấy những bất đồng đã trở nên công khai giữa các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ. Các nhà phân tích trước đó chỉ ra rằng ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần bày tỏ “bất mãn” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt trong các kỳ họp “Lưỡng Hội” vừa qua của Trung Quốc.
Riêng với ông Thái Kỳ, Bí thư thành ủy Bắc Kinh vốn là một đồng minh thân cận của ông Tập, ý tưởng khuyến khích bán hàng rong của ông Lý Khắc Cường có phần đụng chạm tới ông.
Vào tháng 11/2017 chính quyền ông Thái Kỳ gây xôn xao cả trong và ngoài nước khi giữa mùa đông đuổi hàng chục ngàn công nhân nhập cư khỏi nơi họ thuê trọ, dưới danh nghĩa "phá hủy công trình xây dựng bất hợp pháp và an toàn công cộng". Vụ trục xuất hàng loạt theo sau vụ hỏa hoạn một ngôi nhà chật chội với quá nhiều người ở khu vực Daxing ven rìa Bắc Kinh đã khiến 19 người chết và một số người bị thương, họ là lao động nhập cư và trong đó có 8 trẻ em.
Sau đó, các nhà phê bình đả kích các quan chức địa phương đã lấy cái cớ hỏa hoạn để dọn sạch những lao động nhập cư được dán nhãn "dân số hạ đẳng" như một phần trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa thành phố thủ đô.
Việc ông Lý Khắc Cường cho phép bán hàng rong sẽ khiến lượng người sống dựa vào đường phố đông đảo trở lại, nếu Bắc Kinh thuận theo ý Thủ tướng thì không khác nào đi ngược lại chính sách trước đó của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét