Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Chuyện hoa hậu: Người đẹp không chỉ ‘thắm sắc’, mà còn phải biết ‘thơm hương’

Chuyện hoa hậu: Người đẹp không chỉ ‘thắm sắc’, mà còn phải biết ‘thơm hương’ http://bit.ly/2GudfV3

Không dám nói về cái thời xa xưa, chỉ nói riêng trong thời cận đại được ghi chép lại đầy đủ này, thì chưa bao giờ những cuộc thi hoa hậu lại nhiều như hiện nay. Cái đẹp được tôn vinh, được chuẩn hóa và là thước đo hình thức cho biết bao cô gái. Thế nên giờ đây ra đường cũng nhìn thấy nhiều phụ nữ đẹp lắm rồi. Nhưng giữa rừng nhan sắc hiện đại, chắc nhiều người cũng như tôi, tiếc nhớ về những yểu điệu thục nữ năm nào.

Phụ nữ ngày càng đẹp nhưng cái đẹp không thể trọn vẹn khi chỉ diễn trên sân khấu

Hoa hậu bây giờ nhiều, phụ nữ đẹp cũng nhiều, ai cũng có thể trở nên đẹp hơn nhờ những bí quyết, công nghệ và sự đầu tư hợp lý. Nhưng cái đẹp về hình thể, dung nhan dù có được công nhận bởi một hội đồng chấm thi nào đó, nhờ lượng tin nhắn bình chọn nhiều khủng khiếp nào đó, cũng vẫn là thiêu thiếu sao đó.

Chắc là do nhan sắc được công nhận ngày nay không thể đại diện và truyền đi cảm hứng về hình ảnh một người phụ nữ đẹp thật sự. Nhan sắc sau khi được công nhận sẽ là bệ phóng cho những cô gái xinh đẹp bước vào làng giải trí hay theo đuổi sự nghiệp khác với những ưu thế vượt trội. Nhan sắc sau khi được công nhận sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho chủ nhân, cũng có thể mang lại một chút phúc lợi (phần nhiều là mang tính giải trí) cho xã hội, nhưng không mang lại điều gì cho các cô gái đang lớn ngoài tiêu chuẩn hình thức bị tuyệt đối hóa và khát khao nổi tiếng, thành đạt nhờ hình thức. 

Thiết nghĩ, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ, có được biết bao lợi lộc từ danh hiệu được tôn vinh, thì phải có trách nhiệm đối với hình ảnh mẫu mực về người phụ nữ đẹp trong phong thái và tâm hồn. Họ phải là người đầu tiên thực hành và duy trì những nét đẹp trong từng điều nhỏ nhặt nhất. Nó không phải là một sự cố gắng, giả tạo, mà thật sự là tự nhiên từ trong con người mình, là cái đẹp có giáo dưỡng và nội hàm.

Người đẹp không chỉ như hoa rực rỡ, mà còn phải có cả hương thơm, thơm cho bản thân mình, lại thơm cả cho vạn vật xung quanh, khiến ai ở cạnh cũng thấm đẫm mùi hương ấy mà mang theo bên mình đi muôn nơi. Như Khổng Tử xưa từng nói: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy”.

Ước gì những người đẹp sau các cuộc thi nhan sắc, có thể mang hương thơm của mình truyền lại cho các cô gái trẻ khác, rằng là yểu điệu thục nữ không chỉ cần đẹp về hình thức, mà còn ở thần thái và khí chất của mình. Đó không phải là điều có thể diễn trong vài chục phút trên sân khấu một cuộc thi, mà là nội hàm của con người hình thành từ tấm bé nhờ sự giáo dục tỉ mỉ, chi tiết.

[caption id="attachment_963495" align="alignnone" width="740"]Phụ nữ ngày càng đẹp nhưng cái đẹp không thể trọn vẹn khi chỉ diễn trên sân khấu Ước gì những người đẹp sau các cuộc thi nhan sắc, có thể mang hương thơm của mình truyền lại cho các cô gái trẻ khác... (Ảnh: youtube.com)[/caption]

Yểu điệu thục nữ không phải là yếu đuối mong manh, mà cũng là khí chất tỏa ra từ nội tâm vững chãi

Trong Tống thượng cung – Nữ luận ngữ viết rằng: “Hành mạc hồi đầu, ngữ mạc hiên thần. Tọa mạc động tất, lập mạc dao quần. Hỷ mạc đại tiếu, nộ mạc cao thanh”, nghĩa là khi đi không ngoái đầu lại, khi nói không bĩu môi. Khi ngồi không rung chân, khi đứng không rung quần. Vui cũng đừng cười lớn, giận cũng đừng cao giọng.

Nghe qua sẽ có nhiều người nói rằng giờ là thời đại nào rồi, sao còn gò ép phụ nữ vào những nghi lễ rườm rà. Rằng nam nữ bình quyền, nam giới sao thì nữ giới cũng vậy, còn câu nệ làm gì. Thật ra cái gọi là nam nữ bình quyền đó khi không xét trên những cấu tạo, đặc điểm, thiên chức riêng biệt của hai phái mà đòi hỏi nam sao nữ vậy thì chính là sự bất công chứ chẳng công bằng chút nào.

Người xưa nói “Nam tôn nữ ti” chính là ví nam cao vang, rộng rãi như Trời, nữ bao dung, chở che vạn vật như Đất. Mỗi giới một đặc điểm, một khí chất hòa với Thiên Địa, nhưng thể hiện những đặc tính đối lập như âm dương, như những tính chất khác nhau mà hình thành nên sự vận hành của vũ trụ.

Và dù có là giới nào thì đã là con người có giáo dục cũng cần thể hiện ra phong thái trong mọi hành vi, cử chỉ. Cái Lễ mà người xưa dạy cả người nam và người nữ, chẳng phải để gò bó, giới hạn con người ta, mà chính là để bảo vệ họ. Bởi khi có lễ nghĩa, hành vi cử chỉ đoan chính, phong thái cao sang, thì người ta sẽ trầm tĩnh hơn mà suy xét mọi vấn đề cho thấu đáo. Lễ nghĩa cũng là một cái phanh để giúp ta không vội vàng bày tỏ thái độ, vội vàng thỏa mãn dục vọng và sự bộp chộp, hấp tấp, giảo hoạt của mình.

[caption id="attachment_963498" align="alignnone" width="793"]Yểu điệu thục nữ không phải là yếu đuối mong manh, mà cũng là khí chất tỏa ra từ nội tâm vững chãi Vẻ đẹp chân chính và bền vững nhất lại đến từ tâm hồn, trải qua năm tháng nhưng vẫn tỏa hương thơm. (Ảnh: youtube.com)[/caption]

Thế nên sách dạy trẻ nhỏ xưa cũng viết rằng: “Bộ tòng dung, lập đoan chính, ấp thâm viên, bái cung kính, vật tiễn quắc, vật bả ỷ, vật ki cứ, vật dao bễ” – (Đệ tử quy), nghĩa là: Đi thong thả, đứng ngay thẳng, chào cúi sâu, lạy cung kính. Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng, chớ ngồi dang, không rung đùi. Đó là điều mà mọi đứa trẻ đều được dạy ngay từ tấm bé.

Đối với nam giới cũng lại có lời rằng: “Cổ chi quân tử ắt phục ngọc, quân tử vô cớ, ngọc bất ly thân”, nghĩa là quân tử thời xưa nhất định phải đeo ngọc bên người, nếu người quân tử không có lý do gì thì ngọc bất ly thân. Ý không phải khoe khoang sự giàu có, mà chính là dùng ngọc để nhắc nhở đức hạnh của mình cũng phải sáng đẹp như ngọc vậy. Ngọc bất ly thân, chính là để luôn nhớ phải tu dưỡng từ nội tâm tới hình thức bên ngoài, để bản thân mình càng thêm cung kính đúng mực, trầm ổn nho nhã như miếng ngọc đeo bên mình.

Với ai cũng thế, nữ giới cũng không ngoại trừ. Từ việc rất nhỏ như đi đứng nằm ngồi và lời nói cử chỉ phải có khí chất trầm tĩnh, phải làm được “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không phải lễ thì không nhìn, không phải lễ thì không nghe, không phải lễ thì không nói, không phải lễ thì không làm). Khi trong tâm quá vui hay quá giận, không đủ trầm tĩnh thì hành vi và hành động bên ngoài cũng sẽ không có được cảm giác tĩnh tại. Chỉ khi chú ý tu dưỡng bản thân, từ những điều cha mẹ dạy tưởng chừng như tiểu tiết vụn vặt, dần dần sẽ hình thành thói quen và tính cách ôn hòa, sâu sắc.

Trách nhiệm của người đẹp

Vẻ đẹp đoan trang của người phụ nữ thời nào cũng vậy, là vẻ đẹp trong từng động tác bước đi, cúi đầu, trong từng nụ cười, nét mặt dù có là để bày tỏ thái độ không đồng tình đi chăng nữa. Đó là vẻ đẹp điềm đạm, thanh tao, ung dung tự tại. Là vẻ đẹp trong cuộc sống, trong công việc và trong quan hệ giao tiếp chứ không chỉ là vẻ đẹp trên sân khấu rực rỡ sắc đèn hay mấy trang tạp chí long lanh. Và đã là “người đẹp” được xã hội công nhận, thì phải đẹp từ nội tâm tới hình thể, từ hành động nhỏ tới suy nghĩ lớn. Và đã là một hình tượng đẹp như vậy thì cần phải như cỏ chi lan tỏa hương tới muôn nơi.

[caption id="attachment_963502" align="alignnone" width="803"]Trách nhiệm của người đẹp Mong rằng những người đẹp không chỉ thể hiện vẻ đẹp của mình trên sân khấu rực rỡ hay những trang tạp chí long lanh. (Ảnh: youtube.com)[/caption]

Thế nên, tôi tiếc, vì những hoa hậu xinh đẹp, duyên dáng sau những cuộc thi lại có quá ít cơ hội để truyền đi nét đẹp đoan trang của mình để các cô gái trẻ nhìn vào mà học tập. Thay vào đó, đa phần các hoa hậu chỉ xuất hiện trong showbiz (nền công nghiệp giải trí), trên truyền hình, tạp chí, các sự kiện tên tuổi của các thương hiệu lớn… với váy vóc lụa là khoe được càng nhiều vẻ đẹp hình thể càng tốt. Hoặc thỉnh thoảng thấy các cô đi làm từ thiện mà những gì được quay và chụp lại rất hình thức, không thấy những lời trao đổi tâm tình, những quan điểm và kêu gọi cộng đồng, những cử chỉ nhỏ bé mà nói lên nội hàm một nữ nhân đoan chính, thiện lương.

Đã là người của công chúng, người có tiếng nói mạnh mẽ và sức truyền cảm lớn, thì những gì hoa hậu đang làm cho xã hội phải chăng là quá ít ỏi?

Giữa một rừng những người đẹp của các giải thưởng lớn nhỏ, những người đẹp không tước vị nhưng tràn ngập ngành giải trí và các trang báo, để thấy một nhành cỏ chi lan thật hiếm biết bao. Tất cả những người đẹp có tầm ảnh hưởng đó, nếu đều truyền đi thông điệp và cảm hứng về nét đẹp của khí chất dịu dàng, trang nhã, phù hợp với tiết tấu của thời đại mà vẫn ý vị thanh cao, thì xã hội thật được nhờ. Để lấy ví dụ dạy con bây giờ, người ta cứ phải dùng truyện xưa tích cũ, mấy ai bảo con hãy nhìn hoa hậu mà học tập đâu?

Thuần Dương

[videobottom id="2340"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét