Nâng một điểm thi đại học có thể hủy hoại cả xã hội? Nghe giống như việc một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão ở Texas vậy. Nhưng đó không phải là giả thuyết hay một hiệu ứng khó chứng minh, mà chính là nguy cơ và khả năng về sự sụp đổ có hệ thống của nền tảng đạo đức xã hội ngày hôm nay.
Chưa bao giờ mà sự vô lý và vô lối của các tệ nạn trong ngành giáo dục lại vượt quá ngưỡng có thể chấp nhận được như bây giờ: Từ việc nâng một vài điểm vớt vát thí sinh thiếu chút ít để đỗ đại học, cho tới việc đưa cả thí sinh bị điểm liệt lên làm thủ khoa những ngôi trường đào tạo lực lượng cán bộ cốt cán cho xã hội. Những người thầy tương lai dạy dỗ thế hệ trẻ, là đại diện thi hành pháp luật, là người bảo vệ trị an quốc gia… lại đi lên từ xuất phát điểm lừa lọc, dối trá, chà đạp lên lợi ích của những công dân trung thực khác.
Một sự sụp đổ có hệ thống
Dù chỉ là một điểm nâng lên bằng quan hệ hay tiền bạc, nhưng nếu không trả lại công bằng và những người liên quan không phải nhận bài học nào, thì niềm tin của xã hội sẽ bị lung lay. Một xã hội thiếu niềm tin là xã hội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất, bởi người ta không còn muốn và cũng không cần phải cố gắng đi cho chính con đường của mình.
Khi thiếu niềm tin, người với người sẽ nhìn nhau hằm hè, nghi kỵ, thậm chí coi nhau như kình địch, giẫm đạp lên nhau, dìm nhau xuống để tiến lên. Thay vì vui mừng và chúc phúc cho người thành đạt hoặc thành công hơn mình, họ sẽ có lý do để giải thích sự vượt trội của người khác. Và trong khi dè bỉu quyền lực và tiền tài của người khác, họ cũng lại mong muốn có được những thứ đó để khẳng định bản thân. Và kinh khủng hơn, trong một xã hội thiếu niềm tin, con người sẽ không còn muốn làm điều tử tế và sống cho thật ngay thẳng vì thấy chẳng có công bằng nào trong cuộc sống đầy bất công này.
[caption id="attachment_1128122" align="alignnone" width="750"] (Ảnh: Todayshotelier)[/caption]
Một việc làm sai được bỏ qua, một thí sinh chạy điểm tiếp tục được vào đại học, một vị phụ huynh không phải lộ danh phận vì hành vi chạy điểm cho con, một cán bộ nhà nước rút kinh nghiệm vì cấp dưới làm sai… nó sẽ tiếp tục sinh ra những con người gian dối, lười biếng và hám danh, hám lợi. Những con người đó sẽ lại bước vào lớp cán bộ thượng tầng trong xã hội, và với sự lệch lạc của mình, họ sẽ lệch dần lệch dần và dẫn dắt xã hội xa rời đạo đức nhân nghĩa.
Chúng ta đã quá khác so với ngày xa xưa
Cách đây 70 năm, học sinh đi học còn được học về bổn phận đối với xã hội:
“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’, tức là công bình; ‘Làm hay cho người’, tức là nhân ái…” - (Trích: Luân Lý Giáo Khoa Thư).
Người chỉ vì danh lợi mà chạy điểm hay mua bằng bán tước, chẳng phải chính là chà đạp lên quyền lợi của người khác hay sao? Cướp mất cơ hội của người khác thì càng chẳng thể “làm hay cho người” được, thế cũng là không có nhân ái. Người không thể làm tròn bổn phận đối với xã hội thì chẳng phải là thành phần có hại cho xã hội hay sao?
“…Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thường phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy…” – (Trích: Luân Lý Giáo khoa thư).
Đó là những điều trẻ em tiểu học xưa đã thuộc lòng. Và bởi những bài học đạo đức thiết thực như vậy được dạy dỗ nghiêm túc, nên học trò sẽ như “nước chảy đá mòn”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Dây nhỏ cưa mãi gỗ cũng phải đứt, con người ta ngấm dần mà trở nên có tự trọng, biết nghĩ tới người khác và có trách nhiệm với xã hội hơn.
“Ta cần phải có xã hội và xã hội đã giúp ta được nhiều công việc, thì ta cũng phải tìm cách mà trả nợ cho xã hội. Ta phải lưu tâm mà làm những việc ích lợi. Bất cứ làm nghề gì, đi cày hay đi buôn, làm quan hay dạy học, ta cũng phải dốc lòng làm cho hết cái chức trách của ta. Ta không nên thờ ơ chểnh mảng mà mang tiếng là lười nhác, không nên điên đảo giả dối mà mang tiếng là bất lương. Ta nên cố tìm cách canh cải mọi nghề nghiệp cho mỗi ngày một lương thảo hơn lên. Nghề của ta được tinh xảo, thì có ích riêng cho ta, mà lại lợi dụng cho cả xã hội nữa.” – (Trích: Luân Lý Giáo khoa thư).
Nếu thời nay trẻ em được học bài học cách đây mấy chục năm, còn người lớn thì lưu giữ và nhớ cách dạy lại con trẻ đồng thời cũng tự mình làm gương, thì mọi ngành nghề trong xã hội đều phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Ai ai cũng nghĩ việc mình làm không chỉ đem lại lợi cho mình mà còn là làm lợi cho xã hội. Học sinh đi học thì chú tâm học hành cho tốt, thầy giáo đi dạy thì có trách nhiệm với thế hệ tương lai, công chức đi làm thì nghĩ cách giúp người dân có đời sống thoải mái, thuận tiện hơn... Ai làm nghề gì cũng chỉ nghĩ cách cải tiến kỹ nghệ, tay nghề để đem lại lợi ích cho cả mình và người, thế thì làm gì có câu chuyện buồn của ngày hôm nay?
Nhưng ngược lại, người ta đi làm chỉ là để kiếm nhiều tiền, thật nhiều tiền. Ngành nghề nào ra tiền thì phải cố mà vào, chỗ nào có chức có quyền thì phải cố đạt tới, đạt tới rồi thì phải tận lực mà sử dụng hết cái lợi thế của ngành nghề đó, của vị thế đó. Tất cả là vì lợi ích của mình mà vắt kiệt, bòn rút, cướp trắng lợi ích của người khác.
[caption id="attachment_1128121" align="alignnone" width="871"] Thi cử không trung thực, dựa quyền thế để làm điều sai cũng bởi không có câu thúc về trách nhiệm với xã hội. (Ảnh minh họa: Vetref)[/caption]
Tất cả cũng bởi người ta đã quá xa rời những giá trị đạo đức phổ quát nhất của nhân loại: Là sự chân thành, chính đáng trong mọi việc mình làm (Chân), là lòng nhân ái biết nghĩ đến người (Thiện), là sự khoan dung lẫn nhau để cùng hướng tới sự tử tế (Nhẫn). Thay vào đó, chúng ta chấp nhận và để cho văn hóa lừa lọc dối trá tung hoành (Giả). Việc chà đạp lên lợi ích của người khác trở thành sự mạnh mẽ, lanh lợi, thức thời (Ác). Và khi có mâu thuẫn xảy ra, chúng ta đối với nhau và giải quyết vấn đề bằng văn hóa chiến đấu, đố kỵ, mạt sát, đấu không chỉ vì lợi ích, mà còn là lấy việc hủy hoại nhân cách của đối phương làm mục tiêu (Đấu). Như thế, Giả thay thế cho Chân, Ác lấn át cả Thiện, Đấu chứ không cần Nhẫn. Giá trị phổ quát đảo lộn cả rồi, đến ngay cả mảnh đất thiêng giáo dục cũng đầy những hạt mầm bệnh tật. Đó là khi thành trì cuối cùng của nhân tính bị xâm phạm.
Trong câu chuyện chạy điểm đang ồn ào hiện nay, người ta nói các em cũng là nạn nhân của chính cha mẹ mình - vậy cha mẹ các em là nạn nhân của ai? Phải chăng là của một xã hội ưa chuộng hình thức, danh lợi. Một xã hội đã dung túng cho cái sai lan tràn, tung hoành và quấn theo mọi mặt đời sống quay thành một vòng tròn luẩn quẩn. Một xã hội ngập tràn văn hóa đấu, nên ai cũng muốn nắm nhiều quyền lực trong tay để hiện thực hóa câu “mạnh được yếu thua”. Một xã hội không có nền tảng triết học dựa trên đạo đức, không lưu giữ nổi văn hóa truyền thống để định hướng suy nghĩ, hành động của các cá nhân. Một xã hội không coi trọng tu thân mà chỉ coi trọng tiến thân. Ở trong một xã hội như thế, ai cũng là nạn nhân, nhưng ai cũng từng góp một chút sóng mà thành bão.
Chỉ có thay thế Giả - Ác – Đấu bằng những giá trị đạo đức phổ quát mà người xưa đã dày công gìn giữ thì mới có thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ một cách có hệ thống của đạo đức xã hội.
Thuần Dương
[videobottom id="2314"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét