Cổ nhân thường lấy nước làm hình tượng người phụ nữ, không chỉ vì nước trong suốt, thánh khiết, mà còn bởi nước dịu dàng, bao dung, nuôi dưỡng vạn vật, nhẫn nại và kiên trì. Người xưa vẫn nói, rằng "nước chảy đá mòn", "lấy nhu khắc cương", quả không hề thua kém sự cương cường của trang nam tử.
Cái "Nhu" của nữ giới không đồng nghĩa với "yếu nhược", lại càng không phải vô năng và khiếp nhược. Đó là thuộc tính căn bản và cái gốc lập thân mà vũ trụ ban cho người phụ nữ. Cương nhu bổ khuyết cho nhau, nhu có thể khắc cương, nhưng người phụ nữ không cần phải tranh cao thấp với đàn ông, mà hoà hợp cùng chung sống mới là đạo lý.
Mặc dù vẻ ôn nhu, dịu dàng của người phụ nữ luôn mang đến cảm giác mỏng manh khiến bậc quân tử muốn che chở, nhưng cũng có không ít bậc nữ nhi anh hùng được ghi chép từ thời xa xưa tới nay với những tài năng và bản lĩnh đặc biệt khiến người ta bội phục. Nàng Tạ Tiểu Nga trong tác phẩm truyền kỳ của tác giả Lý Công Tá thời Đường là một ví dụ điển hình.
Chuyện rằng, trong năm Nguyên Hòa triều Đường, có một phú hộ họ Tạ ở quận Dự Chương, sinh được một cô con gái, đặt tên là Tiểu Nga. Tiểu Nga từ nhỏ thân thể đã khỏe mạnh, mang khí chất của trang nam tử.
Năm nàng 14 tuổi, Tạ lão gia gả nàng cho Đoạn Cự Trinh. Sau khi thành hôn, hai vợ chồng sống rất hòa thuận. Tạ lão gia cùng con rể làm ăn trên một chiếc thuyền lớn, đi lại giữa hai nước Ngô – Sở, chuyên chở người và hàng hóa kiếm sống. Mấy năm trôi qua, công việc buôn bán suôn sẻ, gặp nhiều may mắn, gia đình tích trữ được nhiều của cải nên nổi tiếng khắp vùng.
Một ngày, khi thuyền đi đến cửa hồ Bà Dương, đột nhiên mấy chiếc thuyền hải tặc từ đâu xuất hiện, chúng dùng vũ khí, bao vây uy hiếp. Trùm hải tặc lên thuyền giết chết Tạ lão gia và Đoạn Cự Trinh. Lũ cướp điên cuồng ra tay giết hết người ở trên thuyền. Trong lúc nguy khốn, Tiểu Nga nhanh chóng bò lên cột buồm nhảy xuống nước. Nước chảy xiết nên chúng đều cho rằng nàng đã bỏ mạng.
Tiểu Nga ở hiền gặp lành, nàng may mắn được hai vợ chồng ông lão đánh cá cứu sống. Nàng khóc lóc kể lại cảnh ngộ bi thảm của mình rồi dập đầu bái tạ ơn cứu mạng của ân nhân. Sau khi nghỉ ngơi vài ngày, nàng đã hoàn toàn bình phục. Vì thấy hai ông bà lão nghèo khổ, nên nàng không muốn gây thêm phiền toái cho họ, liền từ biệt đi ăn xin sống tạm qua ngày. Một ngày, nàng tha phương cầu thực đến chùa Diệu Quả, huyện Kiến Nghiệp. Sư trụ trì là Tịnh Ngộ thấy nàng thông minh lanh lợi, lại thương cảm cho hoàn cảnh éo le của nàng, nên đồng ý cho lưu lại trong chùa. Tiểu Nga một lòng báo thù, nên không quy y xuất gia.
Một đêm nàng mộng thấy cha toàn thân đầy máu, nói với nàng rằng: "Nếu muốn biết tên người đã giết ta, hãy ghi nhớ thật kỹ câu: 'Xa trung hầu, môn đông thảo'". Dứt lời, linh hồn cha liền bay đi. Tiểu Nga khóc lóc tỉnh lại, vẫn nhớ rõ từng chi tiết trong mộng, nhưng khó hiểu ẩn ý bên trong.
Hai ngày sau, nàng lại mộng thấy chồng báo cho nàng rằng: "Tên kẻ giết ta ở trong câu: 'Điền trung tẩu, nhất nhật phu'". Nàng cảm thấy cả hai lần nằm mơ này tuyệt đối không phải ngẫu nhiên. Rõ ràng là vong hồn người chết hiển linh, khổ nỗi không thể tiết lộ thiên cơ, chỉ có thể dùng điểm hóa để báo mộng. Nàng đau khổ suy tư nhiều ngày đêm nhưng không tìm ra đáp án, thỉnh giáo sư phụ Tịnh Ngộ cũng không nghĩ ra chút manh mối nào.
Sau đó, sư phụ Tịnh Ngộ nói cho nàng biết, chùa Ngõa Quán gần đó có một cao tăng pháp danh Tề Vật, học thức uyên bác, có thể đi thỉnh giáo ông. Tiểu Nga đi tìm theo lời sư phụ, nói rõ lai lịch thân phận, kỹ càng trình bày hai câu điểm hóa, vị cao tăng này trầm tư suy nghĩ cũng không giải ra đáp án tên hai hung thủ là gì. Tiểu Nga đành buồn bã cáo từ.
Lại qua vài năm, vị tăng nhân chùa Ngõa Quán gửi lời muốn nàng đến gặp mặt. Vừa mừng, vừa xúc động, nàng một mạch chạy tới tìm vị cao tăng. Ông giới thiệu một người bạn của ông và nói: "Đây là bạn tốt của ta, làm phán quan ở Hồng Châu, Giang Tây, tên là Lý Công Tá. Ông ấy đã giải ra câu điểm hóa mà con băn khoăn".
Tiểu Nga nghe xong, nhanh chóng tiến đến chào và hỏi thăm về danh tính hung thủ. Lý Công Tá nói: "Hung thủ giết cha nàng là Thân Lan, bởi vì chữ "Xa" (車) trong "Xa trung hầu", bỏ đi nét cao thấp tạo thành chữ "Thân" (申) ở giữa, "Môn đông thảo", chữ đầu là Môn (門), trong Môn lại thêm chữ Đông (東) thành chữ “Lan” (蘭) (thời đó chữ phồn thể của chữ "Hầu" (侯) là chữ "Lan").
Hung thủ giết chồng nàng cũng họ Thân. Nàng xem, "Điền trung tẩu", kéo dài hai đầu trên dưới của chữ "Điền" (田) sẽ thành chữ "Thân" (申), "Nhất nhật phu" tức là "Phu" (夫) thêm "Nhất" (一), phía dưới lại thêm "Nhật" (日) thành chữ "Xuân" (春). Cho nên hai hung thủ này là Thân Lan, Thân Xuân không thể sai". Tiểu Nga nghe người họ Lý giải thích cặn kẽ xong, quỳ gối dập đầu cảm tạ, lại vội vàng ghi danh tính hai tên hung thủ vào vạt áo, thề báo thù rửa hận.
Nàng trở về am, giả dạng thành nam tử, đổi tên Tạ Bảo, từ biệt sư phụ quyết tâm tìm cừu nhân báo thù. Nàng đi đến từng bến tàu nghe ngóng tin tức của kẻ thù, có khi đi làm công cho các đội thuyền để nghe ngóng. Lại qua hơn một năm, vẫn không hề có tin tức gì. Một ngày, khi theo thuyền buôn đi vào quận Tầm Dương, trên đường, nàng nhìn thấy một bảng thông báo tìm người, trên đó viết: "Đại quan Thân Lan cần tìm nam nhân làm người ở". Tiểu Nga mừng rỡ, quyết tâm dò hỏi thông tin.
[caption id="attachment_1263714" align="alignnone" width="600"] Ảnh minh họa: Pinterest.[/caption]
Thân Lan sau khi nhìn thấy nàng thì rất hài lòng nên cho phép ở lại. Từ đó về sau, Tiểu Nga cần cù chăm chỉ, chịu mệt, chịu khổ làm việc nên dần dần được tín nhiệm, không đến hai năm đã được giao cho làm quản gia. Vàng bạc, của cải trong nhà đều do nàng định đoạt. Nàng nhân cơ hội kết giao với không ít nhân sĩ chính nghĩa bên ngoài. Một lần, nàng vô tình nhìn thấy của cải bị cướp của gia đình mình năm đó, nên càng khẳng định đây là kẻ thù giết cha.
Ngày nọ, có người tự xưng là nhị đệ của Thân Lan đi cùng một đoàn người tới nhà. Sau khi biết rõ đây là đám người đã mưu hại gia đình mình năm nào, nàng tìm cách ân cần mời rượu, cho chúng uống tới bất tỉnh nhân sự. Sau đó, nhờ các nhân sĩ trợ giúp, nàng đã bắt và trói Thân Lan cùng đồng bọn giải lên quan phủ quận Tầm Dương.
Sau khi Trương Thái thú thăng đường thẩm vấn, đám hải tặc năm xưa đã phải cúi đầu nhận tội và bị xử trảm. Tiểu Nga sau bao năm vất vả, lao tâm khổ tứ, nay đã báo được thù nhà.
Câu chuyện của nàng đã được Lý Công Tá ghi lại trong cuốn truyền kỳ Thái Bình Quảng Ký, người đời sau không ngớt lời ca tụng bậc nữ nhi anh hùng.
Kiên Định
Theo secretchina
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét