Lái xe vi phạm nồng độ mức cao nhất sẽ bị phạt 26-30 triệu đồng; tước giấy phép lái xe đến 2 năm. Nguy cơ nhiều tài xế bị thất nghiệp vì vài chén rượu.
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) lấy ý kiến sửa Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó đề xuất mức phạt từ 26 - 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 16 tháng với tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Lái xe vi phạm nồng độ mức cao nhất sẽ bị phạt 26-30 triệu đồng; tước giấy phép lái xe đến 2 năm.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26 - 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Với vi phạm nói trên, Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên mức như quy định tại Nghị định 46 (phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở). Với hành vi vi phạm này, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt bổ sung tước GPLX từ 1 - 3 tháng lên 10 - 12 tháng.
Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt tương tự như trên. Riêng hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy cũng có cùng mức xử phạt nhưng sẽ bị tước GPLX 22 - 24 tháng.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn xảy ra tại hầm Kim Liên (Hà Nội) vào ngày 1/5.
Đối với người điều khiển xe máy, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt ở mức cao nhất. Cụ thể: Xử phạt 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 đang xử phạt hành vi này 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 sẽ được Bộ GTVT lấy ý kiến trong vòng một tháng trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Nguy cơ nhiều tài xế bị “treo bằng”, thất nghiệp
Trao đổi với phóng viên về Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 của Bộ GTVT sắp trình Chính phủ phê duyệt lần này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu tài xế bị tước bằng lái đến 2 năm thì nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đời sống của cả gia đình, do vậy tổ soạn thảo cần xem lại quy định này.
Ngoài ra, ông lo ngại với mức phạt 30 triệu đồng thì nhiều người dân đi phương tiện cũ sẽ bỏ xe lại, không nộp phạt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Hà Nội.
Ông Quyền góp ý, 2 năm qua, cảnh sát giao thông đã xử phạt trên 450.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trong cả nước, song chia ra tất cả các địa phương và tổng dân số thì số lượng xử lý vi phạm lại rất nhỏ. Do đó, cảnh sát giao thông cần xử lý mạnh và nghiêm túc hơn thì mới có tính răn đe.
Còn theo ý kiến của chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, ông bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của mức phạt mới, vì phần lớn người vi phạm có mức sống trung bình, nếu phạt cao quá (30 triệu đồng) thì có thể phát sinh tiêu cực với lực lượng xử lý vi phạm.
Kiểm tra nồng độ cồn của lái tàu trước khi điểu khiển tàu.
"Tôi ủng hộ chủ trương tăng mức phạt để tăng tính răn đe với người vi phạm, song mức tăng bao nhiêu thì nên cân nhắc kỹ", ông Thanh nói và đề xuất hình phạt bổ sung lao động công ích với người vi phạm, ví dụ nạo vét ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...”, ông Thanh nói.
Ngược lại, ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cho biết, qua 2 năm thực hiện nghị định 46, có nhiều nhóm vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và nguy hiểm song chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, tổ soạn thảo đã lựa chọn một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn, ma túy để điều chỉnh mức phạt.
Đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng mức xử phạt
Theo Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, mỗi năm có khoảng 30% số vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia. Trong đó, phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở nhóm tuổi từ 16-25 là 70%. Chi phí cho tiền mua rượu của người dân trong 1 năm là 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng mỗi năm).
Ở một số nước, việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự.
“Trong khi, mỗi năm nhà nước thu được 50.000 tỷ đồng thuế từ kinh doanh rượu, bia, nhưng phải bỏ ra 65.000 tỷ đồng chi phí y tế và các hệ lụy khác. Do đó, cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan như hiện nay”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Nguyên nhân ban đầu của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Bên cạnh những quy định trong Luật, người dân cần chung tay, kêu gọi toàn xã hội cùng lên án, cùng phản biện về tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng mọi người khi lên xe, dù lái xe là người thân, nhưng đã sử dụng rượu, bia, vẫn còn nồng độ cồn trong máu thì phải tìm cách ngăn cản, thậm chí xuống xe để phản đối. Lái xe sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông phải bị thu bằng lái và xử phạt thật nặng để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng.
Còn đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) cho biết, hiện nay chế tài xử lý “ma men” khi lái xe chưa đủ sức răn đe. Do đó, ông ủng hộ Quốc hội có nghị quyết về việc xử phạt lái xe uống rượu, bia. Ông lấy dẫn chứng, ở một số nước, việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự.
“Để hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, giúp người dân yên tâm khi ra đường, pháp luật nên có chế tài quy định việc sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là vi phạm pháp luật hình sự, tránh những tai nạn thảm khốc, gây hậu quả khôn lường như thời gian qua”, đại biểu Sùng A Hồng nói.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi ban hành phải kiểm soát mặt tác hại của việc sử dụng rượu, bia, từ khâu quảng cáo, buôn bán, đặt nhà máy; chú ý, bảo đảm những quy định có liên quan đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia...
Theo VOV
Video xem thêm: Thanh niên say rượu, ngồi giữa đường gọi điện thoại bị tông tử vong
[videoplayer link="https://video.dkn.live/thanh-nien-say-ruou-ngoi-giua-duong-goi-dien-thoai-bi-tong-tu-vong-video_846058503.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét