Tưởng nhớ về vụ Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989 là một nghĩa vụ công dân, một trọng trách, và là một động thái nhằm chống lại "lời nói dối cấp nhà nước" có nguy cơ lan rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc, theo nhận định của hai nhà báo trong bài bình luận đăng trên The Guardian.
Bài viết có tựa đề: "[Chính quyền] Trung Quốc muốn chúng ta quên đi nỗi kinh hoàng của sự kiện Thiên An Môn trong khi họ viết lại lịch sử" (Nguyên văn: China wants us to forget the horrors of Tiananmen as it rewrites its history).
Vào ngày 4/6 cách đây 30 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho những chiếc xe tăng càn quét các sinh viên biểu tình vì dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Số người bị giết ước tính là hàng trăm người, hàng ngàn người và thậm chí ít nhất là 10.000 người, theo một tài liệu mật của Anh Quốc được công bố năm 2017.
Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tẩy xóa một cách có hệ thống các bằng chứng và ký ức về cuộc đàn áp đẫm máu này, thông qua bộ máy kiểm duyệt và kiểm soát bằng công nghệ cao.
[videoplayer link="https://video2.dkn.tv/lich-su-che-giau-toi-ac-cua-chinh-quyen-trung-quoc_113b1260b.html"]
Louisa Lim và Ilaria Maria Sala, hai nhà báo, tác giả bài viết đăng trên The Guardian nói rằng, họ đã mắt thấy tai nghe về sự kiện Thiên An Môn. Sala đã có mặt ở Bắc Kinh vào năm 1989, còn nhà báo Lim đã viết một cuốn sách về di chứng của vụ thảm sát Thiên An Môn mang tên "Cộng hòa Nhân dân Lãng quên" (The People's Republic of Amnesia: Tiananmen Revisited).
Trong cuốn sách này, nhà báo Lim đã chỉ ra thực tế rằng người dân Trung Quốc đã tự mình tẩy xóa ký ức của bản thân về sự kiện Thiên An Môn như một cách thức bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị đàn áp bởi chính quyền. Việc thảo luận về chủ đề này, hoặc tưởng nhớ những người thân bị giết hại trong cuộc thảm sát, đều có thể dẫn đến kết cục bị trừng phạt.
Lim và Sala thừa nhận rằng Bắc Kinh đã thành công trong việc tẩy xóa ký ức của người dân về chủ đề Thiên An Môn. Trong các cuộc nói chuyện với nhiều người về sự kiện đàn áp năm đó, những người này trong giây lát đều bỗng nhiên nhận ra rằng ký ức của họ đã bị thao túng như thế nào.
Các nhà báo nhìn chung thường tránh né chủ đề này vì quan điểm chính trị hoặc ý thứ hệ. Trong khi đó, suốt 30 năm qua, Trung Quốc luôn cố gắng "viết lại lịch sử" và phủ nhận tội ác của họ. Điều này vô tình đã biến những nhà báo viết tin về chủ đề này trở thành những "nhà hoạt động" dù họ không có ý định đó.
Thảo luận về chủ đề Lục Tứ (ngày 4/6) có tác dụng phơi bày sự im lặng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tội ác của chính họ, đồng thời chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc "cắt xén" sự kiện này khỏi lịch sử, hai nhà báo Lim và Sala khẳng định.
Thành Minh
[videoplayer link="https://video2.dkn.tv/trung-quoc-chim-trong-be-tac-duoi-thoi-donald-trump_482600001.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét