Chính quyền Iran cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc những "lính đánh thuê" bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc do chính phủ tăng giá nhiên liệu, theo Al Jazeera.
Hôm Chủ nhật (24/11) vừa qua, một chỉ huy cao cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tinh nhuệ của Iran đã thúc giục giới tư pháp nước này đưa ra những bản án nghiêm khắc đối với những người liên quan đến các cuộc biểu tình đẫm máu.
"Chúng tôi đã bắt tất cả những lính đánh thuê công khai thú nhận đang làm tay sai cho Mỹ, và nếu Thượng đế cho phép, hệ thống tư pháp của đất nước này sẽ đưa ra những bản án nghiêm khắc nhất", trang tin Mizan dẫn lời Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi, phó chỉ huy RGC.
Cũng trong hôm Chủ nhật, theo hãng tin nội địa Iran Fars News, các quan chức nước nước này cho biết có 180 kẻ chủ mưu bạo động đã bị bắt giữ. Lãnh đạo Iran đã đổ lỗi cho những kẻ "du côn" cấu kết với những người lưu vong và các thế lực thù địch hải ngoại - như Mỹ, Israel và Ả Rập Xê Út nhằm khuấy động bất ổn, dẫn đến tình trạng bạo lực tồi tệ nhất ở nước này trong một thập niên qua.
Bất ổn từ giá xăng đụng trần
Theo Aljazeera, giá nhiên liệu tăng đã kích phát các cuộc biểu tình trên khắp cả nước từ ngày 15/11. Các ngân hàng, cửa hàng và trạm xăng đã bị đốt phá, trong khi lực lượng an ninh đáp trả bằng bạo lực.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, có ít nhất 106 người biểu tình bị sát hại. Chính quyền Iran không đồng tình với con số này nhưng không đưa ra ước tính riêng.
Theo thông tin từ Chuẩn Đô đốc Fadavi, một số người đã thiệt mạng trong cuộc các biểu tình sau khi bị bắn bằng súng ngắn ở cự ly gần, và rằng những tay súng này lẫn trong đám đông. Tuy vậy Tổ chức Ân xá cáo buộc, lực lượng an ninh đã bắn vào đám đông từ trên mái nhà, thậm chí có trường hợp bắn từ trên một máy bay trực thăng.
Chính quyền Iran cho biết, họ đã bắt giữ khoảng 1.000 người biểu tình. Tuy vậy, trên trang web cá nhân, Trung tâm Nhân quyền khu vực Iran - một nhóm vận động có trụ sở tại New York - thống kê từ các số liệu chính thức và các báo cáo đáng tin cậy lại cho thấy "có tối thiểu 2.755 người đã bị bắt, nhưng số lượng thực tế có thể lên đến gần 4.000 người".
Các cuộc phản đối đã phát khởi ở một số thị trấn ở Iran, sau khi chính phủ tăng giá xăng lên ít nhất 50%. Biểu tình lan rộng tới 100 thành phố và thị trấn, rồi nhanh chóng biến thành các cuộc phản kháng chính trị khi người biểu tình yêu cầu các quan chức hàng đầu từ chức.
Chính phủ Iran nói, tăng giá nhiên liệu giúp họ chi trả các khoản thanh toán phúc lợi cho người nghèo ở Iran, nơi nhiều người phải vật lộn để kiếm tiền kể từ khi Mỹ tái trừng phạt nước này bằng cách rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran vào năm ngoái.
Các nhà chức trách cho biết hôm Chủ nhật (24/11), tình trạng trị an đã khôi phục và họ có kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ, nhằm lên án những kẻ bạo loạn tại Quảng trường Enghelab của Tehran vào chiều thứ Hai (25/11).
Internet phong bế, nay trở lại
Tại đỉnh điểm của tình trạng bất ổn, chính phủ đã ngắt kết nối gần như toàn bộ Internet - một động thái nhằm chặn đứng sự lan truyền các video phơi bày tính bạo lực của các cuộc trấn áp biểu tình.
Phần lớn kết nối internet ở nước này đã được khôi phục trở lại vào Chủ nhật (24/11), ngoại trừ mạng di động, theo kênh NetBlock - một trang web chuyên giám sát tình trạng gián đoạn internet toàn cầu.
Hôm thứ Sáu (22/11), Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Thông tin Iran do việc cúp Internet.
Hôm thứ Bảy (23/11), Washington đã thúc giục 3 mạng xã hội Facebook, Instagram, và Twitter tạm khóa các tài khoản của các quan chức chính phủ Iran cho đến khi Internet được khôi phục trên toàn quốc. Kể từ tháng 5 năm ngoái sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran và các cường quốc thế giới, đồng rial của Iran đã giảm mạnh và lạm phát tăng vọt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét