Hơn 600.000 người Nhật Bản trên 40 tuổi đang sống cách ly hoàn toàn với xã hội, họ không giao tiếp với ai ngoại trừ với những người thân trong gia đình, theo SCMP.
Hiện tượng này rất phổ biến ở Nhật Bản, thậm chí nó còn có tên riêng - ‘Hikikomori’ - cụm từ ám chỉ một người không đi học hoặc làm việc từ 6 tháng trở lên, và không tương tác với bất cứ ai ngoài những người thân trong gia đình.
Vào ngày 29/3, chính phủ Nhật Bản đã công bố kết quả một cuộc khảo sát, với ước tính hiện nước này có 613.000 ‘Hikikomori’ trong độ tuổi từ 40 đến 64, gần 3/4 trong số đó là nam giới, và khoảng một nửa trong số những người tham gia khảo sát đã ẩn dật trong hơn 7 năm. Nhiều người trong số các ‘Hikikomori’ được cho là phụ thuộc tài chính vào cha mẹ già của họ.
“Con số lớn hơn chúng tôi nghĩ, ‘Hikikomori’ là một vấn đề không chỉ dành cho những người trẻ tuổi”, một quan chức của văn phòng nội các phụ trách cuộc khảo sát cho biết.
Trước đó, ‘Hikikomori’ được cho là chỉ nằm trong nhóm đối tượng thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20, nhưng hiện tại người Nhật Bản đang già đi nên số lượng ‘Hikikomori’ trung niên ngày càng gia tăng.
Vào năm 2016, theo một khảo sát tương tự của chính phủ Nhật Bản được công bố, có khoảng 541.000 người ‘Hikikomori’ ở độ tuổi 39.
Cô Rika Ueda, người làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ cha mẹ của những người ‘Hikikomori’, cho biết, cô không ngạc nhiên về kết quả của cuộc khảo sát.
“Kết quả cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy có nhiều ‘Hikikomori’ lớn tuổi. Nhưng chúng tôi không biết rằng có những người ở độ tuổi 60. Nó cho thấy xã hội Nhật Bản rất khó sống. Người ‘Hikikomori’ thà ở nhà mà không gặp ai”, cô Ueda nói.
Ueda nói rằng cuộc sống ở Nhật Bản có áp lực rất cao, việc tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt và tham công tiếc việc gây nên áp lực rất lớn cho các cá nhân.
“Tôi nghĩ rằng cuộc khảo sát buộc chúng ta phải tự hỏi cuộc sống hạnh phúc của mỗi chúng ta là gì”, cô nói.
Băng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét