Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Thế giới Hồi giáo không còn câm lặng trước việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Thế giới Hồi giáo không còn câm lặng trước việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương http://bit.ly/2F17LCb

Ngày càng có nhiều quốc gia đứng lên chống lại Trung Quốc vì sự đàn áp đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, tờ Business Insider đưa tin hôm 29/12/2018.

Bắc Kinh bị cáo buộc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung giống như nhà tù ở Tân Cương, buộc họ phải từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo và ngôn ngữ bản địa của mình, và thậm chí ép buộc họ lao động trong các nhà máy mà không trả tiền hoặc trả rất ít.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã tìm thấy bằng chứng về việc chính quyền Trung Quốc theo dõi điện thoại di động của người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực quê nhà Tân Cương, còn được gọi là vùng Đông Turkestan. Những người khác nói rằng Bắc Kinh đã yêu cầu cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ giao nộp thông tin cá nhân, và đe dọa gia đình họ nếu họ không làm theo.

Chính quyền Trung Quốc ‘ngang ngược’ cho rằng các chính sách này là một chiến lược chống khủng bố, và việc đưa người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung là “đào tạo dạy nghề miễn phí”.

[caption id="attachment_1072101" align="aligncenter" width="700"] Một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ nhìn chiếc xe tải chở các cảnh sát bán quân sự đi dọc theo một con phố tại Urumqi, Tân Cương. (Ảnh: Reuters)[/caption]

Các nhà điều tra quốc tế về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc cho biết, một số người Duy Ngô Nhĩ còn là nạn nhân của tội ác mổ cướp nội tạng đang diễn ra với sự bảo trợ của chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, các nhóm nạn nhân khác bao gồm những người theo đạo Cơ Đốc, người Tây Tạng, và chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, một môn khí công ôn hòa nhằm nâng cao tâm tính và sức khỏe theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Cho đến nay, phần lớn các quốc gia từ thế giới Hồi giáo đã tránh đề cập đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng điều này do họ sợ sự trừng phạt kinh tế từ Bắc Kinh, hoặc vì nhiều quốc gia Ả Rập không muốn thu hút sự chú ý đến hồ sơ nhân quyền của chính mình. Nhưng, hiện nay "gió đã xoay chiều".

Thế giới Hồi giáo không còn im lặng

Vào tháng 9/2018, Bộ trưởng về Tôn giáo ở Pakistan, một đồng minh kinh tế thân cận nhất của Trung Quốc trong thế giới Hồi giáo, đã công khai chỉ trích các quy định của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, cho rằng cuộc đàn áp này thực sự đã làm “gia tăng những cơ hội cho quan điểm phán ứng cực đoan”.

Một tháng sau, Malaysia - một đồng minh kinh tế lớn khác của Trung Quốc, nơi có nhiều người Hoa sinh sống - đã phớt lờ yêu cầu của Bắc Kinh đòi dẫn độ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Thủ tướng 92 tuổi của Malaysia đã thả 11 tù nhân về Thổ Nhĩ Kỳ vì “họ không làm gì sai” ở đất nước mình.

Nổi bật nhất là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - bao gồm 57 quốc gia thành viên, tự cho là tiếng nói chung của thế giới Hồi giáo - đã lưu ý đến “những báo cáo đáng lo ngại” trong tháng 12/2018, về việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương. OIC nói rằng họ hy vọng Trung Quốc “sẽ giải quyết các mối quan tâm chính đáng của người Hồi giáo trên khắp thế giới”.

[caption id="attachment_1072095" align="alignnone" width="1200"] Một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ biểu tình trước cảnh sát chống bạo động ở tỉnh Urumqi, Tân Cương, năm 2009. (Ảnh Getty)[/caption]

Theo tờ Business Insider, ở những quốc gia nơi các nhà lãnh đạo không đứng lên chống lại Trung Quốc đều đã xảy ra những cuộc biểu tình. Ví dụ như, các chính khách nổi tiếng và các nhân vật tôn giáo ở Indonesia – một quốc gia có tỷ lệ người Hồi giáo cao nhất thế giới - đang kêu gọi chính phủ lên tiếng. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, chính phủ Indonesia đã từ chối làm như vậy, nói rằng họ “không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác”.

Trong năm nay, các nhóm Hồi giáo ở Ấn Độ, Bangladesh và Kazakhstan cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối các vụ giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Đặc biệt người dân tại Kazakhstan đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc nhiều người thiểu số Kazakh ở Trung Quốc được cho là bị giam cầm trong các trại tập trung ở Tân Cương.

Hồi tháng 6/2018, chính phủ Kazakhstan cho biết họ đã bày tỏ “một yêu cầu cấp bách” về số phận của những người Kazakh bị giam giữ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đã không có bất kỳ cập nhật quan trọng nào về vấn đề này.

Các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc đều đã chỉ trích Bắc Kinh về các hành động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) về Trung Quốc, cho rằng những lời chỉ trích của các quốc gia Hồi giáo cho thấy ‘một làn gió đổi chiều’, trong thái độ của thế giới đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã ‘bỏ ngoài tai’ những lời chỉ trích của phương Tây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố cuộc điều tra được báo cáo bởi các nhà ngoại giao phương Tây về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ là “rất thô lỗ”. Tờ Hoàn Cầu (Global Times), một tờ báo ‘diều hâu’ của nhà nước Trung Quốc, hồi đầu năm đã mô tả những người chỉ trích phương Tây là “những nhà phê bình ngạo mạn”.

Theo bà Richardson: “Khi các chính phủ như Indonesia hay Malaysia, hoặc các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên tiếng phản đối, Trung Quốc không còn có thể bác bỏ những quan ngại về Tân Cương, và coi đó là một loại âm mưu của phương Tây”.

“Đó là điều rất đáng khích lệ”, bà Richardson nhấn mạnh.

[caption id="attachment_1072096" align="alignnone" width="1040"] Chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã phớt lờ các yêu cầu của Bắc Kinh đòi dẫn độ một nhóm người Duy Ngô Nhĩ. (Ảnh: Getty)[/caption]

Thế giới ngày càng quan tâm

Làn sóng phẫn nộ chống lại Trung Quốc đang nổi lên khi ngày càng nhiều hồ sơ nhân quyền của đất nước này được phơi bày ra ánh sáng trong năm nay.

Mùa hè này, các nhà báo, các học giả và các nhà hoạt động đã bất ngờ trước sự mất tích của nữ diễn viên Trung Quốc “X-Men' Phạm Băng Băng (Fan Bingbing), người đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, nên không xuất hiện trước công chúng trong 3 tháng, vì những cáo buộc rằng cô trốn thuế.

Ông Mạnh Hồng Vĩ, chủ tịch Interpol có trụ sở tại thành phố Lyon (Pháp), vẫn bị mất tích sau khi bị giam giữ bí ẩn tại Trung Quốc vào cuối tháng 9/2018. Vợ ông nghĩ rằng có thể ông đã chết.

Lần đầu tiên trên trang nhất của mình vào tháng 9/2018, tờ New York Times cũng có một câu chuyện về các trại tạm giam Tân Cương.

Theo bà Richardson: “Càng ngày, các chính phủ càng nhận thấy cách Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn thô bạo ở trong và ngoài nước, đối với các chính phủ và công dân, và bắt đầu nhận ra đã đến lúc họ phải lên tiếng phản đối”.

“Ba tháng trước, nếu bạn nói với tôi rằng Tổ chức Hợp tác Hồi giáo sẽ lên tiếng chỉ trích [Trung Quốc], thì tôi sẽ cho rằng điều đó là không thể”, bà Richardson chia sẻ.

Hành động tiếp theo

Các quốc gia Hồi giáo lên tiếng chống lại Trung Quốc về người Duy Ngô Nhĩ là bước đầu tiên quan trọng, nhưng có lẽ không giúp ích được nhiều.

Theo bà Richardson, các nước cần phải có hành động cụ thể để trừng phạt hoặc thuyết phục Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ.

“Vấn đề bây giờ là mọi người sẵn sàng làm gì”, bà Richardson đặt câu hỏi.

Bà Richardson cho rằng: “Nói và thể hiện bằng những hành động cụ thể là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Đó chính là điều cần thay đổi tiếp theo”.

Các quốc gia cũng cần phải “biết rằng Trung Quốc sẽ phản ứng lại mãnh liệt”, bà Richardson lưu ý.

Các thành viên của thế giới Hồi giáo có thể yêu cầu tiếp cận Tân Cương một cách độc lập, để điều tra các báo cáo về các trại giam. Liên Hợp Quốc đã đưa ra yêu cầu này trong nhiều tháng, nhưng Bắc Kinh đã khước từ yêu cầu này.

Một hình thức khác có thể thực hiện dưới hình thức phạt hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Bà Richardson lưu ý những cáo buộc gần đây nhất chống lại Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm nhiều quốc gia Hồi giáo bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ kinh tế của họ với Bắc Kinh.

Ví dụ, theo hãng tin Bloomberg, Malaysia đã hủy bỏ dự án cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh hỗ trợ, trị giá 22 tỷ USD trong tháng 8/2018; hay như cuộc đàm phán của Ai Cập với một công ty xây dựng Trung Quốc cho một dự án phát triển trị giá 20 tỷ USD cũng đã bị phá hỏng vào tuần trước. Tuy nhiên, cả hai sự hủy bỏ đó đều không liên quan đến vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ.

Vào tháng trước, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ đã giới thiệu Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, trong đó thúc giục Nhà Trắng xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp của người Duy Ngô Nhĩ, cũng như cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ có thể được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Sức ‘cám dỗ’ của đồng tiền Trung Quốc

Tuy nhiên, liệu các nước Hồi giáo có cùng thực hiện những việc trên hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 20 trong số 57 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, theo Bloomberg.

Pakistan, nước có bộ trưởng tôn giáo chỉ trích cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc trong năm nay, cũng là một trong những quốc gia nhận được các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và viện trợ lớn nhất của Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, đầu tháng 12/2018, Bộ ngoại giao Pakistan đã phản hồi lại các bình luận của Bộ trưởng Tôn giáo, cáo buộc giới truyền thông “tìm cách kích động” vấn đề Tân Cương.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal dường như nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về các trại tập trung, nói rằng một số công dân Pakistan, những người bị giam giữ ở Tân Cương, “đang được đào tạo tự nguyện”.

Duy Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét