New Zealand sẽ cử 14 nhà ngoại giao mới đến khu vực Thái Bình Dương vào năm tới, một động thái mới nhất từ các chính phủ phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực chiến lược này.
Theo Reuters, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters hôm thứ Ba (4/12) cho biết các nhà ngoại giao mới sẽ tới Samoa, Tonga, Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Kiribati và bang Hawaii của Hoa Kỳ.
Ông Peters phát biểu: "Những vị trí [ngoại giao] mới này là bước đầu tiên thể hiện New Zealand cam kết với Thái Bình Dương nhằm giúp khu vực an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tăng cường tiếng nói của New Zealand trong khu vực".
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Nam Thái Bình Dương thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường, siêu dự án bị hoài nghi rộng rãi là một hình thức bẫy nợ, khiến các nước tiếp nhận vốn bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
New Zealand cũng đang cử bốn nhà ngoại giao bổ sung tới Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc để phối hợp thực thi chính sách ở khu vực Thái Bình Dương, ông Peters cho biết.
Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Anh đang mở các sứ quán mới, bổ sung thêm nhiều nhân viên và tham gia thường xuyên hơn với các nhà lãnh đạo của các quốc gia đảo nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Theo Reuters, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Thái Bình Dương đã được đưa vào trọng tâm của APEC vào tháng 11 với việc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đưa ra một phản ứng phối hợp với dự án Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
Là một tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, BRI thực chất là hình thức xuất khẩu mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước quản lý, theo ông Bilahari Kausikan, cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, hiện là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore, viết trên Nikkei Asian Review.
Ông Kausikan cho rằng BRI ban đầu dựa trên nền tảng toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu và liệu BRI có thể thành công nếu như thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ? Ông Kausikan viết: “Trung Quốc có thể là kẻ thua cuộc chính nếu như trật tự thế giới thay đổi. Trung Quốc không thể thay thế sự lãnh đạo của Mỹ. Một trật tự thế giới mở không thể dựa trên mô hình ‘đóng kín’ là chủ yếu của Trung Quốc”.
Ông Kausikan cho biết các nước đối tác trong BRI, bao gồm các nước Đông Nam Á, đang kháng cự lại BRI và việc tiếp tục triển khai dự án là rất khó khăn.
Mai Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét