Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Từ sự phẫn nộ của người Nhật: Khi người Việt thích ‘lưu danh’ lên các di tích lịch sử

Từ sự phẫn nộ của người Nhật: Khi người Việt thích ‘lưu danh’ lên các di tích lịch sử https://ift.tt/2OOkzNc

Mới đây, Nhật báo Sankei cùng nhiều trang mạng đồng loạt đưa tin về chữ "Hào" viết bậy trên thành cổ Yonago đã làm cả Nhật Bản phẫn nộ. Rất nhiều người nhận ra tác giả bút tích này là công dân Việt Nam, chẳng phải bởi chữ “Hào” giống với tên người Việt, mà là bởi chúng ta đã hiểu rõ nhau quá rồi.

Độc giả tên Kurogane nói rằng: “Tôi bực đến nỗi chỉ muốn những hình vẽ này được khắc lên mặt của kẻ đã tạo ra nó...”. Một độc giả khác bình luận: “Hành vi này của hắn sẽ để lại tiếng xấu muôn đời, 'vang danh' đến tận hậu thế. Thật đáng xấu hổ!”. Người bình tĩnh hơn thì nói: “Cho dù bất cứ ai là thủ phạm đi chăng nữa, tôi hi vọng chính quyền sẽ tìm ra và bắt giữ kẻ này. Chỉ cần đứng ở phạm vi cho phép, tham quan lịch sự, không phá hoại đến hiện vật lịch sử, những điều đó khó đến vậy sao?”.

Sự phẫn nộ của người Nhật có thể sẽ khiến chúng ta bất ngờ, bởi điều này vốn là chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam. Thật hiếm để tìm được một di tích lịch sử, công trình, hay tượng đài văn hóa nào ở Việt Nam mà không có những vết tích “lưu danh” của những người Việt “kỳ cục”. Cái việc muốn chứng tỏ rằng “ta đã từng tới đây” của người Việt trở thành một thông lệ khó hiểu và không biết hình thành tự bao giờ.

[caption id="attachment_1028093" align="alignnone" width="748"] Sự phạm tội hồn nhiên của một khách du lịch Việt Nam. (Ảnh: mainichi.jp)[/caption]

Sự tùy tiện, vô lối của người Việt ở nơi công cộng cho thấy lỗ hổng lớn trong giáo dục Lễ, Nghĩa. Đó là kết quả của cái tôi phì đại bởi thiếu khiêm nhường do thiếu đạo Lễ tiết chế.

Cái tôi càng lớn, hiểu biết càng nhỏ

Cái tôi phình to bởi tin rằng "ai đấu tranh, ai mạnh, ai có quyền có tiền thì là bậc bề trên" đã khiến người ta chẳng còn biết khiêm cung là gì. Nhưng chúng ta trong khi tự phì đại cái tôi đã quên mất rằng: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ, hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn” – (có tài liệu cho rằng đây là câu nói của Albert Einstein).

Có câu chuyện kể rằng: ở một làng nọ có hai cha con, vào một ngày đẹp trời họ đã cùng vào rừng dạo chơi. Hai người đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe thấy tiếng gì khác không?”.

Chàng trai sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”. Người cha tiếp lời: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả”.

Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta còn chưa nhìn thấy, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”.

Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to”.

Người Việt có câu thành ngữ “thùng rỗng kêu to” cũng nói lên hàm ý tương tự. Người càng thiếu hiểu biết bởi không có sự giáo dưỡng từ nhỏ, thì lại càng cho rằng những tri thức bác học mà họ học được trong nhà trường và xã hội là đủ để làm người. Khi họ chẳng còn bận tâm đến những bài học nhỏ bé về đạo đức, thì đó là lúc họ thích thể hiện cái tôi một cách lố bịch nhất.

Có câu nói hóm hỉnh lưu truyền trong dân gian rằng: Cái tôi mà nặng thì thành "tội", cái tôi huyền (lơ lửng, dở dang, ý là không chân thành và có chính kiến) thì thành "tồi", và cái tôi sắc thì thành "tối". Thế nên tội lỗi, tồi tàn và tăm tối đều là do u minh, thiếu hiểu biết bởi cái tôi đặt không đúng mà sinh ra, cũng là do thiếu giáo dưỡng bởi không thực hành Lễ.

[caption id="attachment_1028168" align="alignnone" width="771"] Học Lễ, Nghĩa, con người mới trở nên khiêm nhường, cung kính. (Ảnh minh họa nguồn: Dương Quốc Định)[/caption]

Nguồn gốc của cái tôi 'phì đại'

Sự tùy tiện của người Việt hiện đại không hẳn là bản tính của dân tộc. Chúng ta không thể đổ hết cho quá khứ, rằng đó là thứ văn hóa "di truyền" từ xa xưa để lại.

Người Việt xưa cũng đã từng là một dân tộc trọng Lễ. Vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của Lễ trong đạo trị nước an dân. Ông nói: “Lấy chữ Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ Nhân, chữ Nhường, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc”. Khi đổi niên hiệu từ Quang Thuận sang Hồng Đức, nhà vua nói: “Người ta sở dĩ khác với loài cầm thú là vì có Lễ để làm khuôn phép giữ gìn”. Năm 1485, vua dụ các quan phủ, huyện, châu trong nước rằng: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp đó của chính sự là chức trách của các thú mục”.

Thống nhất cùng tư tưởng chủ đạo trong dòng chảy của lịch sử Á Đông, Lễ của người Việt cũng chính là hình thức của Nhân, là tiêu chuẩn xác định Nghĩa, và là bước thấp nhất của Pháp để ước thúc hành vi, giáo huấn con người.

Những quy phạm lễ nghĩa có liên quan đến tất cả các phương diện như ăn ở đi lại, ở chốn đông người lẫn khi ở một mình cũng phải ra sao, đối nhân xử thế hàng ngày như thế nào? Thế nên, hành vi vô tổ chức, ngông cuồng, chỉ cốt làm theo sở thích mà bất chấp những lợi ích chung, của cải chung của toàn xã hội là điều không thể chấp nhận được.

Thời xưa, hành vi hợp với Lễ là thể hiện sự tu dưỡng, ngược lại ắt không thể leo lên nơi thanh nhã. Đã có thời, chủ lưu của xã hội phương Đông luôn yêu cầu văn minh, tu dưỡng, lễ nghi, hành vi thanh cao lễ độ, luôn biết nghĩ đến người khác và cộng đồng. Nếu như muốn được xã hội thừa nhận, thì ắt phải tu thân dưỡng đức mà quy phạm hành vi của bản thân.

Đáng tiếc thay, từ khi cái khẩu hiệu 'xây dựng thế giới mới' được hô hào lên, người ta mới hồ đồ mà quy kết tất cả những giá trị truyền thống là gắn liền với phong kiến lạc hậu, hủ bại. Rất nhiều điều tốt đẹp đã bị phủ nhận để thay vào đó là hệ tư tưởng phóng túng, thậm chí còn thiếu nhân văn. Điều đó đã dần dần làm người Việt lệch lạc trong cách suy nghĩ và thực hành Lễ Nghĩa.

Người xưa thực hành Lễ, Nghĩa không phải chỉ bởi từ nhỏ đã được dạy như thế, mà còn bởi một quy luật vô hình nhưng hiện hữu ước thúc mạnh mẽ trong từng hành vi, suy nghĩ. Khi biết sợ luật nhân quả, tin rằng mỗi việc mình làm đều có Trời biết, Đất biết, thì người ta sẽ tự ước thúc hành vi mà không đâm quàng đạp bậy.

Cổ nhân nhờ có Lễ giáo hóa mà luôn cung kính, khiêm nhường, không bao giờ đặt cái tôi lên trên người khác. Nhưng ngày nay, con người được “giải phóng” khỏi những câu thúc gò bó, tư tưởng phóng túng bởi những thứ như Thuyết vô Thần và Thuyết tiến hóa, người ta đã không còn “kính Thiên” nên cũng chẳng có lý gì để “ái Nhân”! Dựa vào quan điểm 'chọn lọc tự nhiên', người ta cho rằng kẻ thích nghi thì sinh tồn, phải trải qua chọn lọc mới có thể phù hợp với quy luật phát triển lịch sử, rằng cái mới tốt hơn cái cũ, rằng cổ nhân đều là lạc hậu... Vậy nên người ta chẳng ngại a dua theo những thứ mới mẻ mà mất gốc.

Thứ văn hóa “tiến hóa” kiểu cá lớn nuốt cá bé, kích động chèn ép nhau, đấu tranh để sinh tồn, cùng với thứ văn hóa “vô Thiên vô Pháp” bởi vô Thần luận đã khiến con người ta chẳng cần phải tôn trọng Lễ, tùy tùy tiện tiện, chuyện ta ta làm, miễn sao được lợi là làm, chẳng cần nghĩ tới kẻ khác, càng chẳng coi trọng sự câu thúc của đạo đức.

[caption id="attachment_1028191" align="alignnone" width="849"] Mỗi chúng ta cần phải quay trở về với văn hóa truyền thống, cần phải tôn trọng Lễ. (Ảnh minh họa theo zing)[/caption]

Quay trở về với văn hóa truyền thống: Con đường duy nhất để níu giữ và phục hồi nền văn hiến

Có nhiều ý kiến cho rằng: Bộ Giáo dục phải coi trọng hơn nữa việc dạy đạo đức trong nhà trường để nâng cao dân trí chứ không chỉ tập trung chạy theo thành tích. Thiết nghĩ, muốn dạy đạo đức cũng phải đặt câu hỏi xem dạy cái gì, như thế nào? Những câu chuyện và lý lẽ vẫn đang được dạy ở nhà trường hiện nay, bề mặt thì đều là hướng con người ta đến việc tốt, nhưng nào có đi được vào lòng người!

Hãy tạm chưa xét tới việc những tiết học đạo đức hiện nay đang bị coi nhẹ và dạy qua loa, thậm chí còn bị cho là môn phụ và không được coi trọng như những môn thi đại học. Mà chỉ xét riêng về những điều được dạy trong sách đạo đức ngày nay, đã thấy nó chưa cấu thành một hệ thống, còn rời rạc và giáo điều, thiếu thuyết phục.

Trong khi đó, cả một kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ, có gốc rễ và nội hàm thâm sâu, lại có thời bị quy hết thành hủ lậu, cũ kỹ mà bị phá bỏ không thương tiếc!

Xưa nay, quá trình nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng kỳ thực chính là quá trình phản ánh thế giới nội tâm của bản thân mỗi người. Cổ nhân có câu: “Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí” (Người nhân nghĩa thì muốn gặp người nhân nghĩa, kẻ thông minh thì muốn gặp kẻ thông minh). Khi chúng ta nhìn lại lịch sử bằng thứ văn hóa đấu tranh sinh tồn, thì cũng chỉ thấy lịch sử là quá trình tranh đấu và chém giết lẫn nhau, mà không thấy được những mỹ đức, giá trị văn hóa đầy nội hàm và tu dưỡng cả thân lẫn tâm của người xưa.

Chúng ta không thấy rằng trải qua bao cuộc chiến tương tàn mới xây dựng nên một chữ Nghĩa vì đại cục, vì người khác mà quên thân của biết bao anh hùng, quân tử; cũng chẳng nhìn thấy chữ Nhân chính là gốc làm người được đúc kết ra từ trong lịch sử huy hoàng lẫn đau thương. Thế nên cũng không thể nhận ra chữ Lễ chính là mấu chốt để có được một quốc gia ổn định và thượng tôn pháp luật. Đó cũng là lý do vì sao người xưa lại dùng Lễ, Nhạc để giáo huấn dân chúng.

Lịch sử đã chứng minh, những giá trị đạo đức trở thành chủ lưu chung của xã hội nhân loại, đều là kế thừa từ quá khứ, từ những giá trị văn hóa truyền thống thâm sâu của người xưa. Vậy nên dạy đạo đức, chẳng phải cũng cần bắt đầu từ những khái niệm cơ bản nhất mà cổ nhân đã xây dựng cho chúng ta? Điều cần làm chẳng có gì nhiều lắm đâu, chỉ cần ai ai cũng bắt đầu bằng việc thực hành theo cái khẩu hiệu to đùng treo ở mỗi trường tiểu học: “Tiên học Lễ, hậu học Văn” là được rồi.

Thuần Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét