Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

‘Vì sao bây giờ ít người tử tế’?

‘Vì sao bây giờ ít người tử tế’? https://ift.tt/2S7JCwR

Lâu rồi tôi mới có dịp về Việt Nam nhiều ngày, có thời gian để đi thăm họ hàng nội ngoại. Những hỏi han, chia sẻ chân tình sau bao năm xa cách của các cô chú, anh chị em khiến tôi cảm thấy rất ấm áp. Và có vẻ như, người Việt (hay trong phạm vi nhỏ là họ hàng tôi) đều có chung một mối quan tâm là: tìm hiểu xem “ở bển” thì người dân văn minh thế nào.

Đi tới nhà nào tôi cũng được nghe những câu chuyện so sánh về sự tử tế và lịch thiệp của “tây” với “nhà mình”. Các cô chú cũng được đi du lịch và công tác nhiều, và dường như họ đều có cùng một ấn tượng khi tiếp xúc với những nền văn hóa bên ngoài.

Các cô chú nhắc tôi: “Con may mắn được tắm trong dòng suối văn minh thì cố mà quan sát và học hỏi”, hay thậm chí còn nhắn nhủ điều mà chắc bố mẹ tôi sẽ không ưng ý khi nghe thấy: "Nếu mà được thì ở lại luôn bên đó đi, về làm cái gì, ở bên này đi đâu cũng thấy khó chịu thôi con ạ”.

Chú Ba là gay gắt nhất, chú cứ liên tục kêu ca rằng người Việt Nam toàn tính xấu, đi đâu cũng thấy chướng tai gai mắt, từ cái việc đi trên đường cho tới lúc gửi xe, rồi xếp hàng, vào công sở, đi ăn uống hay đi xem phim, chỗ nào cũng có những việc khiến chú cảm thấy như "khó ở trong người".

Chú bảo người làm dịch vụ thì chẳng tinh tế và lễ phép, "cứ như bố người ta". Người dùng dịch vụ thì chẳng văn minh và lịch sự, cứ như mỗi mình có tiền nên không cần xếp hàng, chờ đợi. Người đi trên đường thì như sợ bị cướp mất vài xăng-ti-mét, sợ chậm mất vài giây mà hối hả, chen lấn. Người đi cầu thang máy cũng vội vã đến kỳ lạ mà chẳng cần chú ý những quy tắc chung, làm ảnh hưởng tới người khác.

[caption id="attachment_1036067" align="alignnone" width="700"] (Ảnh minh họa theo vietnammoi )[/caption]

Tóm lại, chú Ba nói nhiều lắm, gay gắt nữa, hầu như tôi chẳng có cơ hội nói gì mấy. Vợ chú ngồi cạnh dường như cũng thấy ngại và sốt ruột nên thỉnh thoảng chen vào mấy câu hỏi han xem tôi sống bên đó có tốt không. Nhưng tôi cũng chưa kịp trả lời thì chú đã gạt phăng thím ra: “Ôi giời, ở bên đấy thì ăn đứt đây rồi, có gì mà không tốt? Lại chả sướng quá, ít nhất không phải ngày nào cũng nhìn thấy mấy chuyện chướng tai gai mắt”.

Vì chẳng nói được gì mấy nên tôi có thể quan sát và cảm nhận nhiều thứ khác ngoài câu chuyện dần trở nên quen thuộc của chú. Đã một giờ đồng hồ từ lúc tôi ngồi xuống ghế sô-pha, quay lưng lại với chiếc quạt bật hết công suất. Chú Ba vốn không chịu được nóng nên luôn bật quạt mạnh và để đối diện cho gió phả phù phù vào mặt. Tôi ngồi đối diện chú, thành ra quay lưng lại với cái quạt. Tóc tôi ngắn nên không buộc lên gọn gàng được, quạt thốc từ sau lại khiến tóc tai cứ bay loạn xạ, rối tung. Tôi còn chẳng uống được ngụm nước nào cho tử tế vì tóc cứ chấm vào miệng. Liên tục phải gạt gạt, vén vén tóc, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào, vì đó là vị trí duy nhất tôi có thể ngồi khi các em và thím cũng đang ngồi quanh cả rồi.

Một lúc sau có người giao hàng tới, thím tất tả chạy ra cửa lấy đồ và tự mình bê vào. Tôi ngồi quay lưng lại nên không nhìn thấy từ đầu. Đến khi thím khệ nệ vác cái thùng từ sau lưng tôi đi qua, tôi mới biết nó quá to và nặng so với thím, nên tôi đã lao ra đỡ hộ. Chú Ba vẫn đang cao hứng về những câu chuyện người lịch sự, văn minh giờ quá hiếm ở mảnh đất này. Các em thì ngồi đối diện tôi nên chắc đã thấy rõ cả, nhưng cũng không có phản ứng gì.

Được một lúc nữa, thằng út đi học về, nó vẫn còn giữ được cái lễ mà tôi rất lấy làm tự hào mỗi khi kể về gia đình mình cho các bạn nghe. Út khoanh tay gập người 90 độ dõng dạc: “Con chào ba, chào mẹ, chào anh, chào chị, con đi học mới về!”.

[caption id="attachment_1036264" align="alignnone" width="766"] (Ảnh minh họa: soundofhope.org)[/caption]

Chú Ba đang kể tội “cái thằng xe ôm mất nết” dám lừa chú không biết đường mà chở đi lung tung hồi chiều qua, nên chỉ nhìn thằng Út, dừng lại lấy một hơi… rồi kể tiếp mà không đáp lại lời thằng bé.

Tôi chợt nhớ lại bài học cha vẫn dạy mình hồi bé qua câu chuyện thế này:

“Xưa có một vị công tử, một hôm cùng đi chơi với ông thầy học. Ra đường gặp một thằng bé bán kẹo chắp tay vái. Ông thầy học cúi đầu chào lại, công tử thấy vậy, hỏi rằng: ‘Sao tiên sinh lại chào một đứa hèn hạ như vậy?’ – ‘Thưa vâng, tôi chào nó để khỏi mang tiếng rằng tôi không lễ phép bằng nó’”.

Cha tôi còn nói thêm, thời xưa đi học, được dạy rằng chữ Lễ làm đầu, người trên, kẻ dưới đều phải dụng Lễ và trọng Lễ. Người lớn thấy đứa nhỏ chào mà không chào lại thì cũng là không có Lễ. Người sang thấy kẻ hèn mà khinh khi thì cũng là thiếu Lễ. Lễ ấy, chính là cái nẹp nắn chỉnh tư duy, hành động, ngôn từ của người ta, để từ những thứ nhỏ nhất cũng phải làm cho đúng, cho ngay chính, đàng hoàng.

“Người tử tế giờ hiếm lắm con ạ!”, cái từ “tử tế” mà chú Ba vừa nhắc tới bất giác cứ vang vọng trong đầu tôi. Tôi nhớ lại thước phim "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy, tuy làm cách đây 30 năm mà giờ vẫn còn mang tính thời sự. Trong đó, có một bậc lão niên đã trả lời câu hỏi về thế nào là tử tế như thế này:

“Tử tế, hai chữ đó là từ gốc Hán. Chữ ‘tử’ có nghĩa việc nhỏ nhất, mà ‘tế’ là điều nhỏ nhất. Hai chữ “tử tế” cộng chung lại nó có nghĩa rằng là cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất”.

Mới nghe qua thì thấy chẳng có chút gì liên quan. Người ta còn cho rằng, từ gốc Hán sau thời gian dài mượn dùng đã bị hiểu sai đi, thành một từ tiếng Việt mới. Nhưng suy nghĩ kỹ một chút, hóa ra chữ “tử tế” thật sự lại có mối liên hệ với những điều nhỏ nhất.

Vậy làm tốt từ những điều nhỏ nhất là như thế nào, thế nào là tốt đây? Tôi bất giác liên tưởng tới những điều vừa đọc được trong một cuốn sách do một người bạn tặng. Trong đó có nói tới ba từ, chỉ ba từ thôi, nhưng là thước đo vô cùng kỳ diệu cho mọi phương diện liên quan tới cuộc sống hàng ngày.

Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần chân thành, chân thực dụng tâm mà làm cho tới cùng, cho trọn vẹn, không qua loa hời hợt. Ở vào địa vị nào, ta cũng phải làm hết bổn phận và khả năng của mình. Đối đãi với con người và vạn sự vạn vật một cách chân chính nhất... Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ ‘Chân’.

Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần phải thiện ý, biết nghĩ cho người khác: nghĩ xem việc đó có ảnh hưởng tới người khác không, có phương hại tới lợi ích hay sự thuận tiện của họ hay không, họ có tiếp thụ nổi không?... Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ ‘Thiện’.

Làm việc gì, dù là nhỏ nhất, ta cũng cần phải dung nhẫn với mọi người và hoàn cảnh xung quanh, bỏ qua dục vọng và lợi ích bản thân, thấy là điều nên làm thì làm, không câu nệ hình thức hay đề cao cảm giác của cá nhân, luôn luôn từ tốn, khiêm nhường và nhẫn nại… Đó chính là chiểu theo nguyên lý của chữ 'Nhẫn'.

Nhìn lại những sự kiện tôi vừa chứng kiến, hóa ra để trả lời cho câu hỏi “Vì sao người tử tế ngày càng ít?” của chú Ba không hề khó chút nào. Là chú không tự tìm ở ngay bên trong mình thôi.

[caption id="attachment_1036310" align="alignnone" width="712"] (Ảnh minh họa: Tác giả Linh Văn Đinh)[/caption]

Là một người chồng, chú chưa thật sự thương vợ mà đỡ đần những việc nặng nhọc, chưa làm hết bổn phận và khả năng của mình, đó là chưa tròn chữ Chân. Chú cũng chưa để ý tới người đối diện khi nói chuyện để nhận ra lúc nào họ thấy bất tiện mà thay đổi cho phù hợp, đó là chưa vẹn chữ Thiện. Vì sự cao hứng và mối bận tâm to tát của mình, chú không thể nhận thấy lúc nào cần dừng lại mà hồi đáp, quan tâm tới người khác, đó là chưa đủ chữ Nhẫn.

Quan sát câu chuyện ở gia đình chú Ba và nhận ra bài học về sự tử tế, tôi chợt thấy bản thân cũng còn quá nhiều thiếu sót. Kẻ lười biếng và hay nguỵ biện, bảo vệ bản thân như tôi chính là không thể làm tốt những việc nhỏ nhất rồi. Tích xưa có câu: “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”, chẳng quá đúng sao.

Lão Tử xưa cũng có câu: “Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ”, nghĩa là: đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân. Muốn làm người tử tế, trước hết là cần làm sao cho đủ Chân - Thiện - Nhẫn trong mỗi việc nhỏ bé mình làm, mình nghĩ. Và muốn người khác tử tế với mình, thì chắc chắn mình phải là người tử tế trước đã.

Bạch Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét