Bắc Kinh không ngừng "lách luật", và gia tăng số lượng các tàu phi hải quân nhằm tham gia vào khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Mỹ cảnh báo lực lượng này sẽ được "đối đãi" không khác gì hải quân Trung Quốc, Financial Times (FT) đưa tin.
Trung Quốc xem ít nhất 80% Biển Đông là địa hạt chủ quyền của mình - một yêu sách gây tranh chấp với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác, theo Bloomberg.
Đội tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc với các tàu tuần tra lớn đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 130 chiếc trong 9 năm qua. Bắc Kinh đang ngày càng dựa vào tàu phi hải quân để khẳng định yêu sách chủ quyền trong khu vực, làm mờ ranh giới giữa quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển. Điều này đã phá rối những nỗ lực duy trì tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong vài năm qua, theo FT.
Lực lượng dân quân hàng hải, một lực lượng vũ trang dự bị với hình thức thường dân và các tàu đánh cá, nhưng họ có vũ khí. Sự hiện diện của những tàu cá và tàu phi hải quân có nhiệm vụ không khác với nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo thường niên, họ là một trong những mục tiêu sẽ bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt.
Đô đốc John Richardson nói với FT, ông đã "làm rất rõ rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ không bị ép buộc và sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động điều hướng hợp pháp trên toàn thế giới". Ông Richardson đã nhấn mạnh chính sách này với Phó đô đốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), chỉ huy hải quân Trung Quốc, trong chuyến công du tới nước Hoa Kỳ hồi tháng 1.
Đầu tháng này, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói, ông hy vọng "các lực lượng phi khu vực đừng khuấy động những rắc rối ở Biển Đông". Tuyên bố được đưa ra sau khi tàu chiến USS Wasp tham gia cuộc tập trận gần bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham).
Tháng trước, Mỹ đã lần đầu tiên cử một tàu chiến USS Wasp mang theo những máy bay chiến đấu tới tham gia các cuộc tập trận gần Scarborough. Tàu USS Wasp đã không vượt qua mốc 25 hải lý của bãi cạn.
Động thái từ Mỹ được đưa ra sau khi các quan chức ở Manila leo thang biểu tình vì sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc trên Biển Đông gần đảo Thị Tứ – nơi Philippines chiếm đóng. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thúc giục Trung Quốc “buông tay” khỏi thực thể này, nói rằng ông sẽ lệnh quân đội hành động.
Ngọc Cầm
[videobottom id="2364"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét