Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở các tuyến đường thủy quan trọng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đưa ra hôm 29/8 sau cuộc gặp với đồng cấp Mỹ Mark Esper, theo Reuters.
Trang The BL đưa tin cùng ngày, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã tiếp đồng cấp Taro Kono, tái khẳng định sức mạnh liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản và thảo luận về cách thức làm sâu sắc và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương.
Hai ông Esper và Kono đã trao đổi quan điểm và tái khẳng định lập trường chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Cả hai đều bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hồng Kông, cũng như về các hành động cưỡng chế và gây bất ổn đối với Đài Loan. Bộ trưởng quốc phòng hai nước tái khẳng định cam kết duy trì trật tự trên Biển Đông dựa trên thỏa thuận quốc tế, và tuân theo Luật biển. Trật tự này cũng được duy trì rộng hơn trong khu vực và trên thế giới.
Theo The BL, ông Esper hoan nghênh những nỗ lực của Nhật Bản trong việc thu hút các đối tác mới chung chí hướng và củng cố chiến tuyến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Những đối tác này bao gồm các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Úc, và liên minh ba bên Nhật Bản - Hoa Kỳ - Hàn Quốc.
Bộ trưởng Esper nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đối với việc thực hiện đầy đủ tuyên bố chung của Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore 2018, bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên cũng như các phương tiện sản xuất và vận chuyển khí giới.
Về phía Nhật Bản, một vấn đề hóc búa trong quan hệ của Trung Quốc và Nhật Bản là yêu sách của Bắc Kinh đối với một nhóm các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát.
Ông Kono đã có cuộc nói chuyện trực tuyến từ đảo Guam với các phóng viên ở Tokyo sau cuộc họp với ông Esper. Ông Kono cho biết, ông Esper đã xác nhận rằng hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao trùm các đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông, nhóm đảo mà phía Nhật gọi là Senkaku và phía Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Ông Kono nói: "Chúng tôi nhất trí rằng cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng kiến quyết trước bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông".
Chuyến đi của ông Kono cũng diễn ra trong bối cảnh ông Shinzo Abe đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe và đảng dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) đang gấp rút tìm ứng viên cho vị trí thủ tướng.
Biển Đông, cuộc xung đột lịch sử
Biển Đông là một vùng biển rìa lục địa Thái Bình Dương, trải dài từ Singapore đến eo biển Đài Loan, quần đảo Borneo và quần đảo Philippines. Ở đó có hàng trăm hòn đảo mà các yêu sách chủ quyền những đảo này là nguyên nhân lịch sử gây ra các cuộc xung đột của các quốc gia láng giềng. Đây là vấn đề không đơn thuần là chủ nghĩa dân tộc là căn nguyên xung đột, mà là lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực.
Chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực bành trướng lãnh thổ đã tuyên bố yêu sách chủ quyền tới 90% các vùng nước giàu tài nguyên mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ từ lâu đã phản đối các yêu sách lãnh thổ bành trướng của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông và thường xuyên gửi tàu chiến và hàng không mẫu hạm đến khu vực với nỗ lực duy trì việc đi lại tự do và hạn chế sự lạm dụng của Trung Quốc.
Trong dấu hiệu mới nhất về căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, quân đội Trung Quốc hôm 28/8 cho biết, họ đã "trục xuất" một tàu khu trục tên lửa của Hoa Kỳ khỏi vùng biển ngoài khơi quần đảo Trường Sa đang tranh chấp vào một ngày trước đó. Theo trang tin SCMP, các quan chức Hoa Kỳ xác nhận rằng một tàu hải quân đã tiếp cận tới gần các đảo trong nhiệm vụ duy trì cho các tuyến đường hàng hải mở và để "thách thức các yêu sách hàng hải quá mức, và thực thi luật biển trong vùng biển quốc tế".
Theo The BL và Reuters,
Hương Thảo dịch và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét