Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Thưởng thức thịt quay đòn gánh trứ danh của làng cổ Đường Lâm

Thưởng thức thịt quay đòn gánh trứ danh của làng cổ Đường Lâm https://ift.tt/3hEkrPR

Làng cổ Đường Lâm từ lâu đã nổi tiếng với hình ảnh ngôi làng cổ thanh bình yên ả. Nơi đây không chỉ còn giữ được những kiến trúc xa xưa với đường làng ngõ xóm, cây đa, bến nước, sân đình mà còn vẹn nguyên hương vị của những món ăn truyền thống. Trong đó, không thể không kể đến món thịt quay đòn gánh trứ danh.

Tới Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), ngoài những câu chuyện lịch sử về vùng đất mệnh danh là hai vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng) được nghe từ những người dân thân thiện nơi đây kể lại, bạn đừng quên thưởng thức một món ăn truyền thống nổi tiếng "Thịt quay đòn gánh".

Tương truyền vua Ngô Quyền (939-944) sau khi thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã làm món thị quay đòn gánh để khao quân. Đến nay thịt quay đòn gánh vẫn là món ăn có trên mâm cỗ của người dân nơi đây cũng như thiết đãi bạn bè, du khách đến với Đường Lâm.

Miếng thịt cao khoảng nửa mét so với ngọn lửa (Ảnh chụp màn hình: VTC News)

Thịt quay đòn gánh, nhìn ngoài khá đơn giản nhưng quá trình chế biến lại vô cùng công phu và tỉ mỉ. Để thịt quay ngon thì phải chọn lựa những miếng thịt ba chỉ lợn tươi có bì dày, lớp thịt và lớp mỡ đan xen đều nhau.

Gia vị ướp thịt gồm có nước mắm, mỳ chính, hạt tiêu, hành khô và thứ làm nên sức hấp dẫn cho thịt quay đòn gánh chính là những chiếc lá ổi. Trong đó, phần lá ổi non được băm nhỏ ướp với thịt, còn phần lá bánh tẻ (lá không già cũng không non) dùng lót miếng thịt rồi quấn vào đòn tre trước khi đem đi quay (đòn tre phải lớn để thịt ôm trọn một vòng và chỉ dùng tre làm đòn).

Lúc đầu, miếng thịt kê cao khoảng nửa mét so với ngọn lửa, và quay liên tục trong vòng 1 giờ. Thịt nướng khoảng 10 phút trên than sẽ được dùng châm nhọn đâm vào bì để mỡ chảy ra, tiếp đến miếng thịt được rửa bằng nước muối và chanh để bì có độ giòn và sạch.

Sau khi bôi xong mật ong, thịt đem nướng gần lửa (Ảnh chụp màn hình: VTC News)

Khi miếng thịt hơi săn lại, hạ xuống khoảng 30cm so với ngọn lửa, và vẫn quay đều khi nướng. Sau khi quay trong vòng 2,5 giờ thì lấy ra và bôi mật ong vào để lớp bì thịt quay giòn, phồng lên.

Sau khi bôi xong mật ong, đem thịt nướng gần lửa (chỉ có than hoa đang cháy) khoảng 10cm. Toàn bộ quá trình từ khi đem nướng đến khi hoàn thành mất khoảng 6 giờ. Suốt thời gian này đều cần phải có người đứng bếp, mới thấy hết sự cầu kỳ của món ăn đặc sản làng cổ.

Thịt quay sau khi hoàn thành được gỡ ra, cắt thành miếng khoảng 1,2 cm, chấm với nước tương Đường Lâm hoặc muối chanh đều rất ngon. Vì có lớp bì giòn tan bên ngoài và lớp thịt ngọt mềm bên trong quyện với mùi thơm lừng của hương ổi nên ăn rồi là không thể nào quên.

Như người Đường Lâm có câu ca:

"Dù ăn bánh kẹo mười phương

Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi

Trắng phau là phong kẹo dồi

Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê

Chè kho ngọt lịm đam mê

Nhớ thịt quay đòn, tìm về đường Lâm"

Nếu bạn đến Đường Lâm trong một thời gian hạn hẹp mà có người quen ở đây thì hãy đặt trước để thưởng thức; còn nếu có thời gian lâu hơn thì hãy bỏ chút thời gian tham gia vào quá trình chế biến món ngon này, bạn sẽ có một trải nghiệm vô cùng lý thú đấy!

Video xem thêm: Nặng lòng chữ hiếu Cha ơi! Làm sao trả nổi cuộc đời của con

[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/nang-long-chu-hieu-cha-oi-lam-sao-tra-noi-cuoc-doi-cua-con-818_87fcda8d6.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét