Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Những câu chuyện có thật ở An Giang, Sóc Trăng: Đầu thai làm heo

Những câu chuyện có thật ở An Giang, Sóc Trăng: Đầu thai làm heo https://ift.tt/3lsslhp

Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo? Mong rằng qua những câu chuyện có thật dưới đây, mỗi người chúng ta cùng suy ngẫm và có trách nhiệm hơn với cuộc sống,  trân quý những ngày tháng quý giá chúng ta đang trải qua...

Những giấc mộng báo: đi tìm ba đi, ba khổ lắm, ba trông đợi lắm…

Con rạch nhỏ chảy qua trung tâm xã Vĩnh Chánh, thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang (Ảnh: Internet)

Câu chuyện bắt đầu từ những giấc mộng báo của vợ chồng anh Võ Thành Đẫm (tên thường gọi là Út (43 tuổi) và chị Dương Thị Chơn ở ấp Đông An, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.)

Anh Đẫm kể, đêm đó anh nằm chiêm bao thấy cha anh báo mộng. Ông là Võ Văn Minh, đã chết cách nay 8 năm, khi 78 tuổi, do bệnh tai biến.

Trong giấc mơ đầu tiên vào đêm 21/10/2013, ba anh Đẫm hiện về, kêu: “Út ơi! Ba chết rồi, đầu thai làm heo ở xóm ngoài. Trước mũi “của ba” có 2 lằn rạch xuống, đó chính là… râu của ba. Còn ở đùi sau có 1 cái đém đen. Khi nào tới chuồng, thì ba nhảy lên mừng con”.

Sáng ra, anh Đẫm đem giấc mộng kể cho vợ nghe, thì bị vợ kêu là mê tín, không tin.

6 ngày sau, anh Đẫm lại được cha báo mộng y hệt lần trước. Anh cũng không nghĩ nhiều tới giấc mơ bởi cả ngày phải lo làm thuê kiếm sống. Nhà anh thuộc diện hộ nghèo, có 2 đứa con lại bị thiểu năng.

20 ngày sau khi cha báo mộng lần thứ 2, anh Đẫm lại tiếp tục thấy ba về báo mộng. “Ổng nói: “Sao ba báo cho con 2 lần mà con không đi tìm ba? Ba buồn, ba bỏ ăn nên bị người ta… đè ra chích thuốc”. Vài ngày sau thì ba tui về báo mộng lần cuối. Ổng nói, sao lo nhậu say xỉn hoài mà không đi tìm ba? Rồi đêm 22/11, ba tui lại về báo mộng cho bà xã tui.

Ổng nói: “Vợ thằng Út ơi! Đi tìm ba đi. Ba khổ lắm, ba trông đợi lắm!”. Nghe vậy, bà xã khuyên kêu tui đi kiếm con heo. Nhưng tui nói bà đi thì đi, tui bận đi làm mướn. Sáng hôm sau thì tui đi làm hồ và vợ tui thì âm thầm đi tìm… 'ông già'", anh Đẫm kể.

Anh Đẫm bên chỗ con heo được xem như cha mình nằm ngủ, có mùng, chiếu giăng cho heo ngủ đàng hoàng trong buồng nhà anh. (Ảnh: Tuổi trẻ và đời sống)

Cho “ba” ăn (Ảnh: Tuổi trẻ và đời sống)

Đón “ba” về…

Sáng 23/11, vợ anh Đẫm bơi xuồng đi tới cái xóm có nhiều người nuôi heo. Khi vợ anh dò hỏi về chuồng heo như được mô tả trong giấc mơ, một người dân tại đây đã chỉ tới chuồng nuôi heo của chị Lê Mỹ Hạnh.

Trình bày xong với chủ nhà, vợ anh Đẫm liền đi ngay ra chuồng và bất ngờ thấy trong bầy có 1 con heo hình thù y như ông già tả trong giấc chiêm bao.

“Bà xã tui kể lại sự tình và hỏi mua con heo đó, thì người ta chịu bán với giá 2,5 triệu đồng. Con heo nặng chừng 30kg và là dạng heo bò, có lông màu vàng và nhiều đốm đen. Một điều hết sức lạ là khi gặp bà xã thì con heo liền mừng, nó nhảy lên đưa 2 chân trước. Rồi 2 lỗ tai nó ngoắc ngoắc. Khi đưa con heo lên xe chở về nhà thì nó ngồi êm ru như người ta ngồi xe vậy”, anh Đẫm nói.

Trình Cửu Huyền Thất Tổ rồi mới dám vào nhà…

Chừng 2 giờ sau khi con heo được chở về nhà anh Đẫm, nhiều người kéo tới xem. Khi đem heo thả trước sân thì nó không dám vô nhà. Anh Đẫm ngẫm nghĩ có lẽ là mình quên trình Cửu Huyền Thất Tổ, nên đốt nhang cúng. Cúng xong, anh ra sân nói: “Ba ơi, con trình Cửu huyền rồi, ba vô đi”. Lập tức con heo phóng lên cửa và chạy tuốt ra sau buồng.

Lúc người ta tới coi đông quá, tui nói: “Ba ơi, ra chào bà con đi”, thì ổng chạy ra ủi ủi vô giò nhiều người. Hễ tui kêu ổng đi đâu là ổng đi đó”, anh Đẫm kể lại.

Con heo bình thường hay ông cụ chuyển sinh? (Ảnh: Tuổi trẻ và đời sống)

Bà Phan Thị Sữa – nhà ở thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), nghe tin nên đến coi. Bà khẳng định chuyện anh Đẫm thả con heo ra sân nhưng con heo không chịu vào nhà. Sau khi thấy anh Đẫm cúng vái thì kêu con heo liền chạy vô nhà. Chính bà cũng lấy làm lạ về chuyện này nhưng không lý giải được.

Chăm sóc “ba”…

Anh Đẫm đinh ninh con heo chính là cha mình hóa kiếp, nên anh không dám mua cám cho ăn. Ngày mới đem heo về nhà, anh nấu cháo tàu hũ (đậu phụ) thì heo ăn chỉ 1 chén là ngưng. Mấy ngày sau, anh ngồi chơi, tiện tay thẩy bánh tây ra sân thử thì con heo chạy tới ăn ngấu nghiến.

“1 ngày “ổng” ăn hết 1kg bánh. Rồi tui pha nước trà đường cho “ổng” uống. Trong chiêm bao, ba tui kêu khi bắt ổng về thì cầu nguyện 3 ngày, rồi giết ổng đi, để ổng siêu thoát. Nhưng con heo là… cha tui nên tui đâu lỡ giết.”

Câu chuyện ly kỳ về con heo lạ lan nhanh. Dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… kéo đến nhà anh Đẫm xem heo cả ngày lẫn đêm.

Vợ chồng tui nằm mộng rồi đi tìm được con heo y như vậy nên tin đó là ba tui. Cử chỉ và hành động hơi lạ, là tui kêu gì làm nấy. Khi tui giăng mùng cho heo ngủ thì cả đêm nó không ị bậy gì trong nhà”, anh Đẫm bộc bạch.

Bà Phạm Thị Cúc (68 tuổi, mẹ ruột chị Hạnh – người chủ con heo đã bán cho anh Đẫm) kể: “Con Hạnh nuôi heo nái để đẻ rồi bắt con nuôi lớn, dành bán heo thịt. Hồi đó tới giờ nó không bán heo con. Nhưng hơn 3 tháng trước, trong bầy heo 7 con vừa đẻ thì có 1 con lạ. Nó cứ hay nằm buồn buồn. Thấy vậy, con Hạnh mới sợ nó bệnh nên kêu thú y tới chích thuốc (anh Đẫm nằm mộng cũng được cha báo vụ chích thuốc này). Khi nó nặng gần 30kg thì tường của cái chuồng cao hơn 1 thước mà heo cứ phóng ra ngoài, nên con Hạnh ghét.

Con Hạnh nói, mặc kệ mầy, mầy phóng ra cho muỗi cắn chết luôn. Vậy rồi cứ tới khuya thì con Hạnh thấy nó phóng vô chuồng trở lại. Trong khi cả bầy thì 6 con kia không con nào phóng ra được.”.

Con heo sau 41 ngày không bệnh mà tự dưng “hóa”.

“Bà heo Năm Hợi” ở chùa Dơi, Sóc Trăng

Chùa Dơi, Sóc Trăng, nơi luôn có những đàn dơi đông nghịt trên cao (Ảnh: Internet)

Nhân duyên

Theo sư phó Tú Linh (chùa Mã Tộc, tức chùa Dơi, Sóc Trăng), con heo tên Năm Hợi chùa nhận vào năm 1989. Khi đó, chùa Dơi còn khá hoang vu, cây cối rậm rạp, dơi bay rợp trời, đậu dày đặc trong vườn cây cổ thụ. Trong chùa có bà cụ Khiên, là người trông nom, quét dọn chùa.

Đêm ấy, sau một ngày mệt nhọc vì quét dọn chùa, rẫy cỏ ngoài vườn, bà Khiên nằm ngủ mê mệt. Trong giấc mơ, Bồ Tát hiển linh bảo với bà rằng, ngày mai, sẽ có một nữ thí chủ đến chùa xin quy y. Bà Khiên giật mình tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi. Bà trở dậy, thắp hương trên chính điện. Bà Khiên tin rằng, Bồ Tát hiển linh đã thông báo với bà một tin trọng đại.

Sáng hôm sau, bà Khiên dậy sớm hơn thường lệ. Vừa quét chùa bà vừa ngó chừng ra cổng xem có ai đến không. Ngày đó, chùa Dơi rất vắng, lại chỉ có một cổng nhỏ, nên ai ra vào bà đều kiểm soát được. Gác cửa mãi đến tận trưa mà chẳng thấy nữ thí chủ nào như lời Bồ Tát báo mộng. Nghĩ rằng giấc mộng không hiển linh nên bà Khiên tiếp tục công việc quét dọn của mình.

Bà Khiên ngỡ ngàng khi phát hiện ở phía sau chùa, trong vườn dơi, có một con heo cái rất lớn đang ngủ ngon lành. Không biết heo nhà ai xông vào chùa, làm ô uế không gian thanh tịnh, nên tức mình, bà Khiên cầm chổi đập nhẹ vào mông, đánh thức nó dậy. Tuy nhiên, bà Khiên làm đủ trò mà con heo không chịu dậy, cứ ủn ỉn, rồi rên la. Bà phải nhờ mấy du khách dùng que ngoáy vào tai, “cô nàng” mới chịu ngúc ngoắc cái đầu. Nhưng nó cứ đứng ì một chỗ, không chịu nhúc nhích.

“Nữ thí chủ” đến chùa quy y!

Một du khách bỗng hét lên: “Heo năm móng bà ơi! Heo này thiêng lắm, là cốt tinh của người đấy! Nó vào chùa là có duyên với nhà chùa rồi bà ạ”. Lúc này, bà Khiên mới nhìn xuống chân con heo ấy, hóa ra là heo năm móng thật. Khi ấy, bà mới giật mình nhớ lại giấc mộng đêm qua. Thì ra, nữ thí chủ đến chùa quy y chính là “nàng heo” này.

Bà Khiên không đuổi heo đi nữa, mà dùng nước lá tắm cho vị khách kỳ lạ này như rửa bụi trần. Nhà chùa nghe chuyện bà Khiên kể, rồi chứng kiến những biểu hiện lạ của “thí chủ mới đến cửa chùa”, cũng tin giấc mộng của bà Khiên là điềm báo của Phật. Vì thế, nhà chùa đã làm đủ các thủ tục cần thiết để nhận “cô heo” vào chùa. Bà Khiên chuẩn bị chỗ cho heo ở. Với nhà Phật, con heo cũng là một kiếp sống, nên nhà chùa đối xử với heo như mọi thành viên trong chùa. Ban ngày nó chạy rong trong khuôn viên, tối chui vào ổ ngủ và đến bữa thì được các nhà sư mang đồ ăn cho. "Thí chủ "quy y kỳ lạ đó được mọi người đặt tên là Năm Hợi.

Đàn heo… đi khất thực hóa duyên

Nghĩ rằng nhà chùa có khả năng hóa giải nghiệp chướng heo năm móng, ba giò nên người dân quanh vùng dắt những con heo này đến gửi nhà chùa nuôi. Thế là trên trời có đàn dơi, dưới đất có đàn heo ủn à ủn ỉn suốt ngày. Cũng từ ấy “cô heo” Năm Hợi trở thành “đại tỉ” của đàn heo đặc biệt tới hơn chục con. Điều đặc biệt là đàn heo không nghịch ngợm, không ủi đất, không phá hoại lung tung và rất lịch sự, không ị bậy bạ ra chùa.

Ngày nào cũng thế, bất kể nắng mưa, sáng sớm Năm Hợi dẫn đầu, “đàn em” theo sau, xếp hàng thứ tự từ lớn đến nhỏ, lục tục ra khỏi sân chùa đi… khất thực. Chúng cứ lặng lẽ đi dọc đường, qua các khu chợ, khu dân cư. Đoạn đường đàn heo đi khất thực dài hơn 3km, qua chợ Sóc Trăng, vào tận thành phố, rồi trở về chùa đúng lúc nhà chùa sắp tụng kinh.

Người dân hai bên đường thấy đàn heo đi qua thì bố thí cho đồ ăn. Có lẽ đã “quy y cửa Phật” nên chúng rất hiền, tuyệt nhiên không càn quấy, phá phách gì ngoài đường, ngoài chợ. Người dân cũng rất… tôn trọng đàn heo. Nhiều bà lão khi thấy chúng đi qua nhà mình liền mời dừng lại chơi rồi… dâng trầu và các chú ỉn thảnh thơi nhai bỏm bẻm, miệng đỏ tươi nhìn rất ngộ.

Ở chùa, đàn lợn cũng ăn theo chế độ ăn ngọ, tức là chỉ ăn uống trước 12h mỗi ngày, sau giờ đó là không ăn gì nữa. Khẩu phần ăn của chúng đơn giản như các nhà sư, khất thực được thứ gì thì ăn thứ đó. Đồ ăn chủ yếu là đồ chay. Thế nhưng chẳng hiểu sao chúng lại lớn rất nhanh. Cô “Năm Hợi” đạt kích cỡ khổng lồ nhất, nặng đến 400kg, trông lừng lững như một chú voi con. Năm Hợi ở chùa được 7 năm thì “viên tịch” vì tuổi già.

Sư phó Tú Linh của chùa Mã Tộc cho biết, cuối năm 1996, “Năm Hợi” chọn một nơi yên tĩnh ở góc vườn chùa nằm nghỉ rồi “hóa” một cách thanh thản, như thể tránh cho du khách viếng chùa khỏi trông thấy hình ảnh buồn. Chính những biểu hiện kỳ lạ này mà khi “Năm Hợi” chết, nhiều người đã đến hương khói, cúng vái và họ đều xưng hô là “cô Năm Hợi”. Sau khi “Năm Hợi”, cũng như những anh, chị heo khác ở chùa chết, cũng đều được các sư chôn cất trong nghĩa địa sau chùa. Lễ mai táng cũng đầy đủ thủ tục, như mai táng người đã khuất.

Con gái kiếp trước tự tìm đến theo lời dặn trong giấc mộng báo…

Sau khi Năm Hợi “hóa”, một ngày, có người đàn bà từ Sài Gòn tìm đến chùa, nước mắt sụt sùi bảo với các nhà sư: “Nhiều lần người mẹ quá cố của con báo mộng rằng, mẹ con đầu thai làm heo, tên là Năm Hợi, sống ở chùa Mahatup (chùa Dơi, chùa Mã Tộc). Con mong các nhà sư cho con được làm lễ cầu hồn để linh hồn mẹ con được siêu thoát”. Nhà chùa đã đồng ý để người phụ nữ này đạt được ước nguyện.

Lễ cầu siêu hoành tráng xong xuôi, thì người phụ nữ này chỉ đạo thợ xây ngôi mộ, vẽ hình một con heo béo tốt lên bia, ghi tên Năm Hợi, với cả ngày “hóa”.

Bia mộ “bà Năm Hợi và các anh em” (Ảnh: Internet)

Làm heo khổ như thế nào? Ký ức một thuở… kiếp heo của vị lão tăng

Thời Trung Hoa dân quốc, Cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ, thấy vị lão Tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt, cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão Tăng đáp:

Câu chuyện rất dài xin lược thuật phần đại khái. Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Đời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỷ áp giải đến ty Chuyển luân để thọ ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng, thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó nhẫn, kế đó là cảm hơi mát mẻ; tỉnh ra thì mình đã sinh làm kiếp súc vật trong chuồng heo.

Vị lão tăng hồi tưởng lại ký ức 2 kiếp trước… (Ảnh: Internet)

Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cũng biết nhàm gớm nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường cũng hỏi han nhau, trong đồng loại cũng lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không thể nói cho người hiểu được.

Đại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ, đôi mắt ướt, là tỏ dấu bi sầu. Loài heo thân thể thô nặng, vào mùa hạ rất nóng khổ chỉ tìm đống bùn nằm vùi mới đỡ, song cũng không thường có được. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt, thấy loài dê chó lông nhuyễn dầy, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên.

Đến lúc bị bắt tự biết mình không qua khỏi, nhưng sợ quá nhảy chạy càn, mong kéo hoãn mạng sống được phút nào hay phút nấy. Khi bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây huyết đau đến tận xương. Lúc người bỏ lên xe chạy về, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau, máu huyết ứ đọng, gần như muốn đứt. Khi đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén chảo vạc để hai bên, lòng bắt đầu run sợ, không biết đến khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào? Lúc thọc huyết, thân tâm sảng sốt rụng rời, thấy ánh đao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho huyết chảy xuống bồn, ban đầu còn kêu la, sau chỉ rên nhỏ trong cổ họng, cho đến máu chảy đến tắt hơi, sự đau khổ thật không thể hình trạng!

Bấy giờ hoảng hốt mê ly như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sinh làm người, tức là thân đời nay đây. Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thương nó đau đớn, nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ độc, rồi tiếc cho người đồ tể tương lai cũng bị nỗi khổ đó, ba mối niệm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ từ lúc nào!

Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sanh lòng sợ hãi, từ đó về sau đổi nghề đi bán rau đậu.

Lại ngẫm, nếu như trong cuộc đời quả thật có luân hồi trầm luân, thì được thân người trong kiếp này quý giá lắm thay! Mỗi kiếp sống ngắn ngủi tựa như một ngày, đời người như giấc mộng… Luôn giữ bình yên, sống chân thật thiện lành, luôn nghĩ tới người khác và vạn vật sinh linh kia, tu tâm dưỡng đức, phải chăng đó mới là điều quý giá nhất?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét