Là một đất nước nhỏ với diện tích trên 20.000 km2 (tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An một chút), trong đó có 70% lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, tuy nhiên, Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.
Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thung lũng Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - cái tên rất tự hào của mọi người dân Israel, vì tại đây, phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc – những phép màu của khoa học công nghệ, của ý chí kiên cường và bền bỉ.
Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev với lượng mưa bình quân chỉ từ 20 - 50mm mỗi năm (trong khi ở Việt Nam là 1500mm/năm), độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn, khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc, điều kiện tự nhiên ở Arava có thể nói là không thể khắc nghiệt hơn cho sự sống. Thiết nghĩ, có lẽ, đối với người Isarel, những dải đất bạc màu và đồi cát của miền Trung Việt Nam vẫn còn là miền đất trù phú lắm.
Ông Ezra Ravins, người đứng đầu cộng đồng hơn 3.000 người tại Arava cho biết, từ một nhóm thanh niên Israel “bồng bột”, mang theo bánh mì và nước quyết định định cư tại thung lũng Arava năm 1959, họ đã xây dựng được một cộng đồng với nhiều thế hệ, tạo thành một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước. Khi những người đầu tiên đến đây, quyết định đó được xem là “điên rồ” nhất và chính những nhà khoa học cũng khẳng định con người không thể sống được ở vùng đất này.
[caption id="attachment_1495540" align="alignnone" width="600"] Ảnh minh hoạ: the farming.[/caption]
Thế nhưng, họ đã làm được, không chỉ làm được, mà còn thành công vang dội. Họ đã biến điều tưởng chừng như không thể trở thành hiện thực. Bởi vì đó là Israel, nơi có những con người mang trong mình dòng máu Do Thái và khát vọng vươn lên mạnh mẽ phi thường của một dân tộc hơn 2000 năm lưu vong, phải tha phương cầu thực.
Cách mà người Isarel trữ nước và sử dụng nước
Nông nghiệp tại Arava gắn liền với một công trình được ghi nhận như một kỳ công mà con người đã tạo ra giữa sa mạc: Bể chứa nước khổng lồ mang tên Shizaf. Với khả năng dự trữ 150.000 m3 nước sạch, bể chứa này có nhiệm vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu.
Bể có đáy chìm 3,5 m dưới mặt sa mạc và chia thành nhiều lớp khác nhau, tạo nên bề mặt nổi 10m. Một khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện để đào bỏ 320.000 m3 đá và đất sa mạc. Độ sâu của giếng khoan lên tới 1,5 km mới tới túi nước ngầm. Kỹ thuật thiết kế đặc biệt của bể chống lại chế độ bốc hơi tự nhiên cũng như thu gom nước một cách hoàn hảo.
Với khí hậu đặc biệt khô hạn và lượng mưa rất thấp, thay đổi theo từng mùa (Phía Bắc có lượng mưa khoảng 800 mm/năm và ở phía Nam chỉ khoảng 50 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau, trong khi lượng bốc hơi tự nhiên lên tới 1.900-2.600 mm/năm), không có gì ngạc nhiên khi nước ngọt ở Israel được coi như vàng trắng.
Nước ở nơi đây quản lý chặt chẽ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính phủ xây dựng hẳn một bộ luật để đo lường mức tiêu thụ nước, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, ngăn chặn ô nhiễm nước. Công nghệ xử lý nước của Israel thuộc hàng hiện đại nhất thế giới với tỉ lệ tái chế tới 75%.
[caption id="attachment_1495543" align="alignnone" width="800"] Ảnh minh hoạ: deccanchronicle.[/caption]
Dọc ngang Israel, từ những thành phố lớn hay những vùng nông thôn, hoang mạc, hệ thống tưới nước hoàn hảo đến mức gần như không bỏ phí một giọt nào (75% hệ thống nước nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không hề có chế độ tưới ngập nước). Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.
Khiến cá “bơi trong sa mạc”
Người Isarel không chỉ sử dụng đất trên sa mạc để trồng cây thông thường mà còn tận dụng để nuôi trồng thủy sản, phát triển những trang trại cá lớn - ngành nông nghiệp mang lại nhiều thu nhập cho quốc gia này.
Hệ thống nuôi cá trên sa mạc của Israel có nước lợ chất lượng thấp, loại nước này có hàm lượng muối cao và rất cần thiết để nuôi cá biển, họ bơm nó qua đất vào các bể nuôi cá. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước. Các nông trang bơm nước nóng 37 độ vào trong bể, nuôi cá thương mại. Nước chứa chất thải của cá được tưới cho rau, cây ăn quả. Nhờ vậy, nước được sử dụng tới 2 lần thay vì dùng 1 lần rồi bỏ.
Sống trên sa mạc nóng bỏng và những mảnh đất khô cằn nhưng Israel đã nuôi được cá biển xuất khẩu sang các nước trên thế giới, chủ yếu là khu vực châu Âu. Không còn gì để nghi ngờ nữa, đây chỉ có thể là phép màu!
Video xem thêm: Dạy con giống như chăm hoa, phải biết cắt cành, nhổ gốc, trồng lại
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/lang-dong-dem-ve-so-490-day-con-giong-nhu-cham-hoa-phai-biet-cat-canh-nho-goc-trong-lai_8ef00bcd7.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét