Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Nhìn cách cổ nhân trị thủy mới thấy ĐCSTQ coi mạng người như cỏ rác

Nhìn cách cổ nhân trị thủy mới thấy ĐCSTQ coi mạng người như cỏ rác https://ift.tt/3js4vAm

Năm nay, từ bắc chí nam, Trung Quốc đại lục phải đồng loạt hứng chịu những trận mưa lũ xối xả như trút nước. Cáp Nhĩ Tân trời đang sáng đột nhiên tối sầm rồi đổ trận mưa đá lớn, các tỉnh dọc theo lưu vực Trường Giang cũng chứng kiến mực nước đột nhiên tăng vọt, ngập lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi.

Tin tức trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ công bố ngày 22/7 cho biết: Từ ngày 1/6 đến ngày 22/7, 27 tỉnh ở Trung Quốc có 45.523 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, 142 người chết và mất tích, 35 ngàn ngôi nhà bị sập, tổn thất về kinh tế lên đến 116,05 tỷ nhân dân tệ. Trong khi đó, chính quyền ĐCSTQ chỉ cung cấp 300 triệu nhân dân tệ để cứu trợ thiên tai. Như vậy, mỗi nạn nhân chỉ có thể được nhận vài nghìn nhân dân tệ cứu trợ, chẳng thấm tháp vào đâu. Hơn nữa, đối mặt với hàng chục ngàn người dân gặp nạn, lãnh đạo ĐCSTQ lại im hơi lặng tiếng. Điều này cho thấy họ chẳng thèm quan tâm đến tính mạng người dân. So sánh với cách trị thuỷ và cứu nạn dân của người xưa, hành động của ĐCSTQ thực là khác xa một trời một vực.

Từ thời kỳ thượng cổ, Trung Quốc đã có tấm gương trị thủy nổi tiếng là Đại Vũ. Ông sống vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế, lúc ấy sông Hoàng Hà thường xuyên gây ngập lụt. Nghiêu Đế từng hạ lệnh cho cha của Đại Vũ là Cổn lãnh đạo nhân dân trị thủy. Cổn chỉ áp dụng phương pháp dùng đất ngăn nước để xử lý nên đắp hai bờ đê trên sông Hoàng Hà. Ai cũng biết con sông này chảy từ thượng nguồn qua vùng đất cao nguyên đổ xuống hạ du vốn mang theo lượng lớn phù sa nên mới mang cái tên Hoàng Hà. Đến khu vực đồng bằng thì nước sông chảy chậm lại khiến phù sa bồi lắng xuống lòng sông. Lòng sông ngày càng cao, nước dềnh lên hai bên bờ, liên tục xảy ra ngập lụt. Biện pháp đắp bờ ngăn lũ không giải quyết được vấn đề bồi lắng này. Khi mùa mưa đến, lượng nước trên thượng nguồn lớn đổ xuống sông ngày một nhiều, khu vực hạ du không thể giải trừ lũ lụt.

Đến thời Thuấn lên làm vua, ông lệnh cho Đại Vũ trị thủy. Đại Vũ đã một mình trèo đèo lội suối, khảo sát nước của con sông Hoàng Hà và rút ra nguyên nhân cha ông trị thủy thất bại. Sau đó ông đã thay đổi phương cách khác với cha mình. Ông đã lợi dụng dòng chảy để nạo vét 9 con sông, dẫn nước từ đồng bằng vào các sông ra biển. Câu chuyện Đại Vũ trị thủy đi qua cửa nhà mình nhưng còn không bước vào nhà đã được lưu truyền đến ngày nay.

Đại Vũ trị thuỷ: Ảnh ghép minh hoạ.

Lấy một ví dụ khác, ở huyện Quán tỉnh Tứ Xuyên có một đập ngăn nước. Đập nước này do cha con Lý Băng cùng dân chúng xây dựng từ thời kỳ Chiến Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc, Tứ Xuyên là vùng đất rất trù phú. Thế nhưng khi ấy vùng này thuộc đất Thục và bị gọi là "Xích Bồn", "Bưng Biền". Nghĩa là đất Thục xưa kia không phải chịu hạn hán thì úng lụt, bất cứ khi nào cũng phải chống chọi với thiên tai. Nguyên là do khí hậu của vùng này nóng nực, mùa khô đất đai nứt nẻ còn mùa mưa thì nước sông Trường Giang lên cao, luôn sẵn sàng gây ngập lụt. 

Nhìn từ góc độ địa lý mà nói thì đất Thục là một thung lũng, bốn phía là đồi núi, ở giữa là đồng bằng. Con sông Trường Giang đi xuyên qua khu vực này. Mân Giang là một nhánh sông của Trường Giang. Thời cổ xưa con sông này còn có cái tên khác gọi là Vấn Giang, cũng gọi là Đô Giang. Nó bắt nguồn từ chân núi phía nam của núi Mân Sơn, nơi đó là một đầm lầy thuộc huyện Cửu Trại Câu thuộc châu tự trị A Bá, tỉnh Tứ Xuyên. 

Nếu xuất phát từ Thành Đô đi ngược về phương bắc dọc theo hai bên bờ sông, qua Đô Giang Yển sẽ đi vào đường núi rất cao. Có thể nói, đoạn sông từ Đô Giang Yển trở về thượng nguồn, đường sông rất hiểm trở, độ dốc lớn, nước chảy xiết. Đoạn từ chỗ con đập này trở xuống vùng hạ du, nước chảy qua đồng bằng trung tâm của Tỉnh Tứ Xuyên, qua Thành Đô, My Sơn và Lạc Sơn chảy vào Kim Sa Giang rồi đổ vào sông Trường Giang. Sông Mân Giang dài 795km, chênh lệch so với mực nước biển là 3650 mét. Giống như sông Hoàng Hà, nước trên sông Trường Giang chảy từ cao nguyên xuống vùng đồng bằng, mỗi khi mùa mưa đến, nước lớn thường gây lũ lụt trên sông Mân Giang. 

Khu vực tỉnh Tứ Xuyên ngày nay là vùng đất của nhiều nước nhỏ thời Chiến Quốc như nước Ba, nước Thục... Những nước nhỏ này thường xuyên có chiến tranh trong nhiều năm. Sau đó, nước Tần thu phục nước Ba, sáp nhập nước Thục vào năm thứ 9 của Tần Huệ Văn Vương (năm 316 TCN). Ông đã thống nhất mảnh đất Tứ Xuyên và chia nước Tần thành các quận Ba, Thục và Hán Trung. 

Để trị thủy trên sông Mân Giang, năm 256 TCN, Tần Chiêu Tương Vương đã phái Lý Băng làm trấn thủ Thục quận, chính là mảnh đất Thành Đô ngày nay. Lý Băng là người gốc Hà Đông, trong thời Chiến Quốc, ông là một chuyên gia tài giỏi về trị thủy. Tư tưởng trị thủy của ông giống với Đạo gia, coi trọng những nguyên lý "Thuận theo tự nhiên" và "Thiên nhân hợp nhất".

Sau khi nhậm chức, ông cùng con trai là Lý Nhị Lang đã trèo đèo lội suối, khảo sát địa lý để tìm nguyên nhân gây lũ trên sông Mân Giang. Hai cha con cũng nghiên cứu các tư liệu về lý do các bậc tiền nhân trị thủy thất bại. Ông nhận thấy rằng khi mùa mưa tới, đoạn sông chảy qua huyện Quán thường bị vỡ đê gây ngập lụt, đồng thời lượng bùn cát tích tụ khiến lòng sông nâng cao. Hơn nữa, tại phía nam của huyện Quán còn có dãy núi Ngọc Lũy cản dòng chảy hướng về phía đông. Vậy là ông đã cho xây dựng Đô Giang Yển để điều khiển dòng chảy. Dọc theo núi Ngọc Lũy, ông đã mở được "Miệng cá" để phân dòng: Phi Sa Yển để phân luồng chia lũ và xử lý đất cát và Bảo Bình Khẩu là cửa nhập nước. Đây là công trình trị thủy lớn vào bậc nhất thời bấy giờ.

Đô Giang Yển được xây dựng bằng vật liệu sẵn có tại địa phương như đá cuội dưới đáy sông và lồng làm bằng tre. Những lồng làm bằng tre, nứa được lấp đầy đá cuội rồi thả chìm xuống đáy sông làm đập dẫn dòng. Để tăng khả năng chống lũ, lớp vỏ ngoài cùng của đập được đắp bằng đá cuội khổng lồ, gọi là "đê kim cương". 

Vì phần dẫn nước vào giống hình đầu cá nên nó được đặt tên là "Miệng cá". Miệng cá được xây dựng ở khúc quanh của sông Mân Giang tiến vào đồng bằng. Lòng sông bên trong của Đô Giang Yển thấp hơn bên ngoài, vào mùa khô, 60% nước sông đi vào Đô Giang Yển, mùa lũ thì giúp 60% lượng nước xả ra bên ngoài. Lòng sông bên trong lõm, cửa vào lại nhỏ và cao hơn. Khi nước sông đi qua khúc quanh hình thành một vòng tuần hoàn. Khi dòng chảy trong khu vực đầu cá chuyển hướng khiến lòng sông tại vị trí đó khoét sâu xuống, cát và bồi lắng chảy ra ngoài làm cho phần cửa hợp với dòng bên ngoài bên ngoài cao lên, nước ở dòng bên ngoài chảy qua vị trí này sẽ cuốn phù sa đi. 

Miệng cá đem dòng nước chia làm đôi, dòng nước bên trong dùng để tưới cho đồng ruộng, dòng nước bên ngoài dùng để phát triển vận tải đường sông. Dòng sông bên trong còn thiết kết Phi Sa Yển, phía dưới có cửa hẹp Bảo Bình Khẩu rộng 20 mét, cao 40 mét và dài 80 mét. Lòng sông khu vực Phi Sa Yển cao hơn dòng sông bên ngoài 2,5 mét. Khi nước chảy vào Miệng cá đến Phi Sa Yển thì hình thành dòng xoáy chặn lại một chút phù sa còn nước chảy ra dòng sông bên ngoài. Dòng bên trong chảy ra Bảo Bình Khẩu liền chảy vào hệ thống kênh rạch tưới tiêu cho khu vực đồng bằng Thành Đô suốt hàng ngàn năm. Bảo Bình Khẩu là nơi điều tiết lưu lượng nước. Khu vực giữa dòng sông bên trong đầu cá còn có người đá đứng giữa sông để đo mức nước. Khi nước dòng bên trong vượt quá ngưỡng cho phép, lượng nước thừa sẽ chảy vào Phi Sa Yển ra dòng bên ngoài. Như vậy công trình Đô Giang Yển đã phát huy hết tác dụng chống lũ, cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng, tàu thuyền đi lại thông suốt. 

Ngoài ra, cha con Lý Băng còn tổng kết ra kinh nghiệm "Sâu đào ghềnh, thấp làm yển". Đô Giang Yển muốn điều chỉnh nước tốt nhất thì lòng sông trong miệng cá cần phải đào đến một độ sâu nhất định và Phi Sa Yển cũng cần phải có độ thấp nhất định mới có thể giúp điều tiết nước cho khu vực đồng bằng không bị ngập úng. "Sâu đào ghềnh, thấp làm yển", sáu chữ này đã được khắc trên tường đá lưu lại cho người đời sau. Ngày nay nếu đến thăm miếu Nhị Vương, khách du lịch có thể nhìn thấy dòng chữ: "Lợi dụng thế nước mà dẫn cho thích hợp".

Công trình Đô Giang Yển: Wikipedia.

Trong khi xây dựng công trình Đô Giang Yển cần đào con kênh dẫn nước xuyên quan đồi đá Ngọc Lũy. Vào thời đó, máy móc đào đục cùng thuốc nổ chưa được phát minh ra. Để phá vỡ những tảng đá, Lý Băng chọn cách kết hợp thông minh giữa lửa và nước để đốt nóng và làm lạnh đột ngột khiến bề mặt bị nứt ra rồi dùng xẻng xúc đá vụn đi. Bằng cách đơn giản này, người xưa đã mở ra 80 mét Bảo Bình Khẩu và con kênh rộng 20 mét. Ngày đó dụng cụ thường dùng đến là tráp (tổ tiên của chiếc xẻng ngày nay). Nhìn công trình Đô Giang Yển chúng ta có thể thấy được trí tuệ của cổ nhân, cũng thấy được sự vất vả của lớp cha anh đi trước.  

Từ khi có công trình thủy lợi Đô Giang Yển, Tứ Xuyên mới phát triển giàu có, trở thành vùng đất được gọi là "Thiên quốc chi phủ". Công trình do cha con Lý Băng xây dựng đã tạo phúc cho người sau, trải qua hơn 2000 năm đến nay vẫn còn khởi tác dụng. Vì để tưởng nhớ công lao của cha con Lý Băng, cổ nhân đã xây dựng "Nhị vương miếu" ngay bên bờ Đô Giang Yển. Lý Băng vì xây dựng công trình thủy lợi này mà phải chịu đựng vất vả nhiều ngày đến mức ốm nặng và qua đời tại công trường thủy lợi vào năm 251 TCN. Ông được chôn cất tại thị trấn Lạc Thủy, đến ngày nay vẫn còn miếu thờ ông tại nơi này. 

Kể từ khi lên nắm quyền, ĐCSTQ xây dựng công trình thủy lợi với quan điểm "nhân định thắng thiên" (người thắng Trời) đã vi phạm quy luật tự nhiên, chỉ cầu đạt được lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài của nhân dân. Vì vậy, trên các con sông lớn nhỏ ở Trung Quốc, ĐCSTQ đều xây con đập chứa nước cắt ngang dòng sông, chỉ nói riêng trên sông Trường Giang đã có hơn 100 ngàn hồ chứa nước. Những hồ chứa này thường cạn nước vào mùa khô và buộc phải xả nước vào mùa lũ. Cát phù sa bị lắng lại khiến lòng sông nâng lên, có nơi lòng sông còn cao hơn bờ đê. Cách làm này tạo nên hình ảnh đập chứa nước kiểu bậc thang, vô cùng nguy hiểm. Một khi nước lớn khiến đập vỡ thì sẽ tạo ra hiệu vỡ đập đồng loạt, và đương nhiên là hậu quả nó gây ra không thể tưởng tượng được. 

Một ví dụ điển hình là vào mùa mưa bão năm 1975, lượng nước lớn đổ xuống Hà Nam và An Huy khiến đập thuỷ điện Bản Kiều bị vỡ. Hàng loạt con đập bên dưới nó cũng vỡ theo khiến nước ngập lụt trên diện rộng. Hậu quả là đập Bản Kiều vỡ khiến 30 huyện và thành phố chìm trong biển nước, hơn 85.600 người chết đuối. Cộng thêm số người chết đói và bệnh truyền nhiễm do thảm họa con số thương vong có thể lên đến 10 triệu người.

Lần đó nước lũ tràn lan nhưng ĐCSTQ lại một mực giấu giếm. Phóng viên Trương Quảng Phát của Tân Hoa Xã đã đề cập đến việc xin ý kiến ​​cấp trên về cách thức thông báo tình hình lũ lụt. Viện phó Kỷ Đăng Khuê của Bộ Ngoại giao cho biết: "Ban lãnh đạo Trung ương đã quyết định lũ lụt năm nay sẽ không viết báo công khai, đặc biệt là tình hình tai nạn".

Từ sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền mới xuất hiện hiện tượng khô cạn trên sông, nghiêm trọng nhất là đoạn sông từ Tế Nam xuống phía dưới đều cạn khô. Nguyên nhân cũng là vì ĐCSTQ xây các đập nước ở phía thượng nguồn của con sông này. ĐCSTQ vì muốn phát điện đã xây đập Tam Hiệp vô cùng lớn trên sông Trường Giang, buộc người dân sống gần đó phải di dời. Mặc dù đập lớn ngăn nhiều nước nhưng nó đã khiến nhiều cánh đồng phì nhiêu và các di tích lịch sử quan trọng bị ngập trong biển nước. Các di tích bị chìm phải kể đến như: Quỳ Môn khắc đá, Thành cổ Quỳ Châu, thành Bạch Đế, thị trấn Tỷ Quy... Ngoài ra, việc xây dựng đập đã chặn đường di cư của cá tầm và các loại thủy sản khác, đồng thời gây ra sự tuyệt chủng của loài cá ầm trắng ở sông Dương Tử, vốn được mệnh danh là vua của các loài cá nước ngọt . 

Mùa mưa lớn năm nay, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử do ĐCSTQ xây dựng đã thử nghiệm một trận lũ lớn thu hút sự chú ý cả trong và ngoài nước. Những video ghi lại cảnh tượng trên sông Dương Tử cho thấy nước lũ bên trong đập đã cao hơn đỉnh của nhà hai tầng bên ngoài đập, hơn nữa phần đê bên ngoài cho thấy hiện tượng ngấm nước. Đoạn video cũng cho thấy cảnh xưởng đóng tàu bên trong đập đã bị ngập, cột điện cũng bị ngâm trong nước. Máy biến áp bên trên cũng sắp bị chìm nghỉm. 

Ngày 19/7, vì để giảm bớt lũ lụt trên sông Dương Tử đối với vùng hạ du như Nam Kinh, Thượng Hải, đập nước tại An Huy đã bị cho nổ sập để xả lũ. Trong một video khác, nữ phóng viên nói về sự kiện này như sau: "Đây không phải là xả lũ mà là tích trữ lũ. Tích trữ nước lũ rồi đem đến cửa nhà mình xả ra, khiến nước chảy vào nhà. Người An Huy tuy nghèo nhưng không ngốc". Câu nói này có thể thấy mức độ phẫn uất trong lòng của nữ phóng viên. Mở xả lũ nhưng không thông báo trước khiến nhà của 170 ngàn người tỉnh An Huy bị nước lũ bao vây. Hành động xả lũ bất ngờ khiến bao nhiêu người có nhà không thể về, bao nhiêu người đã tử vong, chúng ta còn chưa tính đếm được. ĐCSTQ đúng là xem mạng người như cỏ rác. 

Theo Secret China
San San biên dịch

Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình


[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/du-ngon-bi-an-con-chim-long-trang-bao-hieu-van-menh-trung-quoc-va-tap-can-binh_410003a16.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét