“Thiên lý oanh đề lục ánh hồng,
Thủy thôn sơn quách tửu kỳ phong.
Nam triều tây bách bát thập tự,
Đa thiểu lâu đài yên vũ trung.”
Bài thơ trên là một danh tác của thi nhân Đỗ Mục đời Đường. Trong thơ miêu tả sự hưng thịnh của Phật giáo vào thời Nam triều. Căn nguyên Phật giáo hưng thịnh vào thời Nam triều là do Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (464 – 549 SCN) thành tâm tín Phật. Ông đã lấy thân mình làm gương cũng như ra sức đề xướng Phật giáo trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi Tiêu Diễn lên ngôi, sự nghiệp trị vì của ông vô cùng hiển hách. Ông tiếp thu bài học giáo huấn từ sự diệt vong của nước Tề, chuyên cần chính sự, hơn nữa bất kể là xuân hạ thu đông, mỗi ngày ông đều thức dậy vào lúc canh tư để phê duyệt tấu chương và công văn, có lúc trời đông lạnh cóng cả tay. Ông sẵn sàng tiếp thu những lời khuyên can, lắng nghe ý kiến của quần chúng, cố gắng hết sức sử dụng người tài. Ông hạ lệnh cho người treo hai chiếc tráp bên ngoài Ngũ Triều Môn. Một chiếc gọi là “Bảng mộc hàm” và chiếc còn lại là “Phế thạch hàm”. Nếu công thần và người có tài nhận được đề bạt và ban thưởng mặc dù không có công cán gì, hoặc là người tài hiền lương bị trù dập thì đều có thể viết thư nói lên ý kiến của mình và gửi vào “Phế thạch hàm”. Nếu là bách tính bình dân muốn đóng góp ý kiến xây dựng nước nhà thì có thể gửi thư vào “Bảng mộc hàm”.
Lương Vũ Đế rất coi trọng việc tuyển mộ và bổ nhiệm quan lại. Ông yêu cầu quan lại ở các địa phương nhất định phải thanh liêm. Ông đích thân triệu kiến và giáo huấn các quan viên tuân thủ đường lối trị vì vì nước vì dân.Vì để thúc đẩy tư tưởng của quan viên, Tiêu Diễn còn hạ chiếu thư ra khắp nơi trên toàn quốc. Quan huyện ở huyện nhỏ có thành tích nổi trội thì có thể thăng chức làm quan huyện của huyện lớn hơn. Quan huyện của huyện lớn có thành tích nổi trội thì có thể được đề bạt làm Thái thú ở quận. Sau khi chính lệnh được chấp hành, chế độ quan lại của triều đình đạt được những cải thiện đáng kể. Nông nghiệp và thương nghiệp cũng đạt được những bước phát triển to lớn.
Lương Vũ Đế một lòng thành kính lễ Phật. Thuở thiếu thời, ông xem việc chinh chiến như những tháng ngày để chui rèn bản thân nên đã không thể vào chùa dâng hương bái lễ. Hiện nay, bản thân ông đã tự có thể lo liệu nên việc vào chùa thành tâm lễ Phật đã trở thành chỗ kí thác nơi tâm linh sâu thẳm của ông, đồng thời cũng trở thành một nghi thức lễ bái quan trọng nhất của quốc gia thời đó.
Vào năm 504, năm thứ hai sau khi Lương Vũ Đế lên ngôi, ông đã đích thân dẫn dắt hai mươi nghìn người bao gồm tăng nhân và bách tính bình dân cùng viết “Xả Đạo Sự Phật Văn” ở Trọng Vân Các tại Trọng Vân Điện để biểu đạt chí hướng cũng như ý nguyện một lòng hướng Phật của mình.
Biểu hiện thành tâm sùng bái lễ Phật của Lương Vũ Đế cũng khiến cho người khác hết sức kính trọng ông. Trong sử sách có ghi chép như sau: “nhất quan tam niên, nhất bị nhị niên” (ý tứ là ông có thể đội một chiếc mũ trong ba năm và đắp một chiếc chăn trong hai năm). Ông ăn chay trường, bộ y phục ông mặc trên người chỉ cần giặt qua vài lần. Bởi vì phải giết chết rất nhiều tằm để lấy tơ dệt lụa, điều này đi ngược lại với ý chỉ không sát sinh của Phật gia cho nên ông chỉ mặc quần áo làm từ sợi bông, không cần lụa là gấm vóc. Mỗi ngày ông chỉ ăn đúng một bữa cơm với rau. Vào những lúc bận rộn, ông chỉ húp cháo cho qua cơn đói. Ông cũng không uống rượu, không nghe nhạc, nhưng bản thân ông lại là một người rất am hiểu về âm luật! Ông là vị hoàng đế có cuộc sống thanh bần bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tâm từ bi của ông cũng rất mạnh mẽ. Mỗi lần triều đình phán quyết tử hình đối với một số phạm nhân thì ông thường có biểu hiện không vui trong mấy ngày liền. Cho đến những năm cuối thời ông chấp chính, Tiêu Diễn đã quy y nơi cửa Phật. Ông đã từng bốn lần xả thân ở chùa Đồng Thái (tự viện lớn nhất trong thành Kiến Khang), do vậy ông được người đời gọi là “Hoàng đế bồ tát”.
Danh xưng “Hoàng đế bồ tát” quả thật là rất xứng đáng. Từ hồng quan mà nhìn, ông cho xây dựng chùa tháp, đúc tượng Phật, truyền rộng Phật giáo giúp Nam triều xuất hiện cảnh tượng phồn hoa. Trong phạm vi bốn mươi dặm xung quanh thành Kiến Khang có hơn năm trăm ngôi chùa bên trong nội thành. Chùa chiền và bảo tháp mọc lên sừng sững ở khắp mọi nơi. Chúng ta hãy thử hình dung khung cảnh này tráng quang biết nhường nào! Từ vi quan mà nhìn, triều Lương có dân số khoảng năm triệu người, chỉ riêng tăng ni bên trong thành Kiến Khang đã có đến một trăm nghìn người, ở những quận khác cũng nhiều không kém. Lương Vũ Đế đã từng vài lần vào chùa làm hòa thượng, làm trụ trì giảng giải Kinh Phật cho chúng tăng.
Tiêu Diễn đã từng bốn lần xả thân làm hòa thượng ở chùa Đồng Thái (hiện nay là chùa Kê Minh ở Nam Kinh). Cái gọi là xả thân đầu tiên là xả bỏ tài sản, tiếp đến là xả bỏ tiền tài, quần áo vật dụng cá nhân mang cho chùa; còn có một loại xả thân nữa chính là tự nguyện tham gia phục dịch chúng tăng trong chùa. Lương Vũ Đế xả thân lần đầu kéo dài bốn ngày, lần xả thân dài nhất của ông là ba mươi bảy ngày. Mỗi lần như vậy triều đình đều mang vàng đến chuộc ông trở về, số tiền chuộc cho bốn lần lên đến bốn mươi nghìn lượng vàng. Tại giai đoạn lịch sử đó, Phật giáo thời nhà Lương đạt đến hưng thịnh trước nay chưa từng có.
Lương Vũ Đế Tiêu Diễn tại vị gần năm mươi năm cũng đồng thời xuất hiện cảnh tượng văn hóa thịnh thế. Ngay cả quốc gia ở phương Bắc cũng phải hết lời ca ngợi và bắt chước học theo.
Lương Vũ Đế chấn hưng Phật Pháp, đồng thời sự hưng thịnh của văn hóa Nho học truyền thống cũng đạt đến tầm cao mới trong lịch sử. Trên dưới trong cả nước đâu đâu cũng coi trọng văn hóa Nho học, mọi người nghiên cứu thảo luận hết sức hào hứng. Từ hoàng đế cho đến vương công quý tộc đều lấy nho nhã làm vinh diệu, ai nấy đều nỗ lực đề cao văn hóa tố chất của bản thân. Cho nên trong quãng thời gian chưa đầy năm mươi năm đã xuất hiện một lượng lớn nhà văn cũng như nhà thơ có những thành tựu to lớn trong lịch sử văn học Trung Hoa. Ví như tác giả Tiêu Thống với “Chiêu Minh Tuyển Tập”, tác giả Thẩm Ước với “Tống Thư”, tác giả Tiêu Tử Lương với “Nam Tề Thư”, tác giả Lưu Hiệp với “Văn Tâm Điêu Long”, tác giả Chung Vanh với “Thi Phẩm”; cho đến những danh sĩ như Giang Yểm, Tạ Xuất, Đáo Khái, Đáo Hợp, Khâu Trì, Ngô Quân, Dữu Tín, Lưu Chiêu, Lưu Tuấn, Đào Hoằng Cảnh. Đương nhiên còn có hai người con trai kế thừa ngôi vị của Tiêu Diễn là Giản Văn Đế Tiêu Cương và Nguyên Văn Đế Tiêu Dịch. Tóm lại, sự hưng thịnh của nền văn học thời Lương có thể được xem là sánh ngang với thời thịnh Đường và Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Lương Vũ Đế Tiêu Diễn đã lưu lại những nét bút đậm đà màu sắc trong quá trình lưu truyền văn hóa Thần truyền Trung Hoa dựa trên truyền thừa văn hóa Phật giáo cũng như lưu truyền rộng rãi văn hóa Nho học.
Theo Minh Huệ Net
Bạn đọc có thể xem bài gốc ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét