Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Quốc đảo nhỏ nằm giữa cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh

Quốc đảo nhỏ nằm giữa cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh https://ift.tt/2Ep9QYQ

Hoa Kỳ và các đồng minh đang cố gắng giành lại ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Nikkei Asian Review cho biết quốc đảo Papua New Guinea (PNG) đang trở thành tiêu điểm của cuộc cạnh tranh, xét cả khía cạnh kinh tế và ngoại giao

Với việc khu tự trị Bougainville của PNG nắm giữ một trong những mỏ đồng chưa được khai thác lớn nhất thế giới, các công ty Trung Quốc và phương Tây đang xem xét triển vọng mở lại mỏ đồng Panguna, vốn đã đóng cửa kể từ khi cuộc nội chiến tàn khốc nổ ra vào năm 1989. Hòn đảo này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 15/6/2019 về việc tách khỏi PNG và trở thành quốc gia độc lập có quyền bỏ phiếu trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Ông John Momis, người đứng đầu chính phủ Bougainville tự trị, nói với Nikkei Asian Review rằng các doanh nhân Trung Quốc đã đề xuất đầu tư vào mỏ đồng này trong chuyến thăm tới PNG nhân hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng trước tại thủ đô Port Moresby.

Ông Momis nói ông trả lời họ rằng: "Panguna không phải là một vấn đề dễ dàng, và theo đánh giá của chính phủ Bougainville tự trị, chúng tôi đã quyết định tạm gác vấn đề này cho đến khi trưng cầu dân ý".

Việc Trung Quốc tham gia vào mỏ đồng sẽ cho phép Bắc Kinh có vai trò trực tiếp đối với tương lai của kinh tế của Bougainville trong khi khu tự trị này đang tìm kiếm các nguồn lực và mở rộng mạng lưới chiến lược. Điều đó cũng giúp Bắc Kinh thúc đẩy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong trò chơi quyền lực của mình chống lại Hoa Kỳ và các đối thủ trong khu vực như Australia, theo Nikkei Asian Review.

Hiện tại, Trung Quốc giành được ủng hộ từ 8 quốc gia Nam Thái Bình Dương, trong đó có PNG, về vấn đề cô lập Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Bắc Kinh đã cung cấp cho PNG khoảng 60 triệu đô la viện trợ để tổ chức diễn đàn APEC gần đây, theo một nguồn tin ngoại giao. Khoản tiền này bao gồm sửa chữa đường bộ và cung cấp xe chống đạn. 

Sự tiếp cận của Trung Quốc tới Nam Thái Bình Dương đã thúc đẩy các nước đồng minh phương Tây tìm cách đẩy lùi, dù đã muộn màng. Trước thềm cuộc họp APEC, Úc và New Zealand đã cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng điện của PNG.

Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã công bố kế hoạch hợp tác của Mỹ nhằm củng cố một căn cứ hải quân trên đảo Manus của PNG. Với những tuyên bố rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, ông Pence đã đề cập đến các cuộc tập trận hải quân gần đây với Ấn Độ và Nhật Bản, và nói: "Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của các đảo Thái Bình Dương."

Cho đến nay, các quốc đảo trong khu vực tự thấy mình ở vị trí tuyệt vời khi được mời gọi từ cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các đồng minh, Nikkei bình luận.

Phương Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét